Coi trọng chất lượng đào tạo và giải quyết việc làm

Những ngày này, thầy và trò Trường Cao đẳng (CĐ) nghề Lilama 1 đang náo nức chuẩn bị kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11). Nhiều lớp học, khu giảng đường cao tầng được vệ sinh sạch sẽ, trông khang trang hơn. Với truyền thống gần 40 năm xây dựng và trưởng thành, Trường CĐ nghề Lilama 1 đang trở thành điểm sáng trong công tác đào tạo nghề cho sinh viên.

Có thể nói Trường CĐ nghề Lilama 1 - Ninh Bình đang đứng trước những thách thức không hề nhỏ. Hệ thống trường CĐ ngày một nhiều, nở rộ trên khắp các tỉnh, thành phố trong khi đó, không ít học viên sau khi ra trường đôn đáo lo việc làm trong các cơ sở sản xuất cơ khí, lắp máy. Đồng thời, khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (AFTA) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN), sự cạnh tranh về lao động có tay nghề cao càng trở lên khốc liệt. Không chỉ riêng các sản phẩm công, nông nghiệp mà lao động có tay nghề cao cũng trở thành một loại hàng hóa trên thị trường lao động quốc tế.

Bối cảnh đó đặt ra câu hỏi lớn: làm thế nào để xây dựng đội ngũ công nhân có tay nghề cao đáp ứng nhu cầu của nền công nghiệp phát triển ngày càng mạnh mẽ? Đội ngũ công nhân trong nước liệu có đủ tầm tri thức, tay nghề để sánh vai với công nhân các nước đang phát triển cạnh tranh ngay trên thị trường lao động trong nước?

Thách thức lớn lao ấy đặt lên vai thầy trò Trường CĐ nghề Lilama 1 - ngôi trường có bề dày gần 40 năm trưởng thành và phát triển. TS Hoàng Công Thi, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Lilama 1 chia sẻ: “Chúng tôi không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên cũng như tạo điều kiện cho sinh viên học tập tốt”. Các hạng mục công trình xây dựng từ năm 2005 được thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn Việt Nam và phù hợp với công năng, bảo đảm phục vụ cho sinh viên thực hành. Hệ thống phòng học lý thuyết, xưởng thực hành, phòng học chuyên môn, phòng thí nghiệm đáp ứng các giờ thực hành của học viên.

Cụ thể, 30 xưởng thực hành các nghề đào tạo với diện tích 5.000m2. Ngoài ra, 53 phòng học lý thuyết với diện tích là 2.650m2, phòng thí nghiệm, phòng học chuyên môn với lưu lượng bình quân học sinh, sinh viên của Trường là 1.000 học sinh/năm. Để giúp sinh viên học tập, thực hành tốt, nhà trường xây dựng kế hoạch đào tạo hợp lý, đạt định mức là 2,4m2/học sinh/phòng học lý thuyết và 6,8m2/học sinh/phòng học thực hành, đáp ứng được nhu cầu đào tạo của trường. Bên cạnh đó, nhà trường còn một số phòng học lý thuyết có diện tích rộng đáp ứng nhu cầu học tập khi số sinh viên đông

Để hình thành kỹ năng cho học sinh, sinh viên, kế hoạch đào tạo được xây dựng hợp lý cho các khoa, bảo đảm số lượng đối với lớp học lý thuyết không quá 35 học sinh, sinh viên còn thực tập không quá 18 học sinh, sinh viên. Nhà trường thường xuyên tổ chức kiểm tra, khảo sát và đầu tư trang thiết bị phục vụ đào tạo nghề, cùng với nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên dạy nghề, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy nghề. Hiện nay, trường có 35% giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi cấp tỉnh, 15 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi toàn quốc, hai người được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.

Thực hiện liên kết với các doanh nghiệp là mô hình giúp sinh viên tiếp cận với thực tiễn, gắn với sự thích ứng của sinh viên sau khi ra trường đáp ứng được việc làm từ thực tiễn. Chất lượng đào tạo được thể hiện rõ qua các kỳ thi học sinh giỏi nghề cấp tỉnh, cấp bộ xây dựng, cấp quốc gia và ASEAN. Cụ thể, tại các kỳ thi tay nghề cấp quốc gia, cấp Bộ Xây dựng, đội tuyển của nhà trường luôn đạt thành tích cao với nhiều giải nhất, giải nhì. Liên tục trong nhiều năm liền sinh viên của trường được lựa chọn vào đội tuyển quốc gia dự thi tay nghề ASEAN các nghề: hàn, lắp đặt điện, lắp đặt đường ống nước.

