Coi chừng “tiền mất tật mang”

TT - Đã có nhiều ý kiến phản biện đầy tính thuyết phục đưa ra trong cuộc họp ngày 5-3 của UBND TP.HCM xem xét nghiên cứu khả thi dự án thu phí ôtô vào trung tâm TP.HCM để hạn chế ùn tắc giao thông.

Dự án thu phí ôtô vào trung tâm TP.HCM:

Nhiều chuyên gia băn khoăn về giải pháp chống ùn tắc bằng cách thu phí ôtô vào trung tâm TP - Ảnh: THUẬN THẮNG

Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong, đơn vị đề xuất dự án, khẳng định dự án sẽ mang lại hiệu quả tiết kiệm thời gian tương đương 6.000 tỉ đồng, thu ngân sách 1.200 tỉ đồng mỗi năm. Trong khi đó nhiều sở, ngành lại đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả giảm ùn tắc giao thông của dự án này.

Vành đai thu phí

Tại cuộc họp, ông Lâm Thiếu Quân, tổng giám đốc Công ty CP công nghệ Tiên Phong (ITD), báo cáo chi tiết các nội dung của dự án thu phí sau khi đã điều chỉnh theo ý kiến góp ý của các sở ngành cuối năm 2011. Theo đó, ITD đề xuất đưa đường Võ Văn Kiệt ra ngoài khu vực thu phí. Dự án sẽ lắp đặt một hệ thống bao gồm 35 cổng thu phí tạo thành một vành đai khép kín khu vực trung tâm TP (bao gồm hầu hết khu vực Q.1 và Q.3) và một trung tâm điều khiển hệ thống thu phí.

Các cổng thu phí được thiết kế dạng cổng giàn thép ngang qua mặt đường có chiều cao 6m. Cách thức thu phí: ôtô vào khu vực trung tâm được trang bị OBU (đầu đọc trên xe) khi đi qua cổng thu phí không phải dừng lại mà hệ thống nhận diện biển số xe và công nghệ giao tiếp sóng ngắn sẽ tự kết nối thông tin của phương tiện với hệ thống và chủ động trừ tiền phí trong tài khoản ngân hàng. Mỗi cổng thu phí có công suất thu tới 1.800 ôtô/giờ/làn.

Dự án sẽ trang bị năm xe tuần tra và 20 thiết bị kiểm tra cầm tay để công an xử phạt những trường hợp không chấp hành nộp phí. 35 điểm phân phối OBU (bán hoặc cho thuê đối với các trường hợp xe tỉnh ngoài vào TP) sẽ được đặt tại các địa điểm công cộng như trạm xăng, siêu thị... Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án gần 1.300 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là chi phí mua sắm thiết bị (hơn 1.000 tỉ đồng). ITD đề xuất sẽ cùng Ngân hàng Công thương VN và các đối tác khác lập một công ty góp vốn 400 tỉ đồng, 900 tỉ đồng còn lại sẽ vay dài hạn ngân hàng. ITD cũng chủ động đề xuất đầu tư theo hình thức BTO (xây dựng - chuyển giao - vận hành). Theo đó, sau khi xây dựng nhà đầu tư sẽ bàn giao hệ thống cho TP quản lý, TP sẽ hoàn trả vốn cho nhà đầu tư trong vòng năm năm bằng tiền thu phí, nếu tổng thu từ ngân sách thu phí không đủ thì việc chi trả sẽ tiếp tục kéo dài trong năm năm tiếp theo.

ITD đề xuất hai mức thu trong thời gian thấp điểm và cao điểm, trong đó hai năm đầu chỉ áp dụng một mức như thời gian thấp điểm cho cả ngày. Thời gian thu phí 252 ngày trong năm, không thu ngày thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ. Thời gian thực hiện dự án trong vòng 10 năm.

Về hiệu quả đầu tư của dự án, ITD khẳng định dự án hoàn toàn khả thi khi mỗi ngày sẽ tiết kiệm được thời gian đi lại của người dân tương đương 16,2 tỉ đồng, thu ngân sách 3,21 tỉ đồng. Tính ra một năm TP sẽ thu ngân sách được khoảng 1.200 tỉ đồng và tổng thời gian tiết kiệm được trong năm tương đương 6.000 tỉ đồng.

Thời gian thấp điểm

Thời gian
cao điểm

Xe con,
xe taxi

30.000 đồng/lượt

40.000
đồng/lượt

Xe khách, xe tải

50.000 đồng/lượt

70.000
đồng/lượt

(Mức phí đề xuất của ITD)

Có thật sự giảm ùn tắc?

Tuy nhiên, trái ngược với sự lạc quan của đơn vị đề xuất dự án, ngay trong cuộc họp đại diện các sở ngành cũng đặt ra những hoài nghi về tính hiệu quả của dự án này.

