Cơ sở nào định giá hãng phim?

Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam mời đại diện Hãng phim truyện lên làm việc sáng 18/9, trước khi có văn bản chính thức gửi cơ quan có thẩm quyền về đơn kêu cứu của tập thể nghệ sỹ Hãng phim truyện Việt Nam. Chủ tịch Hội Đặng Xuân Hải trao đổi thêm xung quanh lùm xùm cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam.

Nhiều nghệ sỹ bức xúc vì kho đạo cụ của Hãng phim bị dọn dẹp và chuyển đi xa. Ảnh: Vũ Huy.

Hội mời đại diện Hãng phim truyện Việt Nam lên làm việc về đơn kêu cứu của tập thể nghệ sỹ, có thông tin đó không, thưa ông?

Đơn của Chi hội điện ảnh Hãng phim truyện trình bày để Hội Điện ảnh can thiệp, bảo vệ quyền lợi người lao động là đúng. Ngày 12/9 chúng tôi nhận đơn, 13/9 lấy ý kiến thành viên ban chấp hành phía Nam và sáng 18/9 mời đại diện Hãng lên thảo luận. Trong quá trình cổ phần hoá, Hội Điện ảnh không được tham dự bất cứ cuộc họp nào. Hội muốn làm rõ một số nội dung và kiến nghị xung quanh việc ban lãnh đạo mới không đảm bảo quyền lợi, không tôn trọng hội viên cả về tinh thần lẫn vật chất. Ngày 19/9, Hội thảo văn bản gửi tới một số cơ quan, ban ngành có thẩm quyền như Ban Bí thư, Thanh tra Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTT&DL, kiến nghị làm rõ quá trình cổ phần hoá hợp lệ, đảm bảo công bằng nghiêm túc chưa cũng như bảo vệ quyền lợi hội viên, thương hiệu cơ sở điện ảnh có thương hiệu hơn 60 năm qua.

Một trong những nội dung nghệ sỹ bức xúc và chưa được giải quyết là giá trị thương hiệu Hãng phim hơn 60 năm được coi bằng không. Ông nghĩ thế nào về điều này?

Quá trình định giá cổ phẩn hóa có hai yếu tố chưa phù hợp. Thương hiệu của Hãng phim hơn 60 năm hoạt động với bề dày về điện ảnh, được chứng minh bằng nhiều tác phẩm điện ảnh kinh điển. Về việc xác định thương hiệu, Hãng có những tác phẩm tham gia liên hoan phim quốc tế lớn như Nga, Đức, Ấn Độ, Tiệp Khắc, Pháp và có nhiều giải thưởng quốc tế. Nếu chỉ xét trong 5 năm gần đây là không đúng, chưa phù hợp với truyền thống của đơn vị-hãng tiêu biểu của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Trong cuộc họp, Ban chấp hành Hội cũng nhất trí việc đưa giá trị thương hiệu bằng không là không phù hợp.

Về lợi thế đất đai rõ ràng hãng phim được nhà nước giao đất, có đóng thuế sử dụng nhiều năm nay-một số năm gần đây do khó khăn nên còn nợ- nên coi như đất đai là do hãng quản lý. Thế mà lại tính Hãng không có ưu thế về mặt đất đai, mặt bằng, địa điểm là sai-điều này được quy định trong Nghị định 59. Ngoài ra Hãng còn sở hữu tài sản một số ngành khác không thể hiểu được: Kho đạo cụ có giá trị bởi trong quá trình làm phim họ phục chế, mua sắm đồ từ thời phong kiến, chống Pháp-Mỹ. Chẳng hạn bi đông, thắt lưng của lính Mỹ đều có thể quy thành tiền.

Đấu thầu thiếu minh bạch

Một số nghệ sỹ cho rằng Tổng Cty Vận tải thủy trở thành cổ đông chiến lược của Hãng phim chỉ nhằm vào đất vàng của hãng. Ông nghĩ sao về điều này?

Tôi thấy lăn tăn tại sao ta không tìm đơn vị nào tham gia cổ phần hoá hiểu và gần với khối văn hoá nghệ thuật, để họ tôn trọng cơ sở văn hoá nghệ thuật mà lại chọn đơn vị ít hiểu về hoạt động này, dù thư ngỏ rất tâm huyết. Tôi chưa thể khẳng định mục đích của công ty này, chưa biết họ có thực hiện đúng cam kết hay không nhưng tôi thấy lăn tăn.

Đúng là nếu tìm được nhà đầu tư gần với hoạt động sản xuất phim sẽ hợp lý hơn, nhưng được biết chỉ có Tổng Cty Vận tải thủy quan tâm tới hãng, chứng tỏ không có nhà đầu tư nào mặn mà?

Trong đơn kêu cứu các nghệ sỹ nói rằng họ mới đăng báo công khai được 10 ngày đã hết hạn là quá ngắn: Ngày 18/1 đăng thông tin đại chúng, ngày 26/1 Ban cổ phần hóa tuyên bố hết thời hạn. Thời gian ngắn như thế làm sao đủ thời gian đến lấy hồ sơ, lập hồ sơ tham gia đấu thầu. Tôi đang nghiên cứu Thông tư 196, trong đó có nêu cuộc đấu thầu cổ phần hóa chỉ có một nhà đầu tư thì cuộc đấu thầu đó không thành công.

Đại diện Cty Vận tải thủy nói họ đang trong quá trình bàn giao, mới hai tháng sau cổ phần nên chưa thể làm được gì nhiều?

Đúng là hai tháng chưa đủ, thậm chí cần tới hàng năm trời để xem xét, nhưng ít ra họ phải có giải pháp tình thế để anh em có việc làm, phục vụ xã hội và gây dựng lại thương hiệu. Bên cạnh đó cần bàn đến chiến lược lâu dài từ nhà xưởng, trang thiết bị đến tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ. Họ chưa đưa ra phương hướng gì cả, lại dẹp phòng làm việc một số bộ phận để cho thuê mở hàng quán như thế là đi chệch hướng rồi.

Ông thấy thế nào về kế hoạch mỗi năm sản xuất một phim điện ảnh, một phim truyền hình?

Sản lượng quá thấp. Một công ty mạnh nhưng lập kế hoạch cho ba năm liên tiếp chưa phát huy tiềm lực. Những năm gần đây nhu cầu phim ảnh của công chúng rất cao, trước ta sản xuất mỗi năm 20 phim nay 50 phim vẫn chưa đủ. Rõ ràng đây là đơn vị có lợi thế góp phần đưa sản lượng phim lên, nhưng kế hoạch đặt ra quá thường và hơi buồn cười. Nếu họ muốn ghé vai đẩy hoạt động điện ảnh lên, phải tăng cường đầu tư kinh phí và chất xám. Với mức thấp thế này không cần nhà đầu tư chiến lược cũng làm được.

Gần đây hãng hoạt động cầm chừng, nghệ sỹ không sống được bằng nghề. Vậy kỳ vọng vực lại hãng phim như thế có phải ảo tưởng không?

Tôi nghĩ do tổ chức cả thôi, muốn guồng máy hoạt động cần khâu tổ chức giỏi. Đúng là Hãng phim truyện Việt Nam mấy năm cầm chừng, nhưng ngoài sản xuất phim đặt hàng, họ cũng liên kết với đài truyền hình để sản xuất chương trình trong phạm vi nhất định. Hạn chế của Hãng là không có vốn, nên mới cần nhà đầu tư góp sức.

Cảm ơn ông!

Toan Toan

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/van-nghe/co-so-nao-dinh-gia-hang-phim-1188157.tpo