Còn bao nhiêu cô gái lỡ duyên?

Những con hẻm nhỏ, chỉ lọt một chiếc xe máy; những căn nhà mà ánh nắng mặt trời không bao giờ chiếu đến; những chốn đi về siêu nhỏ mà đồ đạc phải "di tản" ra ngoài đường - hẻm thì chủ nhân mới đủ chỗ đặt lưng sau một ngày lao động cực nhọc...

Đó là hiện trạng cuộc sống của hàng ngàn hộ dân khu Mả Lạng (Q.1), nằm ngay trung tâm thành phố năng động nhất của cả nước.

Đáng nói là cuộc sống khó hình dung nổi của người dân khu Mả Lạng (tứ giác Nguyễn Cư Trinh, P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1, TP.HCM) đã kéo dài gần 20 năm nay, từ năm 2000 khi khu vực này được quy hoạch dự án và giao cho Tổng công ty địa ốc Sài Gòn triển khai nhưng không được thực hiện. Đến năm 2007, khu đất tiếp tục được giao cho Tập đoàn Bitexco xây dự án tổ hợp cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và căn hộ kết hợp chỉnh trang đô thị, nhưng rồi cũng án binh bất động. Dự án treo, "treo" cả số phận người dân. Nếu tính theo vòng đời, chừng ấy đã đủ thời gian để một đứa trẻ mới sinh ra và trưởng thành; một thiếu nữ trở thành người trung niên... Tại buổi đối thoại giữa UBND Q.1 với 1.500 hộ dân khu Mả Lạng mới đây, một người dân đã cay đắng ví von, mỗi hộ dân nơi đây được ví như cô gái 20 tuổi có người đến dạm ngõ nhưng chục năm nay không tới cưới. Thế là lỡ duyên cả đời.

Đó là thực tế cay đắng cho tình trạng quy hoạch treo ở TP.HCM nói riêng và nhiều tỉnh, thành trên cả nước nói chung. Những dự phóng "vẽ" ra nhưng không thực hiện; những quy hoạch không kêu gọi được chủ đầu tư; những khu đô thị, con đường... đã giao cho doanh nghiệp nhưng vướng chỗ này, chỗ kia lại đắp chiếu thậm chí vài chục năm... Có hàng trăm lý do dẫn đến quy hoạch treo, nhưng tất cả đều có chung một kết cục, đó là các quy hoạch này đã "trói buộc" số phận rất nhiều người dân trong cảnh khốn cùng không lối thoát. Họ có nhà, có đất nhưng không được coi là tài sản bởi không thể mang thế chấp ngân hàng khi cần vốn liếng làm ăn; nhà cửa đổ nát nhưng không thể sửa chữa, xây mới; muốn bán để chuyển đi nơi khác càng không được... Họ tiến không được, lùi không xong và hầu hết ngậm ngùi chấp nhận cuộc sống tạm bợ kéo dài năm này qua năm khác. Không chỉ cuộc sống người dân, quy hoạch treo còn sinh ra nhiều vấn đề phức tạp về xã hội, về mỹ quan đô thị, về tình trạng khiếu kiện kéo dài...

Trở lại với khu Mả Lạng, UBND Q.1 đã khẳng định sẽ giải quyết dự án treo và người dân nơi này đang hy vọng sau 17 năm bị đóng băng, họ sẽ chạm tới cơ hội thay đổi cuộc sống hiện tại. Vấn đề là TP.HCM còn nhiều "cô gái lỡ duyên" như Mả Lạng. Cuộc sống của họ cũng đang khổ sở từng ngày. Vì vậy, dự án nào không tiếp tục, quy hoạch nào không khả thi, doanh nghiệp nào nhận rồi bỏ đó... đã đến lúc TP cần giải quyết dứt điểm để ổn định cuộc sống cho người dân ở các khu vực này.

Nguyên Hằng

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/chao-buoi-sang/con-bao-nhieu-co-gai-lo-duyen-856193.html