Còn bao nhiêu cái chết tức tưởi như thế này nữa?

Người dân đã tìm được xác nữ sinh lớp 11 bị nước cuốn trôi xuống cống ở Bình Phước, niềm an ủi cuối cùng cho cha mẹ, người thân của cháu bé.

Lực lượng chức năng đang tìm kiếm nữ sinh mất tích do bị cuốn xuống cống trong cơn mưa lớn vào chiều 20.9. Ảnh: Vietnamnet.

Cháu trên đường đi học về, cháu là niềm hy vọng, là tương lai, là tình yêu của cha mẹ cháu. Nhưng chỉ trong phút chốc, tất cả đã không còn. Rất đau đớn.

Một cái chết quá tức tưởi, quá thương tâm, chỉ có ngửa mặt lên trời và thét lên : Trời ơi! Nhưng không phải tại ông trời đâu, tại con người đấy.

Để cho nước ngập khiến đường thành sông là tại con người. Nếu như xây dựng hệ thống thoát nước đàng hoàng tử tế thì cho dù mưa lớn cũng không ngập nặng đến mức cuốn trôi cả người và xe như vậy.

Và còn nữa, cái cống ấy không có tội, tội là ở con người. Dân địa phương cho biết, đã có nhiều trường hợp người và xe đạp điện bị nước cuốn đến miệng cống, nhưng may thoát kịp. Còn nữ sinh xấu số kia không cưỡng lại được luồng nước xoáy quá khủng khiếp. Người dân chung quanh nhìn thấy nhưng không cứu kịp vì nước cuốn quá mạnh.

Biết là có nhiều trường hợp bị đe dọa tính mạng, nhưng không ai có trách nhiệm làm lưới che miệng cống, đó là tại con người, trách trời sao được. Cái miệng cống mở toang, khi nước lớn nó trở thành vùng nước xoáy, đủ sức hút cả người và xe đạp điện. Vậy mà người ta vô tâm trước sự nguy hiểm, vô trách nhiệm đối với mạng sống con người.

Đơn vị nào xây dựng chiếc cống tử thần này, đơn vị nào quản lý nó, không thể không chịu trách nhiệm. Chính quyền địa phương cũng không thể phủi tay trước cái chết của nữ sinh này.

Chính quyền cai quản địa bàn đương nhiên phải bảo đảm sự an toàn của người dân, để cho một người chết vì nước cuốn xuống miệng cống không có lưới an toàn thì chính quyền đó phải chịu trách nhiệm.

Đây không phải là lần đầu xảy ra cái chết tức tưởi, đã có nhiều trường hợp người dân bị nước ngập trôi xuống cống, hoặc đi đường bị rơi xuống cống do không có nắp đậy, hoặc bị dây điện rơi xuống giật chết. Mạng người quá nhỏ, như cỏ rác vậy sao!

Còn nữa, nhiều công trình xây dựng không rào chắn, trẻ em rơi xuống hố công trình chết thảm.

Hãy cho dân hai chữ an toàn. Nếu cứ ra đường thì bị tai nạn giao thông, cây đè, điện giật, sập cống thì không thể nói đến một đất nước an toàn.

Muốn dẹp được những tai họa này thì hãy đặt ra các quy chuẩn về xây dựng và đảm bảo thực thi, đồng thời nghiêm trị những trường hợp vi phạm để gây ra tai nạn.

Lê Thanh Phong

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/con-bao-nhieu-cai-chet-tuc-tuoi-nhu-the-nay-nua-566086.ldo