Còn bất cập trong xử lý tội phạm buôn lậu

Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng sự sơ hở của pháp luật để XNK, vận chuyển trái phép hàng hóa, buôn lậu nhằm trốn thuế, thu lợi bất chính, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chính sách phát triển kinh tế, điều tiết thị trường, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước.

Hàng điện tử nhập lậu do Cục Hải quan TP.HCM bắt giữ (ngày 19-10-2015). Ảnh: Thu Hòa.

Số vụ buôn lậu khởi tố còn ít

Tại Hội nghị chuyên đề “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng chống và xử lý tội phạm buôn lậu tại TP.HCM” tổ chức mới đây, các cơ quan quản lý Nhà nước, gồm: Hải quan, Công an, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM… đã đưa ra nhiều giải pháp để tăng cường khởi tố, xử lý tội phạm buôn lậu.Theo đánh giá của Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM, tội phạm buôn lậu tại TP.HCM ngày càng gia tăng phức tạp, thủ đoạn tội phạm tinh vi, có sự móc nối với các đối tượng trong và ngoài nước để thực hiện hành vi phạm tội. Theo phân tích của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM, năm 2015 chỉ khởi tố được 50% số vụ vi phạm, do thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi nên việc điều tra, xác minh để đủ căn cứ khởi tố, xét xử còn hạn chế, khó khăn. Bên cạnh đó, những người làm công tác chuyên môn do năng lực nghiệp vụ chưa đạt yêu cầu nên khả năng đánh giá, thu thập thông tin, chứng cứ ban đầu còn hạn chế, không đủ căn cứ để khởi tố. Hiện nay, trong 4 vụ án buôn lậu ngà voi, cơ quan Hải quan đã khởi tố 2 vụ án chuyển cho Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM để chuyển cơ quan điều tra theo quy định. Đối với các vụ án có dấu hiệu phạm tội, Cục Hải quan TP.HCM đều trao đổi với Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM nhằm đánh giá chứng cứ, trao đổi một cách chặt chẽ trong việc xử lý các vụ việc, nhất là đảm bảo việc khởi tố chặt chẽ.

Tại hội nghị, đại diện các cơ quan quản lý cũng cho rằng, các vụ buôn lậu được khởi tố xét xử còn quá ít so với thực tế phát hiện bắt giữ. Ông Cao Xuân Lợi, Phó Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an TP.HCM cho biết, tất cả hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa hoặc kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc buôn lậu đều có dấu hiệu tội phạm, nhưng việc khởi tố còn ít, rất khó khăn cho công tác xử lý. Tội phạm buôn lậu còn kéo theo nhiều tội phạm khác, như: Sản xuất hàng giả, trốn thuế… Mới đây, Công an TP.HCM đã khởi tố nhiều tội phạm làm giả thực phẩm chức năng, qua điều tra các vụ việc này cho thấy nguyên vật liệu sản xuất thực phẩm chức năng giả đều có nguồn nhập khẩu, chắc chắn số nguyên liệu này là nhập lậu. Cơ quan chức năng cũng phát hiện trên 200 bộ chứng từ giả trong việc nhập khẩu hàng hóa.

Ông Lợi đưa ra dẫn chứng, năm 2016, Công an TP.HCM đã phát hiện 342 vụ buôn lậu, với 355 đối tượng, tăng 154 vụ và 151 đối tượng so với cùng kì năm 2015. Trong đó, cơ quan Công an đã khởi tố 8 vụ, với 7 bị can, còn lại chỉ xử lý hành chính. Nguồn tin báo buôn lậu chủ yếu từ Cục Hải quan TP.HCM, với 41 tin báo, tăng 22 vụ so với cùng kì năm 2015. Qua điều tra, xác minh khởi tố 1 vụ án, đang xác minh 35 vụ.

Ông Dương Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM cho rằng, trên thị trường luôn tồn tại 2 dạng hàng hóa: hàng nhập khẩu chính thức và hàng nhập lậu. Yêu cầu của cơ quan quản lý là phát hiện, ngăn chặn được hàng nhập lậu, bảo vệ sản xuất trong nước, chống thất thu ngân sách. Tin báo về chống buôn lậu của cơ quan Hải quan và Quản lý thị trường còn ít, mỗi năm khoảng 30-40 tin báo, và khởi tố còn ít, trong khi đó, một năm cơ quan Công an tiếp nhận trên 10.000 tin báo, khởi tố hàng ngàn vụ. Cơ quan chức năng phát hiện nhiều vụ buôn lậu rất lớn về ngà voi, sừng tê giác… nhưng chưa phát hiện, xử lý được vụ buôn lậu nào quy mô lớn, đây là tín hiệu đáng lo.

