'Có thể lắp ráp máy bay tư nhân ở Việt Nam'

Ngay cả khi được thông quan thì 4 chiếc máy bay tư nhân mới nhập của Công ty Hành tinh xanh cũng khó có thể khai thác ngay được.

(VTC News) - Theo ông Vũ Việt Đức, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan - Tổng cục Hải Quan, tính đến ngày hôm nay (2/11), 4 chiếc mát bay cá nhân hạng nhỏ vừa được nhập về Việt Nam vẫn đang nằm chờ tại cảng Hải Phòng chờ hoàn tất các thủ tục để thông quan và nếu có được thông quan thì DN này cũng khó đưa vào khai thác ngay do vướng luật.

Tin liên quan

» 4 máy bay tư nhân phải 'đắp chiếu' ở cảng
» Ngắm máy bay, dinh thự tráng lệ của Gaddafi

Doanh nghiệp nên tìm hiểu trước khi nhập

Theo ông Đức, hiện Tổng cục Hải quan đã nhận được văn bản từ Cục Hải quan Hải Phòng về việc xin hướng dẫn làm các thủ tục thông quan cho 4 chiếc máy bay cá nhân của Công ty Hành Tinh Xanh (viết tắt là Green Planet, trụ sở tại Hà Nội).

"Văn bản này cũng đã được trình lên lãnh đạo Tổng Cục Hải quan. Tuy nhiên, về nguyên tắc, trong những trường hợp như thế này, chúng tôi sẽ phải trình lên các Bộ có liên quan là Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Quốc phòng, thời gian như thế nào sẽ phải phụ thuộc vào hai Bộ này", ông Đức cho hay.

Chiếc máy bay cánh quạt A600 Talon của hãng RotorWay (Ảnh: RotorWay)

Theo quy định của nhà nước về Quản lý hàng không dân dụng có quy định hết sức cụ thể đối với hai Bộ là Bộ GTVT và Bộ Quốc Phòng có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với việc nhập khẩu tàu bay. Còn các văn bản quy phạm pháp luật thì cao nhất là luật hàng không Việt Nam.

Đây là lô hàng máy bay được nhập đầu tiên về Việt Nam, vì vậy về mặt thủ tục có những vướng mắc nhất định. Vấn đề này vượt thẩm quyền của Cục Hải quan Hải Phòng nên Hải quan Hải Phòng phải báo cáo để xin ý kiến chỉ đạo của Tổng cục. Tổng cục Hải quan đang hoàn tất văn bản để xin ý kiến trao đổi với Bộ GTVT và Bộ Quốc Phòng.

"Để các thủ tục diễn ra nhanh chóng, trong thời gian sớm nhất, Tổng cục Hải quan sẽ gửi các văn bản này tới hai Bộ Quốc phòng và GTVT", ông Đức khẳng định.

Đồng thời, vị phó cục trưởng cũng nhấn mạnh, sau khi có ý kiến của các cơ quan liên quan, Tổng cục Hải quan sẽ ngay lập tức chỉ đạo cho Cục Hải quan Hải Phòng làm các thủ tục cần thiết cho việc thông quan 4 chiếc may bay này theo đúng quy định pháp luật, để giúp doanh nghiệp giảm những chi phí phát sinh vì việc nằm chờ tại cảng.

"Còn doanh nghiệp có nêu các chi phí phải chi trả do việc phải nằm chờ các thủ tục thông quan, thì theo tôi các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa lần đầu, nhất là đối với loại hóa không thông dụng như máy bay thì phải tìm hiểu trước các thủ tục cần thiết", ông Đức nhấn mạnh.

Sử dụng nhiều mục đích

Cũng theo Tổng cục Hải quan, lô hàng 4 chiếc máy bay gồm 2 chiếc trực thăng ký hiệu A600 Talon của Rotorway, Mỹ và 2 chiếc máy bay cánh bằng, ký hiệu ATEC 321 Faeta của CH Czech.

Trao đổi với phóng viên, ông Cao Văn Sơn - Chủ tịch HĐQT công ty Hành tinh xanh cho biết, cả 4 chiếc máy bay này đều là máy bay mới và nhập về cho công ty, chứ không phải nhập cho khách hàng khác.

Về mục đích sử dụng, ông Sơn cho biết: "Công ty sẽ sử dụng vào nhiều mục đích như cho thuê với những đối tượng đã được cấp chứng chỉ bay, hay phối hợp với trường Sĩ quan không quan để mở lớp đào tạo, xin cấp bằng lái cho học viên. Hoặc công ty cũng có thể sẽ bán lại nếu khách hàng có nhu cầu và đủ điều kiện mua".

Ngoài ra, ông Sơn cũng cho biết, ngoài 4 chiếc máy bay cá nhân này, công ty Hành tinh xanh còn đặt mua 6 chiếc máy bay khác. Hiện số máy bay này đã xuống tàu thực hiện hành trình về Việt Nam.

"Trong tương lai gần, nếu thị trường có phản ứng tốt, có thể chúng tôi sẽ lắp ráp loại máy bay này ở Việt Nam", ông Sơn cho biết.

Theo thông tin từ công ty hành tinh xanh, 4 chiếc máy bay đang nằm chờ ở cảng Hải Phòng có tốc độ 300 km/giờ, thời gian bay liên tục là 6 tiếng, trọng lượng không tải 600 - 800 kg. Máy bay sử dụng nhiên liệu xăng A95 như ô tô, phụ tùng thay thế rất rẻ, chi phí vận hành thấp.

Hai trong số bốn chiếc này là dòng ALTEC 321 Faeta của hãng ATEC, Cộng hòa Czech. Đây là một công ty khá non trẻ, ra đời năm 1992. Hai chiếc còn lại là dòng A600 Talon, sản phẩm đầu tiên trong thế hệ máy bay mới nhất của RotorWay, Mỹ - một hãng sản xuất có tuổi đời hơn 4 thập kỷ.

Cả hai dòng máy bay trên đều là loại 2 chỗ ngồi và thuộc loại máy bay hạng nhẹ, trong đó riêng chiếc ATEC 321 còn đủ tiêu chuẩn để được xếp vào nhóm máy bay thể thao hạng nhẹ S-LSA.

Châu Anh

Nguồn VTC: http://vtc.vn/1-307735/kinh-te/co-the-lap-rap-may-bay-tu-nhan-o-viet-nam.htm