Có thể lùi thời gian thoái vốn tại Habeco, Sabeco

Theo các chuyên gia ngành bia rượu, việc niêm yết cả 2 cổ phiếu “hot” ngành bia rượu vào thời điểm hiện nay mang lại lợi nhuận rất lớn cho các nhà đầu tư. Tuy vậy, trước việc cổ phiếu Habeco hạ nhiệt, Sabeco bị mua vét, Bộ Công Thương có thể sẽ xin Chính phủ cho lùi thời hạn thực hiện thoái vốn khỏi Habeco và Sabeco.

Dây chuyền sản xuất bia Hà Nội. Ảnh: Như Ý.

“Sốt” cổ phiếu Sabeco

Thông tin Sabeco sẽ chính thức lên sàn vào ngày 6/12 đang tạo sự thu hút đặc biệt với các tổ chức và nhà đầu tư. Trên sàn OTC, giá cổ phiếu Sabeco đến chiều ngày 4/12 được chào mua ở mức 168.000 đồng/cổ phiếu, tăng tới gần 50% so với tháng 8/2016. Với mức giá tham chiếu 110.000 đồng/cổ phiếu cho ngày chào sàn, Sabeco sẽ chính thức trở thành công ty tỷ đô trên sàn với lượng vốn hóa lên tới hơn 70.000 tỷ đồng và là công ty lớn thứ 5 trên sàn HOSE, chỉ đứng sau Vinamilk, Vietcombank, PV Gas và Vingroup.

Việc các nhà đầu tư săn tìm cổ phiếu hot số 1 ngành bia rượu, nước giải khát Việt Nam cũng dễ hiểu khi báo cáo tài chính quý III vừa công bố, sau 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của Sabeco đạt 4.510 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của công ty đạt 3.658 tỷ đồng. Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu của công ty 9 tháng đạt 5.532 đồng. Cổ phiếu Sabeco trên thị trường chỉ có khoảng 6,53 triệu cổ phiếu lưu hành tự do được các nhà đầu nắm giữ. Trong đó, các nhà đầu tư tổ chức trong nước, không bao gồm cổ đông lớn Bộ Công Thương, nắm giữ 2,18 triệu cổ phiếu và 1.085 nhà đầu tư cá nhân trong nước nắm giữ 4,36 triệu cổ phiếu.

Nhiều nhà đầu tư tổ chức cũng đang nhắm tới việc thâu tóm cổ phiếu ngành bia rượu tại các doanh nghiệp đang sở hữu cổ phiếu tại các đơn vị của Sabeco; cụ thể, như săn mua cổ phần của Sabeco tại Công ty cổ phần Cơ khí và Xây lắp Công nghiệp (IMECO).

Trước việc này, Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu bộ phận quản lý phần vốn Nhà nước tại Sabeco có ý kiến với HĐQT tổng  công ty rà soát lại kế hoạch thoái vốn của Sabeco tại IMECO đã được Bộ Công Thương chấp thuận và đại hội cổ đông thông qua.

Cổ phiếu Habeco hạ nhiệt

Trái ngược với việc cổ phiếu Sabeco được nhà đầu tư ráo riết săn lùng, lên sàn UpCom từ ngày 28/10, cổ phiếu BHN của Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (mã chứng khoán BHN) đang có dấu hiệu dần hết sốt. Liên tục phi mã tăng trần liên tiếp 8 phiên, từ 39.000 đồng lên 144.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 8/11, cổ phiếu BHN quay đầu giảm liên tiếp. Chốt phiên ngày 2/12, BHN xuống còn 109.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu ngành bia rượu Hà Nội “hạ nhiệt”, theo giới thạo tin, cũng một phần do các thông tin xấu liên quan đến tình hình hoạt động không mấy khả quan của tổng công ty này. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2016 vừa được công bố, doanh thu thuần quý 3 của BHN tăng nhẹ nhưng lợi nhuận ròng lại giảm.

Ý kiến trái chiều về việc cổ phiếu BHN bị “làm giá” quá cao của ông Tayfun Uner, Tổng Giám đốc Carlsberg Việt Nam khi trao đổi với báo chí mới đây dường như đã đúng khi nhìn vào báo cáo tài chính của đơn vị này. Cụ thể, theo báo cáo, tính chung 9 tháng, doanh thu thuần của Habeco đạt 7.613 tỷ đồng, giảm 5% so với 9 tháng đầu năm 2015. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều tăng khá cao, lợi nhuận từ công ty liên kết cũng giảm khiến lợi nhuận sau thuế 9 tháng của Habeco giảm 25% còn 756 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ giảm 21% còn 731 tỷ đồng.

Cũng theo ông Tayfun Uner, giá cổ phiếu Habeco thực tế giao dịch cho thấy lượng cổ phiếu BHN được “sang tay” đều không vượt quá 100.000 cổ phiếu/phiên.

Sẽ lùi thời gian thoái vốn khỏi Sabeco, Habeco

Theo thông tin của PV Tiền Phong, trong tuần qua, Bộ Công Thương đã có cuộc họp xung quanh việc thoái vốn của Habeco và Sabeco. Theo đó, để bảo đảm việc thoái vốn đạt hiệu quả cao nhất, lãnh đạo bộ này đã yêu cầu các đơn vị nhiều khả năng Bộ Công Thương sẽ xin Chính phủ cho lùi thời hạn thực hiện thoái vốn sang trong quý 1/2017, thay vì thoái vốn toàn bộ khỏi Habeco và thoái 53% khỏi Sabeco theo kế hoạch trước đó là ngày 31/12/1016. Lý do được đưa ra là các thủ tục đấu thầu liên quan đến chọn tư vấn và thực hiện thoái vốn cần nhiều thời gian.

Ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) cho hay, Habeco hiện đã niêm yết trên UPCoM và đang tiến hành thủ tục xin niêm yết tại Sàn giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE). Giá giao dịch sẽ được sử dụng để dẫn chiếu cho hoạt động thoái vốn Nhà nước khỏi hai tổng công ty này.

Báo cáo mới đây của Sabeco cho thấy, tính đến ngày 6/10/2016, Sabeco có tổng cộng 1.227 cổ đông. Bộ Công Thương là cổ đông lớn nhất nắm giữ 574,5 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 89,5%. Ngoài các cổ đông trong nước, Sabeco còn có 114 cổ đông ngoại nắm giữ tổng cộng 60,2 triệu cổ phiếu.

Phạm Tuyên

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/kinh-te/co-the-lui-thoi-gian-thoai-von-tai-habeco-sabeco-1080458.tpo