'Còn ai trồng khoai' ở V-League?

Cùng với việc mời lại tướng già Trần Bình Sự, những diễn biến chuyển nhượng ở Thủ Dầu Một cho thấy, cựu vương B.Bình Dương - đội bóng đang nắm kỷ lục 4 lần vô địch V-League, không có biểu hiện nào cho thấy họ sẽ trở lại. Và, một câu hỏi rất cũ lại hiện lên trong đầu những người làm chuyên môn cũng như giới mộ điệu: Vắng B.Bình Dương, còn ai tranh ngôi vô địch thiên hạ với bầu Hiển, mà cụ thể là ĐKVĐ Hà Nội T&T, chua kể SHB.ĐN vốn rất “sừng sỏ”?!

Sở dĩ đưa nhận định như vậy, bởi ngoài B.Bình Dương, không thể kỳ vọng vào một cuộc cạnh tranh (chứ đừng nói lật đổ) của một cựu vương nào khác như SLNA, FLC Thanh Hóa, Than Quảng Ninh và cả các thế lực mới như Hải Phòng.

SHB Đà Nẵng rất mạnh, trong trường hợp vô địch, thì cũng bầu Hiển cũng vui kiểu “lọt sàng xuống nia”, khi SHB tài trợ.

Đếm nhanh cũng đến 11/14 cái tên, không đánh mà hàng. Việc có đến 4 ứng viên còn đầy đủ cơ hội lên ngôi ở lượt trận cuối, vòng 26 V-League 2016, cũng là chuyện xưa nay hiếm, trong lịch sử giải đấu 16 năm tuổi. Tuy nhiên, giới thạo tin thực ra cũng thừa biết, ngôi vô địch khó thoát khỏi tay Hà Nội T&T của bầu Hiển, từ cách đó 3-4 lượt trận, khi hàng loạt các đối thủ cạnh tranh không đánh mà hàng.

Bỏ ngoài tai những dị nghị, Hà Nội T&T đã vô địch một cách đầy thuyết phục.

Sức mạnh của Hà Nội T&T là điều không phải bàn cãi nữa, với chiều sâu đội hình và một chiến lược làm bóng đá bài bản. Với sự thống trị gần như tuyệt đối trong hệ thống các giải đấu trẻ QG vài năm gần đây, ưu thế này sẽ còn tiếp tục được duy trì. Và khi "đám trẻ nhà bầu Đức" chưa kịp lớn để tự làm tự ăn, một số khác không có số cũng chẳng có thế, cả V-League kỳ vọng vào B.Bình Dương sẽ trở thành đối trọng với "gia đình" T&T. Nhưng, mùa giải 2017 chưa bắt đầu, đất Thủ đã có biểu hiện... thất thủ.

Theo góc nhìn của chúng tôi, đáng ra, B.Bình Dương đã có thể vươn ra tới tầm châu lục, sau thành tích vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nền bóng đá: lọt vào tới bán kết AFC Cup 2009. Nhưng đội bóng này đã không tiến tiếp, dù đủ lực và bằng chứng là sau cuộc khủng hoảng mini ở cabin BHL, B.Bình Dương đã trở lại với cú đúp vô địch V-League 2014-2015, đồng thời chơi cực hay ở AFC Champions League các mùa giải 2015-2016. Quả là khôn nhà dại chợ, gà què ăn quẩn...

Trên thực tế, nếu xác định một chiến lược làm bóng đá bài bản, tử tế và có tham vọng lớn, B.Bình Dương đã không quay lại với các phương án tướng già. Từ Mai Đức Chung đến Đặng Trần Chỉnh, rồi Lê Thụy Hải..., đều hơn một lần được dùng lại. Tiềm lực tài chính (không dưới 55 tỷ đồng/mùa giải, theo tiết lộ của cựu GĐ điều hành Cao Văn Chóng với Thể thao & Văn hóa) cho phép họ sắm sao ngoại, từ cầu thủ đến cabin BHL, để qua đó nâng tầm năng lực chinh phục. Tuy nhiên, thực tế đã và đang diễn ra theo chiều hướng ngược lại.

Nhiều người cho rằng, B.Bình Dương sau hơn một thập niên vung tiền không tiếc tay và họ cũng đã có điều mình cần: 4 chức vô địch V-League, nên giờ là lúc thu lại. Đất Thủ sẵn sàng để những ngôi sao hàng đầu như Trọng Hoàng, Âu Hoàng, Công Vinh..., rời sân Gò Đậu và cũng chưa ký mới hợp đồng bom tấn nào. Trên thực tế, biểu hiện "buông" đã bắt đầu từ đầu mùa giải 2016, mà ít ai để ý.

Vào thời điểm đó, B.Bình Dương đã từ bỏ thuộc tính mua vào, mua toàn sao chứ không lấy hàng chợ.

QNK Quảng Nam 'cách mạng' trước V.League 2017

Sau ba mùa giải thi đấu ở V-League với lực lượng chủ yếu là những cầu thủ được mua về, QNK Quảng Nam đã có cuộc cách mạng nho nhỏ khi mạnh dạn trao cơ hội cho những cầu thủ trẻ do chính họ đào tạo.

Cơ chế tài chính ở sân Gò Đậu rất khác biệt với phần còn lại. Về lý thuyết, Becamex IDC và Cty con CP thể thao - bóng đá Bình Dương là những cổ đông, nhà tài trợ chính cho đội bóng, song trên thực tế, B.Bình Dương hoạt động phần lớn dựa vào tiền ngân sách. Becamex IDC là Tổng Cty Nhà nước, trực thuộc tỉnh, sau giai đoạn đầu 2004-2006 phải bỏ tiền đầu tư bóng đá, thì kể từ 2007 tới nay, họ gần như không mất thêm đồng bạc nào. Ngạc nhiên chưa?!

Cty CP bóng đá ra đời để phụ trách đội bóng và được rất nhiều ưu đãi trong khai thác quảng cáo dọc QL13, cũng như các mảng kinh doanh béo bở ngoài bóng đá khác. Và bất cứ khi nào thiếu, họ chỉ cần báo cáo dự chi mùa giải mới, là Cty mẹ Becamex IDC có thể rót thêm tiền hoặc kêu gọi các doanh nghiệp khác đóng trên địa bàn chung tay vào. Tỉnh ủy rất ít phải ra mặt, dù bản chất, vẫn là ngân sách tỉnh. Nhiệm vụ của những người làm bóng đá B.Bình Dương là tiêu tiền và tất nhiên, mùa sau phải dự chi nhiều hơn mùa trước, đồng thời phải khiến cho dòng tiền quay vòng mới sinh lời...

Mời HLV Trần Bình Sự về đất Thủ, cũng không nhằm mục đích khác ngoài chuyện tiêu tiền hộ lãnh đạo bằng các bản hợp đồng khủng. Về chuyên môn, lão tướng này dường như đã “hết vị”.

Đúng là tiếc nuối cho “Chealsea Việt Nam” lẫy lừng nữa, thương thay V-League đến hồi vỡ trận!

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/bong-da-viet/con-ai-trong-khoai-o-vleague-n20161105014405051.htm