Cơ sở Bảo trợ Xã hội Trọng Đức nuôi nhốt bệnh nhân tâm thần phản khoa học

TP - Theo Bệnh viện Tâm thần Trung ương II, nhốt bệnh nhân vào phòng cách ly và không sử dụng thuốc khi họ lên cơn kích động như ở Cơ sở Bảo trợ Xã hội (BTXH) Trọng Đức là phương pháp điều trị lạc hậu, đã được xóa bỏ tại Việt Nam từ nửa cuối thế kỷ XX.

“Cơ sở BTXH Trọng Đức chăm sóc bệnh nhân tâm thần không khoa học. Những người phục vụ bệnh nhân không có kiến thức về y học, càng không có kiến thức về tâm thần học. Điều này chứa đựng rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn” - Tiến sỹ Nguyễn Văn Thọ - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương II, nhận định. Cơ sở BTXH Trọng Đức (xã Bình Thạnh, Đức Trọng) được thành lập năm 2006 với chức năng tiếp nhận người già neo đơn, trẻ em mồ côi, người tàn tật không nơi nương tựa. Thế nhưng trong thực tế hầu hết số người được đưa vào cơ sở này đều bị bệnh tâm thần. Đoàn cán bộ liên ngành của tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành kiểm tra phát hiện tại cơ sở Trọng Đức có 265 bệnh nhân tâm thần đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước. 149 bệnh nhân nam sống trong khu trại chật hẹp, ngột ngạt. Trại gồm chín phòng ngủ với tổng diện tích 216 m² (mỗi người chỉ có 1,4 m² trong khi định mức qui định là 6m²); phòng ở và cách ly đều không có giường nằm và các đồ dùng cần thiết phục vụ sinh hoạt hàng ngày; khu vệ sinh bốc mùi hôi thối khó chịu. Diện tích phòng ngủ ở khu trại nữ chỉ có 0,8 m² cho một bệnh nhân; sàn nhà phòng cách ly ẩm ướt, đọng nước; mùi xú uế từ nhà vệ sinh bốc lên nồng nặc. Bệnh nhân thường bị nhốt sau hàng rào sắt, có người bị xích chân bên cạnh nhà vệ sinh. Cơ sở Trọng Đức còn đề ra những qui định lạ lùng, vô trách nhiệm và thiếu tính nhân văn như yêu cầu thân nhân bệnh nhân ký cam kết: “Xin cam kết đón bệnh nhân về khi bệnh đã ổn định theo thông báo của cơ sở BTXH. Nếu cơ sở báo ba lần mà gia đình không tới đón, có thể cho bệnh nhân ra khỏi cơ sở tự do. Khi đó nếu có rủi ro với bệnh nhân thì gia đình không khiếu kiện” và “Nếu không may bệnh nhân có chết tại cơ sở, gia đình không khiếu nại, tố cáo”. Những nguy cơ mà các nhà chuyên môn cảnh báo nhiều nhất đối với cơ sở này là bệnh tâm thần sẽ nặng thêm do điều trị sai lệch và có thể bị lây một số bệnh khác; bệnh nhân tâm thần phân liệt có thể tự sát và ngộ sát lẫn nhau khi lên cơn kích động; có khả năng dẫn đến những bất ổn về an ninh, trật tự ở địa phương...

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/tianyon/index.aspx?articleid=169840&channelid=2