Coi doanh nghiệp, người tham gia BHXH là trung tâm phục vụ

Trong thời gian qua, BHXH VN tiếp tục đẩy mạnh các công tác như cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tuyên truyền nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, DN, đối tượng tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN.

Bà Lý Thị Phương - Trưởng phòng Giám định BHYT (BHXH tỉnh Thái Nguyên) - đang hướng dẫn nghiệp vụ cho giám định viên tại Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên. Ảnh: H.A

Tạo điều kiện thuận lợi cho DN

Theo BHXH VN, hiện nay số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,16 triệu người; bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 11,24 triệu người; BHXH tự nguyện là 240 nghìn người; BHYT là 76,39 triệu người, đạt tỉ lệ bao phủ 82,14% dân số. Trong 5 tháng đầu năm 2017, toàn ngành đã giải quyết các chế độ BHXH cho 3,54 triệu lượt người, tăng 0,28 triệu lượt người (8,5%) so với cùng kỳ năm 2016, gồm: 58 nghìn lượt người hưởng BHXH hàng tháng, 250 nghìn lượt người hưởng trợ cấp 1 lần; 3,2 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe. Tổng số tiền chi BHXH, BHYT, BHTN của toàn ngành là 99.073 tỉ đồng (tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2016).

Phó Tổng Giám đốc BHXH VN Phạm Lương Sơn cho biết, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, DN, đối tượng tham gia và thụ hưởng chế độ BHXH, BHYT, BHTN, riêng trong năm 2015, BHXH VN đã cắt giảm bộ thủ tục hành chính (TTHC) từ 115 thủ tục xuống còn 33 thủ tục; giảm 56% số lượng hồ sơ; giảm 82% các chỉ tiêu trên tờ khai, mẫu biểu; giảm 78% quy trình, thao tác nghiệp vụ.

Các TTHC được công khai, minh bạch. Năm 2016, BHXH VN tiếp tục tập trung rà soát bộ TTHC; trong đó, trọng tâm là rà soát các thủ tục liên quan đến việc giải quyết và chi trả chế độ BHXH, BHYT, BHTN. Trên cơ sở đó, đã cắt giảm thêm 1 thủ tục (từ 33 thủ tục xuống còn 32 thủ tục); giảm 38% thành phần hồ sơ; giảm 42% tiêu thức trên tờ khai, biểu mẫu; giảm 54% quy trình, thao tác thực hiện; thời gian giao dịch thực hiện các TTHC về BHXH của DN giảm còn 48 giờ/năm…

“Có thể nói, công tác cải cách TTHC của BHXH VN đang đi đúng hướng và triển khai đồng bộ theo đúng yêu cầu của Chính phủ; quy trình, thủ tục tiếp tục được nghiên cứu cải tiến; thời gian thực hiện các TTHC được cắt giảm; tác phong làm việc coi DN, người tham gia BHXH, BHYT, BHTN là trung tâm phục vụ được quán triệt trong toàn ngành và được thực thi nghiêm túc” - ông Sơn đánh giá.

Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho DN, BHXH VN đã triển khai Hệ thống giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia BHXH, BHYT và đề nghị cấp sổ BHXH, thẻ BHYT. DN thực hiện giao dịch điện tử sẽ không mất thời gian đi lại, chờ đợi nộp hồ sơ so với giao dịch trực tiếp tại cơ quan BHXH. DN hoàn toàn chủ động về thời gian, có thể nộp hồ sơ bất cứ lúc nào trong ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ. Ngoài việc giảm thời gian giao dịch, DN còn có thể xem được kết quả giao dịch ngay qua mạng. Việc quản lý, lưu trữ hồ sơ điện tử cũng thuận tiện cho việc đối chiếu giấy tờ khi cần thiết. Đến nay, đã có hơn 280 ngàn đơn vị, DN đã thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực đóng BHXH (đạt tỉ lệ 93% tổng số đơn vị sử dụng lao động, DN đang tham gia BHXH).

Minh bạch trong thanh toán BHYT

Một trong những công tác đạt hiệu quả cao mà ngành BHXH VN thực hiện là đưa vào Hệ thống thông tin giám định BHYT điện tử. Ông Phạm Lương Sơn cho biết, việc triển khai vận hành Hệ thống thông tin giám định BHYT điện tử là bước đột phá, có ý nghĩa quan trọng, làm thay đổi căn bản phương pháp giám định, quản lý chi trả chi phí KCB BHYT.

Hiện nay, Hệ thống thông tin giám định BHYT đã kết nối với trên 12.000 cơ sở khám chữa bệnh (KCB) BHYT từ tuyến xã đến TƯ. Với gần 150 triệu hồ sơ, bệnh án phải giám định mỗi năm, trên 22.000 loại thuốc, 18.000 dịch vụ kỹ thuật y tế, Hệ thống thông tin giám định BHYT vừa giúp giải quyết nhanh chóng, kịp thời chế độ cho người dân tham gia BHYT, vừa giảm áp lực đối với cán bộ BHXH. Quan trọng hơn là đảm bảo tính chính xác trong công tác giám định, minh bạch trong thanh toán BHYT, mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý và ngăn ngừa tình trạng trục lợi, lạm dụng quỹ BHYT. Việc phát hiện những trường hợp đi KCB nhiều lần trong ngày, nhiều ngày trong tháng chỉ là một chức năng quản lý thông tuyến của Hệ thống thông tin giám định BHYT.

BHXH VN đang xây dựng, cập nhật các quy tắc giám định theo quy trình kỹ thuật của Bộ Y tế để Hệ thống phát hiện các trường hợp chỉ định không phù hợp, quá mức cần thiết, các hồ sơ thanh toán sai quy định; đồng thời, kiểm soát được giá thuốc, xác định được những cơ sở y tế gia tăng lượt khám, gia tăng chi phí bất thường để kịp thời kiểm tra, ngăn ngừa trục lợi BHYT.

Công tác tuyên truyền được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. BHXH VN phối hợp với các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở TƯ và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền với đa dạng phương thức, nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng. Năm 2016, cả nước đã tổ chức hơn 2.950 hội nghị, hội thi, đối thoại trực tiếp với các nhóm đối tượng.

Trong đó có 446 hội nghị trang bị kiến thức BHXH, BHYT; 2.500 cuộc đối thoại, tọa đàm trực tiếp với NLĐ, chủ sử dụng lao động, cán bộ lao động phụ trách công tác BHXH, BHYT trong các DN, công nhân, nông dân, phụ nữ, xã viên hợp tác xã, đoàn viên, thanh niên và học sinh - sinh viên; 112 hội thi tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT với nông dân, công nhân lao động và học sinh - sinh viên. Năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đã đăng tải gần 10.000 tin, bài, phóng sự, các cuộc phỏng vấn, các phim tài liệu, chuyên mục, chuyên đề, tọa đàm, giao lưu trực tuyến, đối thoại tư vấn trực tiếp, show truyền hình về BHXH, BHYT...

Bên cạnh đó, BHXH VN đã phối hợp với Hội Nhà báo VN tổ chức “Giải báo chí toàn quốc về BHXH, BHYT năm 2015-2016”. Cuộc thi đã thu hút hơn 1.200 tác phẩm từ 131 cơ quan thông tấn, báo chí; trong đó có 52 cơ quan báo chí TƯ, 79 cơ quan báo chí địa phương tham gia.

HÀ NGUYÊN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/coi-doanh-nghiep-nguoi-tham-gia-bhxh-la-trung-tam-phuc-vu-675655.bld