Có sự chuyển dịch ra khu vực ngoài Nhà nước để tham nhũng

Điều tra của VCCI cho thấy, vẫn còn một số xu hướng đáng lo ngại như DN phản ánh các khoản chi trả chi phí không chính thức tăng từ 50% năm 2013 đến 66% năm 2015. 65% DN được điều tra cho biết bị nhũng nhiễu khi thực hiện TTHC.

Với bộ công cụ phòng ngừa tham nhũng trong DN, mỗi DN sẽ là một “công dân” chống tham nhũng để cùng nỗ lực tập thể “cắt đứt chuỗi tham nhũng”.

Hôm nay (21/10), Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Đại sứ quán Anh tại Hà Nội đã tổ chức hội thảo công bố “Bộ công cụ hướng dẫn các bước đi thực tế phòng ngừa tham những trong doanh nghiệp”.

Đây là một hoạt động nằm trong khuôn khổ sự án Xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phòng ngừa tham nhũng tại Việt Nam.

DN phải cùng “cắt đứt chuỗi tham nhũng”

Ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Tổng Thư ký VCCI cho biết, thời gian qua, các TTHC đã được đơn giản hóa và cắt giảm thời gian thực hiện đáng kể, ghi nhận những cải thiện dịch vụ hỗ trợ DN, gia nhập thị trường, đặc biệt là sự minh bạch.

Tuy nhiên, điều tra của VCCI cho thấy, vẫn còn một số xu hướng đáng lo ngại như DN phản ánh các khoản chi trả chi phí không chính thức tăng từ 50% năm 2013 đến 66% năm 2015, 65% DN được điều tra cho biết bị nhũng nhiễu khi thực hiện TTHC.

Ông Brook Horowwitz – Giám đốc điều hành tổ chức IBLF Global, tác giả bộ công cụ: "DN nhỏ dễ gặp phải và dễ bị tác động bởi tham nhũng"

Từ nhận định, khung pháp lý không đủ để phòng chống tham nhũng mà cần xóa hết “đất” cho tham nhũng phát triển, ông Giles Lever – Đại sứ Anh tại Việt Nam, phòng ngừa tham nhũng không có nghĩa là làm tăng thêm các thủ tục hành chính (TTHC), quy định hay ràng buộc về pháp lý mà là sự cam kết, vấn đề đạo đức doanh nghiệp (DN), chiến lược kinh doanh của DN: minh bạch, trung thực và hiệu quả.

Ông Brook Horowwitz – Giám đốc điều hành tổ chức IBLF Global, tác giả bộ công cụ cho biết, DN nhỏ dễ gặp phải và dễ bị tác động bởi tham nhũng vì không có cán bộ tuân thủ giám sát nhân viên hay cán bộ kiểm toán nội bộ kiểm tra từng giao dịch.

Do đó, với bộ công cụ phòng ngừa tham nhũng trong DN, mỗi DN sẽ là một “công dân” chống tham nhũng để cùng nỗ lực tập thể “cắt đứt chuỗi tham nhũng”. Bộ công cụ sẽ là cẩm nang hướng dẫn các DNNVV tự phòng ngừa tham nhũng nội bộ và bên ngoài DN.

“Quên” DN sẽ khó phòng chống tham nhũng triệt để

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: “Tham nhũng được phòng ngừa hiệu quả nhất chỉ khi các DN cùng hợp tác hành động, chia sẻ kinh nghiệm và các thông lệ tốt”.

Cũng khẳng định, DN là một bộ phận không thể tách rời trong PCTN, ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ thừa nhận, 20 năm qua mới tập trung chống tham nhũng trong khu vực công đối với người có chức vụ, quyền hạn nên chưa đạt mục tiêu PCTN.

Một trong những nguyên nhân được xác định là do chưa quy định toàn diện về PCTN, chưa xác định vấn đề tham gia của DN và khu vực ngoài Nhà nước vào PCTN là một yêu cầu tất yếu.

Thực tế có mỗi liên kết giữa hai khu vực để tham nhũng, có sự chuyển dịch ra khu vực ngoài Nhà nước để tham nhũng.

Ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ: "Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong DN đang được nghiên cứu để hoàn thiện Luật PCTN"

Hơn nữa, tham nhũng vẫn đang là 1 trong 6 yếu tố tác động đến môi trường kinh doanh. Mỗi năm, ước tính, các DN toàn cầu dành khoản tiền để hối lộ chiếm 2% GDP toàn cầu. Như vậy, tham nhũng đang làm cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, “DN đang thiếu tự tin về vai trò tham gia vào cuộc chiến PCTN vì DN vốn là đối tượng dễ bị tổn thương trước những vòi vĩnh, nhũng nhiễu” – TS.Vũ Công Giao cho biết.

Qua tập huấn về bộ công cụ cho thấy, DN quan tâm nhất là khả năng phát hiện để phòng ngừa tham nhũng trong nội bộ. DN cũng muốn thay đổi cách thức hoạt động kinh doanh để hướng đến không có tham nhũng trong nội bộ và giảm thiểu tham nhũng với đối tác.

Hiện Chính phủ đang nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) với các quy định khuyến khích DN phòng ngừa tham nhũng thông qua công khai, minh bạch, trách nhiệm của người đứng đầu trong sản xuất, kinh doanh, kê khai tài sản.

Đồng thời khuyến khích DN tự mình tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, nhưng có bắt buộc một số Quỹ, ngân hàng thương mại áp dụng một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng vì có ảnh hưởng đến nhà đầu tư.

Bộ công cụ phòng ngừa tham nhũng trong DN được biên soạn dựa trên kinh nghiệm quốc tế của nhóm các nước phát triển G20 nhằm phù hợp với bối cảnh môi trường kinh doanh và hệ thống pháp luật của Việt Nam. Với nội dung ngắn ngọn, dễ hiểu, bộ công cụ đã đưa ra các hướng dẫn cụ thể để DN có thể áp dụng, thực hành để phòng ngừa tham nhũng dưới mọi hình thức, giúp quản trị rủi ro tốt hơn và đặc biệt có mong muốn chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh, cắt giảm tối đa chi phí và tăng khả năng cạnh tranh hướng tới phát triển bền vững.

Huy Anh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/co-su-chuyen-dich-ra-khu-vuc-ngoai-nha-nuoc-de-tham-nhung-300961.html