Cơ thủ Anh Chiến hạ gục bốn cựu vô địch thế giới trên đất Mỹ

Không phải cơ thủ billiards toàn thời gian, Anh Chiến vẫn oai hùng hạ gục bốn cựu vô địch thế giới trong vòng ít ngày.

Kỳ tích của Nguyễn Đức Anh Chiến tại Verhoeven Open 2017 - giải Carom 3 băng hấp dẫn bậc nhất hành tinh - gây ra nhiều bất ngờ. Bước vào giải với tư cách số 94 thế giới, cơ thủ gốc Quảng Trị vượt qua hàng loạt cao thủ để chiếm vị trí thứ năm, và được giới chuyên môn ví như “viên kim cương” mới của làng billiards châu Á.

Từ trái sang: Đình Nại, Quyết Chiến, Minh Cẩm và Anh Chiến đều trong Top 16 giải Carom 3 băng danh giá. Ảnh: Kozoom.

Sinh ra tại Quảng Trị nhưng Anh Chiến theo gia đình vào Đà Lạt sinh sống từ nhỏ. Billiards là niềm đam mê lớn nhất của anh, dù chỉ là thú vui giải trí. “Khi còn rất nhỏ, bác tôi mua một bàn billiards để kinh doanh. Tôi thường xin chơi mỗi khi bàn trống, dù phải bắc cả ghế lên mới với tới. Đó là những kỷ niệm khó quên và tôi coi đó như duyên số với billiards vậy”, Anh Chiến chia sẻ với VnExpress.

Thời gian rảnh, tay cơ sinh năm 1983 thường ghé CLB billiards gần nhà và giao lưu cùng các bạn trong xóm. “Ai thua phải trả tiền giờ hoặc khao nhau ăn uống. Đều chơi trên tinh thần vui là chính, nhưng tôi rất ít khi thua. Việc học trên trường vẫn được tôi đảm bảo, vì thế bố mẹ coi đó là thú vui của tôi, cũng như bóng đá hay chơi game vậy. Từ nhỏ tôi rất thích đánh những thế bi rời và đẹp, điều kiện cần để thi đấu tốt carom 3 băng sau này”, anh nói.

Thú vui billiards của Anh Chiến bị gián đoạn vào thời điểm anh xuống TP HCM để học đại học. Việc học tập căng thẳng cùng những công việc làm thêm chiếm trọn quỹ thời gian của anh. Cho đến khi ra trường năm 24 tuổi, Anh Chiến mới có dịp tiếp xúc trở lại những đường cơ. Anh cố tận dụng khoảng thời gian rảnh hiếm hoi để đánh giải trí với đồng nghiệp.

Anh Chiến đến với billiards như sự sắp đặt của duyên số. Ảnh: Kozoom.

Cơ duyên với billiards chuyên nghiệp bắt đầu bám lấy Anh Chiến năm 2009, khi công ty anh chuyển văn phòng đến gần CLB billiards chuyên nghiệp của cơ thủ Đặng Đình Tiến. Tại đó, carom 3 băng dần chiếm được trái tim của Anh Chiến. Năng khiếu dần được bộc lộ, anh có cơ hội thi đấu cùng những cơ thủ hàng đầu Việt Nam như Đặng Đình Tiến và Mã Minh Cẩm.

Mới tập carom 3 băng vài tháng, Anh Chiến được Minh Cẩm khuyên tham dự vòng một giải quốc gia 2009 tại Nha Trang. Sắp xếp công việc và chỉ coi như đi du lịch, Anh Chiến bất ngờ vào tứ kết và được chọn tham dự vòng hai, tổ chức tại TP HCM cùng năm đó. Anh tiếp tục lọt vào Top 8 cơ thủ xuất sắc toàn quốc, trong đó có thắng lợi trước Dương Anh Vũ - tay cơ nổi đình nổi đám và không có đối thủ thời điểm đó.

Với Anh Chiến, chăm lo cho vợ con mới là ưu tiên hàng đầu. Ảnh: NVCC.

Dù gặt hái thành công vang dội ngay ở giải đầu tiên, Anh Chiến không dành toàn thời gian cho billiards. “Hiện tại, gia đình và chuyện kinh doanh mới là mối quan tâm hàng đầu của tôi. Tôi chỉ tham dự các giải đấu nếu sắp xếp được các việc đó. Tôi cũng không đặt mục tiêu nào cụ thể. Có lẽ vì thế tôi có tâm lý thoải mái để thắng những cơ thủ hàng đầu thế giới”, anh nói về chiến tích hạ gục Torbjorn Blomdahl, Choi Sung Won, Semih Sayginer và Fredric Caudron - những cơ thủ có trong tay tổng cộng chín chức vô địch thế giới.

Chiến thắng đáng nhớ nhất của Anh Chiến đến ở vòng 1/8, khi anh loại Blomdahl - nhiều năm liền đứng trên đỉnh thế giới. Ngoài ra, anh cũng không thể quên trận tranh giải năm với Caudron - nhà vô địch một chặng World Cup, diễn ra tại TP HCM năm ngoái.

Thành công đến với Anh Chiến chủ yếu vì cách tập luyện khoa học. “Billiards là môn thể thao đòi hỏi phải có sức khỏe, tinh thần vững vàng và sự tập trung. Tôi rất thích cọ xát với những đối thủ mạnh hơn, để học hỏi và từ đó rút ra bài học cho riêng mình”, Anh Chiến nhìn nhận. “Riêng giải Verhoeven Open vừa qua, tôi chuẩn bị rất kỹ về tinh thần cũng như sức khỏe. Sang đến New York, sáng nào tôi cũng dậy sớm chạy bộ, tập thể dục, đi kèm chế độ ăn ngủ hợp lý. Tôi cùng với Quyết Chiến (đứng thứ 8 của giải) đều được ký hợp đồng và chơi dòng cơ Molinari by Predator với công ty của Hàn Quốc. Điều đó cũng giúp chúng tôi cải thiện nhiều thiếu sót trong thi đấu”.

Do không tham dự nhiều giải đấu, Anh Chiến không được nhiều người biết tới. Nhưng “viên ngọc thô” từ vùng đất Quảng Trị cằn cỗi nay đã thành “viên kim cương” sáng giá, làm rạng danh làng carom 3 băng Việt Nam cũng như châu lục trên đất Mỹ./.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/the-thao/201708/co-thu-anh-chien-ha-guc-bon-cuu-vo-dich-the-gioi-tren-dat-my-2835717/