Tại các hội thi tay nghề ASEAN IV (năm 2004), V (năm 2006), VI (năm 2008), VII (năm 2010), VIII (2012); IX (2014); X (2016), Trường CĐ nghề Lilama 1 đều có sinh viên trong đội tuyển quốc gia và đoạt một huy chương vàng nghề lắp đặt đường ống nước, hai huy chương đồng nghề hàn, nghề đường ống nước, chín chứng chỉ nghề xuất sắc cho các nghề: hàn, lắp đặt điện, lắp đặt đường ống nước.

Để đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, nhà trường chủ động đào tạo nghề mới, mở rộng quy mô và nâng cao năng lực đào tạo nghề. Bên cạnh việc đào tạo nghề chính quy tập trung cho người học tại trường, người học còn được học nghề bằng nhiều hình thức khác như vừa làm vừa học tại các doanh nghiệp, hoặc tại các sở sở sản xuất kinh doanh. Từ năm 2000 đến nay, nhà trường thực hiện đào tạo và cung cấp cho các doanh nghiệp trong và ngoài ngành hàng chục nghìn công nhân có tay nghề lắp máy đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức hàng nghìn lao động được đào tạo lại nâng cao kiến thức tại các doanh nghiệp.

Nhà trường luôn duy trì tốt kỷ cương nền nếp dạy và học, thường xuyên xây dựng kế hoạch dự giờ, kiểm tra việc thực hiện quy chế giảng dạy, cải tiến phương pháp giảng dạy, áp dụng công nghệ thông tin vào bài giảng để nâng cao chất lượng dạy và học nghề. Nhận thấy tầm quan trọng của việc đánh giá đúng, chính xác kết quả học tập của học sinh sinh viên và giúp cho công tác phân loại học sinh sinh viên, làm cơ sở cho việc điều chỉnh phương pháp dạy học, nhà trường đã chỉ đạo các khoa xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá cho từng nghề, từng mô-đun, môn học. Thông qua các tiêu chí đánh giá, giáo viên hướng dẫn để học sinh, sinh viên có thể đánh giá chéo lẫn nhau qua đó nâng cao năng lực của người học, bảo đảm tính khách quan, công bằng.

Song hành với công tác nâng cao chất lượng đào tạo nghề, công tác giải quyết việc làm cho người lao động được nhà trường đặc biệt chú trọng. Phát huy vai trò cầu nối giữa người lao động với doanh nghiệp, từ năm 2000 đến nay, nhà trường đã đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động, liên kết, tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; đồng thời, tổ chức nhiều đợt tư vấn việc làm cho người học do các doanh nghiệp trực tiếp đến tư vấn và ký cam kết ba bên nhà trường - người học - doanh nghiệp.

Trung bình mỗi năm, nhà trường tổ chức được hàng chục đợt tư vấn việc làm, thu hút hơn 100 lượt doanh nghiệp tuyển dụng và từ 6.000 – 7.000 lao động tham gia làm việc tại các công trình trọng điểm quốc gia như: Xây dựng Trung tâm hội nghị quốc gia; Nhà máy lọc dầu Dung Quất; Khu công nghiệp Nghi Sơn (Thanh Hóa); Khu công nghiệp Vũng Áng; Nhà máy nhiệt điện Uông Bí; Khí điện đạm Cà Mau; Nhà máy nhiệt điện Thái Bình; Nhà máy Samsung ở Thái Nguyên. Qua đó, hàng chục nghìn học viên được tư vấn, giới thiệu và tìm được việc làm ổn định với thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng.

“Để công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động ngày càng đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả, từ năm 2000 đến nay, nhà trường vẫn và sẽ tập trung đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động” - TS Hoàng Công Thi kết luận. Trong đó, triển khai rà soát, ghi chép, cập nhật thông tin về cung – cầu lao động, diễn biến thị trường lao động; đào tạo nghề gắn với thực hành tạo “đầu ra” cho người học; đào tạo những nghề thiết thực với thị trường, doanh nghiệp. Tiếp tục đầu tư các trang thiết bị hiện đại phục vụ đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp. Trường là điểm được cấp phép đánh giá kỹ năng nghề quốc gia cho ba nghề: hàn, chế tạo thiết bị cơ khí, kỹ thuật lắp đặt điện & điều khiển trong công nghiệp.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/31286202-coi-trong-chat-luong-dao-tao-va-giai-quyet-viec-lam.html