'Cởi bỏ' nút thắt về tiếp cận vốn cho doanh nghiệp tư nhân

Chúng ta cần phải quan tâm hơn đến cho vay tín chấp thông qua hoạt động của các quỹ trong đó có quỹ bảo lãnh tín dụng để tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp hơn được tiếp cận với vốn ngân hàng.

Đó là chia sẻ của ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong cuộc tọa đàm trực tuyến “Tháo gỡ nút thắt trong tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp tư nhân” vừa được Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức mới đây.

Từ góc độ Hiệp hội ông Nam đã có kiến nghị đề xuất để các dòng vốn đến đúng các đối tượng sản xuất, kinh doanh trong đó có các doanh nghiệp tư nhân. Theo ông Nam, Ngân hàng Nhà nước nên nghiên cứu các chính sách để làm sao các ngân hàng thương mại có thể chủ động nhiều hơn nữa trong việc tiếp cận vốn từ các dự án quốc tế, đặc biệt là các dự án hỗ trợ, bởi các ngân hàng thương mại của Việt Nam kể cả các ngân hàng nhỏ nhất thì đều có tính chuyên nghiệp rất cao. Việc họ được tiếp cận, được tham gia cùng là khả thi hơn các tổ chức khác, hơn nữa họ là loại hình doanh nghiệp tài chính phải tuân thủ các quy định rất chặt chẽ. Việc này sẽ giúp có thêm các nguồn vốn khác thường có lãi suất thấp, thời gian cho vay dài hơn để đáp ứng nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp.

Thứ hai nữa là phải quan tâm hơn đến cho vay tín chấp thông qua hoạt động của các quỹ trong đó có quỹ bảo lãnh tín dụng để tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp hơn được tiếp cận với vốn ngân hàng. Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không cần lượng vốn lớn chỉ mấy trăm triệu đồng nhưng thời gian vay phải dài theo chu kỳ kinh doanh.

Về mặt khung chính sách ông Nam cũng cho rằng cần điều chính theo hướng khuyến khích các ngân hàng thương mại mạnh dạn, táo bạo hơn khi cho doanh nghiệp vay, đặc việc là các món vay nhỏ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khi có rủi ro nếu không phát hiện ra có tư lợi cá nhân trong đó thì không nên xem xét hình sự hóa để giải thoát tâm lý e ngại của ngân hàng thương mại.

Trả lời cho câu hỏi phải chăng các ngân hàng thương mại vẫn còn sự ưu ái nhất định khi cho vay đối với các doanh nghiệp lớn nhất là doanh nghiệp nhà nước, điều này dẫn đến câu chuyện gỡ khó về vốn cho khối doanh nghiệp này đã được bàn nhiều, nhưng kết quả chưa được bao nhiêu? Ông Nguyễn Minh Phong – chuyên gia kinh tế cho biết, theo con số thông báo của anh Trần Văn Tần, rõ ràng tổng dư nợ xã hội tăng rất mạnh, tổng dư nợ cho vay doanh nghiệp tăng rất tốt, nhưng tổng dư nợ của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) lại không tương xứng, điều đó chứng tỏ, sân chơi dành cho các doanh nghiệp này đang bị bó hẹp. Vậy thì biện pháp đột phá để giải quyết nghịch lý này cần phải có.

Ngoài những giải pháp liên quan từng ngân hàng, từng doanh nghiệp ông Phong cho rằng các ngân hàng phải thay đổi năng lực, tránh chuyện lười biếng. Ngân hàng thường đang có phong trào thích làm các dự án lớn, công sức ít hơn, độ an toàn cao hơn, hoa hồng nhiều hơn, phần thưởng tốt hơn. Ngay cơ chế này đã khuyến khích các cán bộ ngân hàng thích làm các dự án lớn.

Đối với hệ thống các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Phong cho rằng cần mấy điểm đột phá để đảm bảo nguồn vốn rộng hơn như sau: Thứ nhất, cần phải thực hiện tốt việc cho vay theo chuỗi, điều này, luật hỗ trợ DNNVV đã khẳng định rất rõ, ngay cả cho vay tín chấp hay các hoạt động cho vay khác cũng cần ưu tiên lấy đây làm trọng tâm.

Thứ hai, các doanh nghiệp cũng nên mạnh dạn liên kết với nhau. 600.000 doanh nghiệp hầu hết là nhỏ, không có sự liên kết, không đáp ứng được điều kiện cho vay, không có tầm để đầu tư dài hạn, như vậy, “anh tự làm yếu mình trước các điều kiện cho vay ngặt nghèo. Khi tham gia vào chuỗi, anh sẽ có điều kiện để phát triển tốt hơn, lớn hơn, đáp ứng được điều kiện cho vay từ phía ngân hàng” – vị chuyên gia này nói.

Thứ ba, các doanh nghiệp tư nhân phải tự huy động vốn, thông qua vốn tự có, vay người nhà và đặc biệt, trên thị trường chứng khoán. Ngoài ra, các quỹ bao gồm quỹ phát triển DNNVV (sắp thành lập), quỹ bảo lãnh phải thay đổi các điều kiện, thay đổi cách làm của mình để tạo hợp lực giúp DNNVV tiếp cận tốt hơn với nguồn vốn.

Cuối cùng, từng ngân hàng phải có sự điều chỉnh. Khi tất cả những điều đó làm tốt, cộng với Nhà nước kiến tạo, cùng với sự hỗ trợ của các địa phương theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì sẽ tạo ra hợp lực tốt để các doanh nghiệp có được sự cải thiện trong tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Theo Enternews

Nguồn ANTT: http://antt.vn/coi-bo-nut-that-ve-tiep-can-von-cho-doanh-nghiep-tu-nhan-204003.htm