Có thể tái cơ cấu nền kinh tế mà không cần tiền

Bài Nguồn lực nào cho tái cơ cấu nền kinh tế được hiểu như là sự giải thích cho bài Cần 480 tỉ đô la để tái cơ cấu kinh tế! Ở đâu ra vậy? cùng đăng trên TBKTSG Online, tuy nhiên sự giải thích này là khá mơ hồ.

Theo nghiên cứu của một nhóm nghiên cứu độc lập (chưa công bố) cho rằng hiện Việt Nam có một cơ cấu ngành lệch lạc và việc phân bổ nguồn lực cho các ngành không hiệu quả. Ảnh TL

Nhìn vào số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK) (http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=716), trong suốt giai đoạn từ 1995-2015, một phần lượng tiền xã hội bỏ ra nhằm mục đích đầu tư (thường được biết đến với tên gọi vốn đầu tư) không đến được với sản xuất (đầu tư/tích lũy - gross capital formation). Trong giai đoạn 2011-2015, vốn đầu tư trên GDP là 31,7% nhưng lượng tiền đi vào sản xuất thông qua chỉ tiêu tích lũy chỉ là 87%, tức là khoảng 13% vốn đầu tư không đi vào sản xuất.

Người ta có thể giải thích thế này thế nọ nhưng một điều rõ ràng là lượng tiền này không tham gia quá trình sản xuất để tạo ra tài sản (tài sản cố định và tài sản lưu động).

Một nghiên cứu từ bảng cân đối liên ngành của Việt Nam qua các thời kỳ cho thấy, trong giai đoạn 2011-2015, lượng tiền bỏ ra nhằm mục đích đầu tư đến được với sản xuất lan tỏa tới thu nhập cao hơn giai đoạn 2001-2006. Trong giai đoạn 2011-2015, một đồng đầu tư lan tỏa tới giá trị gia tăng 0,56 đồng trong khi giai đoạn 2006-2010, một đồng đầu tư chỉ lan tỏa tới giá trị gia tăng 0,47 đồng. Nhưng trong giai đoạn 2011-2015, lượng tiền bỏ ra đầu tư không tham gia vào sản xuất cao hơn giai đoạn 2006-2010 (13% so với 4%). Điều này cho thấy vấn đề cần giải quyết là làm sao lượng tiền xã hội bỏ ra để đầu tư đến được với sản xuất nhiều nhất có thể.

Loại cơ cấu kinh tế và cấu trúc kinh tế nào của ta cũng có vấn đề, không ít thì nhiều. Đề án của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) dường như tập trung vào cấu trúc về vốn.

Nhưng một nghiên cứu của một nhóm nghiên cứu độc lập (không lấy tiền của Nhà nước) chưa công bố cho rằng hiện Việt Nam có một cơ cấu ngành lệch lạc và việc phân bổ nguồn lực cho các ngành không hiệu quả.

Nghiên cứu này cho rằng nếu chuyển 10% xuất khẩu của nhóm ngành công nghiệp sang nhóm ngành dịch vụ và nông nghiệp sẽ khiến GDP tăng hơn 5%, nhu cầu về vốn lại giảm khoảng 2% và chất thải CO2 thải ra môi trường giảm gần 4%. Nếu cấu trúc ngành thay đổi và hiệu quả kinh tế thông qua tỷ lệ giá trị gia tăng trên giá trị sản xuất tăng lên sẽ khiến GDP tăng trên 7% và chất thải giảm 10%. Như vậy việc tái cơ cấu nền kinh tế đâu cần tiền?

Hơn nữa, số liệu của TCTK cũng cho thấy nguồn lực để đầu tư của nội bộ nền kinh tế thông qua chỉ tiêu tiết kiệm trong những năm gần đây tương đương lượng tích lũy hàng năm nhưng sao nguồn lực về vốn vẫn là vấn đề đối với nền kinh tế Việt Nam? Vấn đề ở đây là niềm tin để đầu tư. Chỉ cần tạo niềm tin. Không cần mất tiền để tạo lập niềm tin. Chỉ cần thực sự triệt phá tham nhũng vặt sẽ tạo được niềm tin.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/153079/co-the-tai-co-cau-nen-kinh-te-ma-khong-can-tien.html/