Có yêu theo kiểu ích kỷ?

Cho dù là di sản vật thể hay phi vật thể thì cũng là tài sản của một quốc gia. Tài sản ấy phải được bảo tồn và để người dân của quốc gia ấy hưởng thụ. Nhưng làm thế nào để đông đảo người dân, tính cả theo trục không gian và theo trục thời gian, tính theo cả hưởng thụ về lợi ích vật chất cũng như những giá trị tinh thần, được hưởng thụ lại không hề dễ dàng.

Hang Sơn Đoòng nằm trong vùng lõi của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Nguồn ảnh: Internet

Khi ngồi trên cabin cáp treo để lên đỉnh núi cao nhất, gọi là nóc nhà của đất nước, tôi có cảm giác bàng hoàng, xúc động thật sự…

Giang sơn gấm vóc đủ sắc màu cung bậc đang trải rộng phía dưới tầm mắt mình kiểu như đang ngự trên máy bay mà nhìn xuống. Lại đúng ngày nắng lên, trời trong văn vắt. Phía dưới, những tán rừng, những vách đá núi dựng đứng, len lỏi những mạch suối đại ngàn lấp loáng nước. Tinh nhạy, còn có thể nghe tiếng thác gầm, nghe tiếng gió hú…

Đời mình đã leo bao nhiêu đèo dốc, đã từng lên nhiều đỉnh núi… Nhưng cũng nhiều lúc vất vả, có lúc cơ hàn. Nghĩ đến nóc nhà đất nước, đã từng nhiều lần nghĩ, thể nào cũng phải có dịp mình quyết leo lên cho tới. Nhưng công việc lôi đi, thời gian chùng chình, thế mà khi ngoảnh lại, đã thăm thẳm một ước mơ xa. Những ước mơ thời trẻ, càng nhiều thời gian qua đi, càng rơi rụng dần, vì áo cơm, vì bận bịu ngáng trở, vì sức khỏe… Càng ngày mình càng thiếu đi những yếu tố để chinh phục. Càng ngày, các mục tiêu chinh phục càng lặng lẽ rời xa ta…

Ngồi trên ấy, cố nhìn, đoán xem đâu là nơi mà cậu sinh viên Đại học Mỹ thuật công nghiệp 20 tuổi Phạm Ngọc Ánh mất tích từ tháng 7/2013, giờ vẫn chưa thấy tung tích? Rồi cuối năm ấy, nhà khoa học người Scotland 41 tuổi Jamie Taggart cũng bỏ mạng, mất tích, đến hai năm sau (2015) mới tình cờ tìm thấy thi thể.

Gần nhất, tháng 6/2016, chàng cựu sinh viên Đại học Cambridge đến từ Norwich (nước Anh) tên là Aiden Webb, bỏ mạng ở một con suối ngay gần dưới đường đi của cáp treo, cũng phải gần một tuần sau, đội tìm kiếm mới tìm thấy xác của anh. Vang lên trong tai lời cảnh báo của chàng đại úy người Mông Sùng A Phử, một tay leo núi người địa phương, rất am hiểu và thông thuộc thung thổ, đội trưởng đội tìm kiếm vụ Aiden Webb mất tích: “Mỗi năm, thần núi phải bắt đi ít nhất một đến hai người đấy!”.

Đấy là chỉ nghĩ đến những vụ tai nạn gần gần thôi. Còn trước đó thì bao nhiêu cho kể. Những nạn nhân đều trẻ tuổi hơn mình nhiều, được rèn luyện nhiều hơn mình, kiến thức và kỹ năng vượt rừng lội suối leo núi chắc chắn cũng nhiều hơn mình…

Như vậy, nếu không có cáp treo, thì rõ ràng ước mơ lên nóc nhà đất nước đã bỏ xa tôi từ lâu rồi. Tôi nhớ nhà báo Phạm Huy Hoàn, hơn bảy mươi tuổi, cuộc đời cũng ngang dọc, rưng rưng nói: “Cảm ơn lắm những người làm cáp treo này. Nếu không, thì tôi đã vĩnh viễn hết cơ hội lên đây!”.