Ông Trương Lâm Danh, đại biểu HĐND TP, lo ngại khi thực hiện dự án này lượng xe máy sẽ tăng lên khoảng 13% thì mục tiêu giảm kẹt xe liệu có đạt được? Mặt khác, hiện nay TP chưa quy hoạch các bãi đậu xe ngầm để người dân nếu không đi ôtô vào trung tâm TP thì có chỗ đậu xe để chuyển sang phương tiện giao thông công cộng. Đại diện Viện Nghiên cứu phát triển TP cũng đồng tình với quan điểm đó và cho rằng việc người dân chấp nhận nộp phí để vào trung tâm TP là để mua quyền lưu thông nhanh hơn, nhưng nếu dự án không giảm được kẹt xe thì người dân sẽ “tiền mất tật mang”: vừa phải nộp phí vừa không được lưu thông nhanh. Đại diện Viện Nghiên cứu phát triển cũng đặt ra vấn đề về hình thức đầu tư cần đàm phán cụ thể, rút kinh nghiệm nhiều dự án lớn khác chủ đầu tư đẩy hết phần khó khăn về cho TP. Triển khai dự án này theo hình thức BTO, nếu hiệu quả thu phí không như mong muốn thì TP thiệt, trong khi vẫn phải trả vốn và lãi cho nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Thành Tài, nguyên phó chủ tịch UBND TP, cho rằng TP cần cân nhắc về tính khả thi của dự án. Một số nước triển khai dự án tương tự, nhưng nếu đem so sánh để nói áp dụng ở VN là khập khiễng vì chưa có mẫu số chung để so sánh.

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Sở Tài chính nêu ra 10 lý do để khẳng định việc thu phí ôtô vào trung tâm TP không hề mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho TP mà chỉ tạo ra một công cụ để thu phí của người dân.

Cụ thể: dự án không tạo ra cho người dân bất cứ tài sản cụ thể nào mà chỉ tạo ra một công cụ thu phí hơn 1.000 tỉ đồng (thiết bị thu phí) là một loại tài sản không bền vững (như cầu, đường). Biện pháp thu phí là sử dụng tài sản của Nhà nước, của người dân (các tuyến đường) để phục vụ thu phí là thiếu thuyết phục. Taxi, xe tải nhỏ vận chuyển hàng hóa vào trung tâm cũng bị thu phí sẽ đẩy giá cả lên cao, lạm phát tăng làm người dân trong vùng thu phí phải gánh chịu. TP sẽ phải bỏ ngân sách để thuê hoặc mua OBU cho các đơn vị sự nghiệp phải đóng phí, các thiết bị có thời gian khai thác ngắn nên sau thu phí được bàn giao lại sẽ không khai thác được hiệu quả cao.

Đại diện Sở Tài chính cũng cho rằng tình trạng ùn tắc tại các khu vực cửa ngõ hiện nay gây thiệt hại rất lớn cho TP, ùn tắc trong khu vực nội ô gây thiệt hại thấp hơn trong khi nếu triển khai dự án sẽ làm gia tăng ùn tắc bên ngoài các vành đai thu phí. Đại diện Sở Tài chính kiến nghị cần xem xét việc giảm ùn tắc giao thông vì lợi ích chung của toàn TP chứ không thể vì lợi ích của một nhóm cục bộ.

Sẽ lấy ý kiến phản biện của dân

Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP cho biết người dân có rất nhiều dư luận về chủ trương thu phí ôtô vào trung tâm TP. Nhiều người cho rằng hiện nay TP thu nhiều thứ quá “phí chồng lên phí” khiến lạm phát tăng, người dân chịu nhiều khó khăn hơn. Để triển khai dự án này phải bỏ ra tới 1.300 tỉ đồng, trong khi hiệu quả giảm ùn tắc chưa chắc chắn lắm nên người dân sẽ không yên tâm.

Ông Bùi Xuân Cường, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP, cho biết với một dự án có tác động lớn như thế này rất cần lấy ý kiến phản biện để đảm bảo tính khả thi của dự án. Tuy nhiên, hiện nay dự án mới chỉ lấy ý kiến nội bộ của các sở ngành mà chưa lấy ý kiến rộng rãi của người dân và các nhà khoa học. Sở GTVT cũng tiếp nhận nhiều ý kiến băn khoăn về mục đích thu, hình thức đầu tư của dự án, về pháp lý xử phạt, khả năng đáp ứng của vận tải hành khách công cộng khi dự án được triển khai...

Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Hữu Tín - phó chủ tịch UBND TP - khẳng định về chủ trương thì Chính phủ, Bộ GTVT và UBND TP đều ủng hộ dự án thu phí ôtô vào trung tâm TP như một trong các nhóm giải pháp đồng bộ để kéo giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên việc thu phí như thế nào và thời điểm thu phí cần phải tính toán cẩn thận. UBND TP yêu cầu các sở ngành cần xem xét việc thu phí ôtô vào trung tâm trong quy hoạch chung của TP như việc di dời các công trình tập trung đông người ra ngoại thành, quy hoạch bãi đậu xe ngầm... Ông Nguyễn Hữu Tín đã yêu cầu Sở GTVT phối hợp với Mặt trận Tổ quốc TP trong thời gian tới tổ chức lấy ý kiến góp ý rộng rãi của người dân và các nhà khoa học về dự án này.

BÁ SƠN

Gần 600.000 tỉ đồng đầu tư cho kết cấu hạ tầng

Vay vốn ADB xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Cần Thơ

Ông Dương Tuấn Minh - tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (gọi tắt là Cửu Long CIPM) - cho biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ban hành quyết định giao Bộ GTVT tiếp nhận lại dự án BOT đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang) từ Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc BIDV. Đồng thời giao Cửu Long CIPM nghiên cứu, đề xuất triển khai dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hướng gộp dự án này với dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ thành một dự án là dự án Trung Lương - Cần Thơ (Tiền Giang - Cần Thơ). Giao Bộ GTVT đàm phán vay vốn ADB và JICA để thực hiện dự án này.

N.ẨN

Theo đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ nhằm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 mà Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa trình Thủ tướng Chính phủ, tổng nhu cầu vốn để hoàn thành mục tiêu đến năm 2015 là 595.349 tỉ đồng.

Bộ GTVT cho biết trong 595.349 tỉ đồng tổng nhu cầu vốn để hoàn thành các mục tiêu đến năm 2015, số vốn do Bộ GTVT trực tiếp quản lý khoảng 480.000 tỉ đồng. Còn lại là nguồn vốn khác. Trong số vốn Bộ GTVT quản lý dự kiến huy động được khoảng 344.000 tỉ đồng (gồm 9.000 tỉ đồng vốn nước ngoài, 17.000 tỉ đồng vốn đối ứng, 51.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ, 180.000 tỉ đồng huy động ngoài ngân sách). Như vậy số vốn còn thiếu khoảng 136.000 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách khoảng 73.000 tỉ đồng.

Theo Bộ GTVT, giai đoạn đến năm 2015 sẽ tập trung cho các công trình giải quyết tình trạng “thắt cổ chai” của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, phấn đấu đến năm 2015 tạo bước đột phá cơ bản làm tiền đề đẩy nhanh tốc độ xây dựng giai đoạn 2016-2020. Cụ thể đến năm 2015 hoàn thành mở rộng 878km quốc lộ 1, trong đó ưu tiên đoạn Hà Nam - Hà Tĩnh vào năm 2013; hoàn thành cơ bản khoảng 600km đường cao tốc trên tuyến Bắc - Nam và nối Hà Nội, TP.HCM với các cửa ngõ và đầu mối giao thông quan trọng. Về đường sắt sẽ hoàn thành nâng cấp đường sắt Yên Viên - Cái Lân, Yên Viên - Lào Cai và tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội), Bến Thành - Suối Tiên (TP.HCM), từng bước cải tạo tuyến đường sắt Bắc - Nam. Về hàng hải sẽ hoàn thành cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, Cái Mép - Thị Vải, luồng cho tàu biển lớn vào sông Hậu, huy động vốn nước ngoài triển khai tiếp giai đoạn 1 cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong. Với hàng không, Bộ GTVT đặt ra mục tiêu ưu tiên đầu tư nâng cấp năm cảng hàng không quốc tế Nội Bài, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Cam Ranh; phấn đấu đưa năng lực của toàn mạng cảng hàng không lên 60 triệu khách thông qua/năm...

Trong tờ trình đề án trên, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt, trên cơ sở đó giao Bộ GTVT và các bộ ngành có liên quan xây dựng chương trình hành động cụ thể, đưa vào kế hoạch năm năm và hằng năm để triển khai thực hiện.

TUẤN PHÙNG

Bạn có ý kiến phản biện gì với dự án thu phí ôtô vào trung tâm TP.HCM để hạn chế ùn tắc giao thông? Theo bạn, dự án đó hiệu quả hay không? Khả thi hay không? Hãy gửi ý kiến của bạn về cho chúng tôi trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây hoặc qua email tto@tuoitre.com.vn . Cám ơn.

Nguồn Tuổi Trẻ: http://tuoitre.vn/chinh-tri-xa-hoi/480818/coi-chung-%e2%80%9ctien-mat-tat-mang%e2%80%9d.html