Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ từ chức: Không chỉ đơn giản là hành động cá nhân

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Michael Flynn từ chức đêm 13.2, sau cáo buộc bí mật liên lạc với Nga. Liệu đây có là cú sốc mạnh thứ hai chỉ trong vòng một tuần với Tổng thống Donald Trump sau bê bối về sắc lệnh hành pháp, và có thể khiến tiến trình cải thiện quan hệ với Nga bị chậm lại.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Michael Flynn từ chức đêm 13.2, sau cáo buộc bí mật liên lạc với Nga.

Từ nhiệm vì liên lạc với Nga

Ông Flynn ra đi sau các báo cáo của Bộ Tư pháp Mỹ cảnh báo chính quyền Tổng thống Trump tháng trước rằng, ông đã bí mật liên lạc với Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak về các lệnh trừng phạt nhằm vào Mátxcơva, trước cả khi ông Trump nhậm chức ngày 20.1. Ông Flynn đảm nhiệm chức vụ Cố vấn An ninh quốc gia của Nhà Trắng chưa đầy một tháng, và ông trở thành một trong những cố vấn an ninh của tổng thống phục vụ ngắn nhất trong lịch sử hiện đại Mỹ.

Ông Flynn, trung tướng đã nghỉ hưu, thoạt đầu phủ nhận chuyện đã thảo luận về lệnh trừng phạt với Đại sứ Nga, và Phó Tổng thống Mike Pence công khai phủ nhận những cáo buộc thay cho ông này. Tuy nhiên, ông Flynn sau đó nói với Nhà Trắng rằng có thể họ đã thảo luận. Việc liên lạc như vậy có thể vi phạm Đạo luật Logan của Mỹ cấm công dân tham gia vào chính sách đối ngoại và thương thuyết với các chính quyền nước ngoài nếu không được phép.

“Tôi đã vô tình báo cáo với Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence và một số người khác thông tin không đầy đủ về cuộc điện thoại của tôi với Đại sứ Nga. Tôi thành thật xin lỗi tổng thống và phó tổng thống, và họ đã chấp nhận lời xin lỗi của tôi” - Reuters dẫn lời ông Flynn viết trong thư từ chức.

Ngay sau khi ông Michael Flynn từ chức, một vị tướng quân đội về hưu “cộm cán” khác là ông Keith Kellogg đã lập tức được bổ nhiệm thay thế, trở thành quyền Cố vấn An ninh quốc gia, trong khi chờ Tổng thống Trump đưa ra quyết định cuối cùng. Một ứng viên hàng đầu khác được cân nhắc cho vị trí này là Robert Harward, cựu Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung ương Mỹ.

Thế khó với Tổng thống Trump

Sự ra đi của ông Flynn là cú giáng mạnh thứ hai đối với Tổng thống Donald Trump chỉ trong vòng một tuần, sau khi Tòa Phúc thẩm Liên bang khu vực 9 từ chối khôi phục lệnh cấm nhập cảnh nhắm vào hành khách đến từ 7 quốc gia với đa số dân là người Hồi giáo. Cũng không hoàn toàn ngạc nhiên khi ông Flynn là thành viên quan trọng đầu tiên của chính quyền mới từ nhiệm, vì ông luôn là một trong những nhân vật gây tranh cãi nhất trong số các phụ tá thân cận vòng trong của ông Trump. Là một cố vấn an ninh quốc gia, nhưng quan điểm của ông Flynn được xem là khác biệt xa với dòng chủ đạo, ông đã mang đến cả những thuyết âm mưu lẫn những tuyên bố chống Hồi giáo.

Sự ra đi đột ngột của ông Flynn một lần nữa cho thấy tình trạng bấp bênh ở cấp cao nhất trong chính quyền của Tổng thống Trump. Ông Flynn từ nhiệm để lại khoảng trống lớn ở Nhà Trắng, khi ông Trump mất đi một trong những cố vấn thân cận và phục vụ lâu nhất. Chính Flynn đã cố vấn cho ông Trump về chính sách đối ngoại và các vấn đề an ninh kể từ đầu cuộc đua tổng thống năm 2016.

Bên cạnh đó, việc ông Flynn từ chức không chỉ đơn giản là hành động cá nhân, mà còn là câu chuyện lớn hơn về nỗ lực cải thiện quan hệ với Nga của Tổng thống Trump. Sự ra đi này cũng có thể làm chậm lại nỗ lực đó. Nga đã trở thành một trong vài chủ đề gây rạn nứt nghiêm trọng giữa ông Trump và các nghị sĩ trung thành của Đảng Cộng hòa ở Đồi Capitol. Sự ưu ái của ông Trump với Nga là giống như cái gai trong mắt những nghị sĩ Cộng hòa như John McCain.

Phản ứng trước việc Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ từ chức, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hội đồng Liên bang (tức Thượng viện) Nga, ông Konstantin Kosachev, nói rằng ông Flynn khó có thể được xem là một chính trị gia thân Nga. “Tuy nhiên, so với nhiều quan chức cấp cao khác của Mỹ, ông ấy mở cửa để đối thoại, đã đến Nga và có liên hệ với Đại sứ Nga” - TASS dẫn lời ông Kosachev.

“Với các mối quan hệ song phương bế tắc hiện nay và việc thiếu hợp tác trên các vấn đề toàn cầu quan trọng, thì điều này chắc chắn tốt hơn là không có gì. Không chấp nhận một cố vấn an ninh quốc gia vì liên hệ với Đại sứ Nga - một thông lệ ngoại giao bình thường - không chỉ là hoang tưởng mà còn là điều gì đó tồi tệ hơn nhiều” - ông Kosachev nhấn mạnh, và kết luận rằng “hoặc là Tổng thống Trump chưa có sự độc lập mà ông ấy mong muốn, hoặc là ông ấy liên tục bị dồn vào góc tường (nhưng không thành công), hoặc là bệnh ghét Nga (Russiophobia) đã nhấn chìm chính quyền mới của Mỹ từ trên xuống dưới”.

Trong khi đó, việc ông Flynn đột ngột từ chức được xem là chiến thắng với truyền thông chính thống của Mỹ và Đảng Dân chủ, tờ Nước Nga Ngày nay (RT) dẫn nhận định của một cựu phân tích viên Lầu Năm góc Michael Maloof. “Đó là một diễn tiến đáng tiếc. Có lẽ ông ấy buộc phải từ chức hơn là để bị sa thải” - ông Maloof nói. Nhà phân tích này cho rằng, sự ra đi của ông Flynn sau khi ông bị cáo buộc bí mật liên lạc với Đại sứ Nga “là đỉnh cao của sự ồn ào mà truyền thông chính thống tạo ra, và nó khiến Nhà Trắng phân tâm trong việc hoàn thành công việc của mình”.

“Tôi nghĩ rằng đây là thắng lợi cho phương tiện truyền thông chính thống và cho Đảng Dân chủ. Họ không thích chính quyền này và họ sẽ làm mọi thứ có thể để làm giảm uy tín của chính quyền đó, và điều này chỉ là khởi đầu. Cả Đảng Dân chủ và các phương tiện truyền thông chính thống đều có chủ đề chống Nga, và đó là vấn đề. Và ông Trump về cơ bản nói rằng ông nghĩ ông có thể làm việc với ông Putin” - nhà phân tích Maloof nhận định”.

Vân Anh

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-gioi/co-van-an-ninh-quoc-gia-my-tu-chuc-khong-chi-don-gian-la-hanh-dong-ca-nhan-638721.bld