Kể mấy chi tiết trên để thấy việc làm cáp treo, mang lại rất nhiều cơ hội cho bao nhiêu con người được tiếp cận đỉnh cao, tiếp cận di sản, là tất nhiên rồi. Nếu cố mãi giữ cái ý kiến không làm, nhân danh bảo vệ, nhân danh yêu quý di sản, là dễ sa vào kiểu bảo vệ và yêu theo cách ích kỷ lắm.

Tôi có một bạn trẻ, là nghệ sỹ nhiếp ảnh, có kể cho tôi nghe, ra chiều tâm đắc lắm, câu chuyện anh phát hiện một góc máy chụp xuống một lũng núi sâu thăm thẳm tới tận dòng sông ngoằn ngoèo tít dưới xa, trong mây trắng, nắng vàng, vách núi dựng, có một cây rừng mảnh khảnh như đôi bàn tay đưa ra để với, để cố ôm lấy đất trời.

Chụp xong, xem lại trong máy, thấy tấm ảnh đầy thần thái, cậu ấy sung sướng bước đi. Rồi, gặp mấy người dân địa phương, cậu đưa mấy trăm bạc, nhờ họ leo núi, chặt cho mình cái cây kia. Chặt xong, cậu mới đi hẳn. Hóa ra, cậu chặt cái cây ấy để không còn có một ai có được góc nhìn này nữa, để tấm ảnh của cậu ấy là duy nhất. Nghe câu chuyện, có người thốt lên thán phục về sự khôn, có người lặng đi trong lòng vì nhận ra ích kỷ…

Tuy nhiên, không phải tất cả những ý kiến chưa đồng tình làm cáp treo vào di sản, là đều ích kỷ. Họ lên tiếng vì lo lắng những vẻ đẹp hàng triệu năm ấy, hóa ra mong manh, dễ vỡ vô cùng.

Tôi đọc trên FB cá nhân của tiến sĩ, nhà giáo, nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn thiên tùy bút thật hay về Sơn Đoòng. Nhà phê bình văn học viết như một nhà thơ với ngôn ngữ dào dạt, hứng khởi, da diết, tràn đầy liên tưởng về di sản đặc biệt này sau chuyến thám hiểm vô cùng gian nan. Hành trình khám phá càng khó nhọc bao nhiêu, thì cái đích khám phá càng lung linh, kỳ ảo bấy nhiêu. Và nỗi lo nó bị xâm phạm, bị mất đi, bị phàm tục hóa… là hết sức đáng trân trọng.

Hiện nay, Thủ tướng đã cho ý kiến về chủ trương làm cáp treo vào Phong Nha - Kẻ Bàng và nhấn mạnh: "Thủ tướng và các bộ ngành đồng ý về chủ trương nhưng yêu cầu làm đúng quy trình để không ảnh hưởng đến kỳ quan thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng".

Như vậy, vấn đề không phải ở chỗ bàn làm hay không, mà làm như thế nào để đạt được trọn vẹn cả mục tiêu khai thác, phát huy, bảo tồn và gìn giữ.

Hãy biết ơn những người ủng hộ và hết sức trân trọng những ý kiến phản biện trong quá trình nghiên cứu, lên phương án khả thi. Tốt hơn cả, phải coi đây là một công trình trọng điểm cấp quốc gia. Khi có các phương án, cần công khai hết mức có thể, thậm chí, trưng cầu ý kiến của nhân dân. Khi đã tạo được sự đồng thuận trong khởi công thì cần có phương án kỹ càng để giám sát và kiểm soát, đảm bảo các yêu cầu cốt tử trong giảm thiểu tác động tiêu cực tới di sản.

Song song với việc tạo ra thuận lợi trong khai thác, tiếp cận di sản, vẫn rất cần đảm bảo cho việc tiếp cận theo con đường thám hiểm, hạn chế đại chúng ùa vào di sản. Tiếp cận, phát huy, mang lại giá trị kinh tế, thương mại mà vẫn phải giữ được vẻ đẹp thần bí kỳ ảo của di sản thì mới gìn giữ được giá trị khai thác lâu dài, không phải tính bằng thập kỷ, thế kỷ, mà bằng thiên niên kỷ cho tới muôn đời con cháu mai sau.

Nguyễn Thành Phong

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/quy-hoach-kien-truc/co-yeu-theo-kieu-ich-ky.html