Có sự phân hóa lớn trong chất lượng tài sản của các ngân hàng

Ban Kinh tế Trung ương cho rằng “tài sản Có khác” chiếm tỷ trọng lớn trong bảng cân đối của một số ngân hàng trong bối cảnh mặt bằng lãi suất giảm cho thấy chất lượng tài sản thiếu minh bạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam tháng 2/2017 với chủ đề “2017 – Vượt khó khăn, tiếp tục phát triển” của Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, chất lượng tài sản giữa các ngân hàng trong hệ thống có sự phân hóa lớn và tính minh bạch còn hạn chế.

Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra nhận định này qua đánh giá 2 chỉ tiêu là Phải thu lãi và phí; và các khoản phải thu khác, trong đó có cả nợ gốc phải thu được chuyển sang nên thứ ba khác. Đây là 2 hạng mục nằm trong khoản mục “tài sản Có khác”, chiếm tỷ trọng lớn trong bảng cân đối của một số ngân hàng.

Dựa trên 2 tiêu chí này cho thấy sự phân hóa về chất lượng tài sản ngay trong nhóm các ngân hàng nhỏ cũng đã rất lớn. Với chỉ tiêu “lãi, khoản phải thu/tổng tài sản” một số ngân hàng có tỷ lệ cao như Sacombank gần 9%, VietA Bank là 7% thì có những ngân hàng tỷ lệ này rất thấp, như OCB và ABbank chỉ quanh mức 1,4% (năm 2015).

Tương tự với chỉ tiêu “phải thu khác/Tổng tài sản” cũng có sự khác biệt lớn giữa các ngân hàng. Các ngân hàng như Sacombank, HDBank, Lienviet Post Bank ở mức cao 6% -7%; các ngân hàng khác như Bắc Á chỉ khoảng 0,6%.

Báo cáo cho rằng, khoản “phải thu lãi và phí” lớn trong bối cảnh mặt bằng lãi suất giảm cho thấy chất lượng tài sản ngân hàng thiếu minh bạch và tiềm ẩn nhiều rủi ro và không loại trừ ngân hàng có thể sử dụng các biện pháp kỹ thuật để chưa hạch toán vào nợ xấu và tài sản xấu.

Ngoài ra, theo ban Kinh tế Trung ương khoản mục đầu tư chiếm tỷ trọng lớn trên 20% trong bảng cân đối cho thấy các ngân hàng đang nắm giữ rủi ro cao. Bởi mức trung bình của hệ thống ngân hàng Thái Lan cho chỉ tiêu này là 14%.

Các ngân hàng này khó vay được vốn từ các ngân hàng khác nếu không có tài sản thế chấp có tính thanh khoản cao (trái phiếu chính phủ), nên phải đẩy mạnh huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế, do đó đã đẩy mặt bằng lãi suất huy động của hệ thống lên cao hơn.

Với diễn biến và phân tích nêu trên, mặt bằng lãi suất huy động khó có thể hạ xuống ngay cả khi thị trường liên ngân hàng dồi dào thanh khoản, nhưng khả năng dễ tăng lên khi thị trường thiếu hụt. Đây cũng là những gì thị trường đã trải qua trong năm 2016. Bởi vậy, khi tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng vẫn đang diễn ra và còn mất nhiều thời gian thực hiện, lãi suất tiền gửi thị trường 1 sẽ rất khó hạ và tác động từ thị trường liên ngân hàng đến lãi suất thị trường 1 là rất hạn chế.

Hồng Quân

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/co-su-phan-hoa-lon-trong-chat-luong-tai-san-cua-cac-ngan-hang-2472088.html