Còn nhiều bất cập

Theo phân tích của các đại biểu, vẫn còn nhiều bất cập trong việc khởi tố, điều tra xét xử tội phạm buôn lậu. Trong thời gian qua cũng nổi lên tình trạng các đối tượng đã mượn pháp nhân của DN có uy tín để khai báo hải quan, nên khi hàng hóa được phân luồng Xanh, tránh được sự kiểm tra thực tế hàng hóa nhằm gian lận, buôn lậu. Gần đây xuất hiện thủ đoạn mới hàng quá cảnh, các đối tượng không tái xuất, mà đưa hàng về các kho hàng tại các tỉnh, cưa chốt container lấy hàng ra, sau đó, đóng chốt kéo container rỗng để tái xuất qua các cửa khẩu. Ông Cao Xuân Lợi cũng cho rằng, liệu có dễ dãi trong việc đăng kí chữ kí số, vì nhiều trường hợp đối tượng phạm tội lấy pháp nhân không có thật để đăng kí sử dụng chữ kí số. Chính vì thế, nhiều vụ buôn lậu đã được khởi tố, nhưng qua điều tra không tìm ra người thực hiện hành vi vi phạm nên phải đình chỉ vụ án. Bên cạnh đó, các đối tượng phạm tội sử dụng pháp nhân không có thật để mở tờ khai hải quan, sử dụng đối tượng khai báo là những nhân viên làm dịch vụ khai thuê, nên việc điều tra, xác minh cực kì khó khăn.

Tại hội nghị, đại diện các cơ quan quản lý cũng nêu lên một số khó khăn vướng mắc trong xử lý tội phạm buôn lậu, như: Văn bản pháp luật chưa đầy đủ, rõ ràng khó vận dụng dẫn đến một số trường hợp nhận thức, đánh giá chứng cứ của các cơ quan tiến hành tố tụng còn khác nhau. Theo Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM, tội phạm buôn lậu rất đa dạng, liên quan đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực nên được điều chỉnh bằng rất nhiều văn bản, quy định pháp luật. Tuy nhiên, có nhiều văn bản, quy định pháp luật nhất là lĩnh vực XNK không thống nhất, chồng chéo khó vận dụng, chưa phù hợp, chưa rõ ràng trong việc xác định tội danh. Bên cạnh đó, một số vụ án không xử lý được do không xác định được giá trị tài sản do tang vật vụ án là hàng cấm, sản phẩm động vật hoang dã có lợi nhuận cao. Nhiều vụ án buôn lậu có quy mô, tổ chức buôn lậu lớn do đối tượng trong nước cấu kết với các đối tượng ở nước ngoài hình thành các đường dây, tổ chức buôn lậu tinh vi, thu lợi bất chính lớn trong thời gian dài mới phát hiện được, nhưng chỉ xử lý được đối tượng trong nước do đối tượng tổ chức, cầm đầu ở nước ngoài. Hiện nay, có rất nhiều cơ quan chức năng có thẩm quyền quản lý, cấp phép liên quan lĩnh vực XNK. Tuy nhiên, công tác quản lý của các cơ quan này vẫn còn bất cập, sơ hở dẫn đến các đối tượng lợi dụng để phạm tội.

Góp ý về các giải pháp xử lý tội phạm buôn lậu, ông Hồ Quý Hoàng, Phó Viện trưởng Viện 1, Viện Hình sự cho rằng, vướng mắc về công tác giám định đối với hàng cấm khó khăn, khiến không xử lý được, vậy phải có kiến nghị cụ thể Viện Kiểm sát tối cao tháo gỡ…

Theo phân tích của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM Dương Ngọc Hải, trong thời gian qua, Hải quan TP.HCM thực hiện quản lý rủi ro, thực hiện phân luồng tờ khai, chỉ kiểm tra thực tế 5% hàng hóa, đó là xu thế chung khi Việt Nam tham gia hội nhập. Tuy nhiên, cơ quan Hải quan cần nghiên cứu phối hợp để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại. Viện Kiểm sát nhân dân sẽ tăng cường việc xử lý tin tố giác tội phạm về buôn lậu, các cơ quan tố tụng đẩy mạnh hơn nữa công tác khởi tố, điều tra, xét xử, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, trốn thuế.

Thu Hòa

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/con-bat-cap-trong-xu-ly-toi-pham-buon-lau.aspx