Cớ sao nói không nên lời?!

Trong năm năm gần đây y sĩ đoàn ở châu Âu đã liên tục cảnh báo về bệnh tình càng lúc càng là lý do khiến nhiều người nghỉ việc, khiến bảo hiểm y tế méo mặt vì hết… tiền!

Đó là tình trạng đang nói năng lưu loát bỗng chợt một ngày tóc chưa trắng như vôi nhưng âm thanh bỗng khàn khàn như radio trật đài, thậm chí mất tiếng như điện thoại hết pin, dù trước đó không hề có dấu hiệu báo động.

Cũng theo các nhà nghiên cứu ở vùng đất nằm giữa châu Âu, tình trạng này thường được ghi nhận vào những ngày thay đổi thời tiết bất thường. Nạn nhân trước đó thường đổ mồ hôi, sổ mũi hay húng hắng chút đỉnh nhưng không đến độ nghiêm trọng. Nhưng rồi họ bất ngờ thốt không nên tiếng thậm chí trong nhiều ngày, nếu không được điều trị sớm và hiệu quả.

Chuyện không hề là chuyện xứ người

Khỏi bói cũng ra ma, quét sơ nhà cũng ra rác. Nguyên nhân đúng là do một loại siêu vi khoái tấn công vào thanh quản khiến gia chủ muốn bật loa mà chẳng ra tiếng. Nhưng đó chỉ là điều kiện ắt có nhưng chưa đủ, vì không hẳn ai lỡ gặp siêu vi đều khan tiếng. Đòn bẩy khiến dây thanh âm mất tiếng vì phù nề là do thay đổi nhiệt độ quá gắt, như thường gặp ở người làm việc nhiều giờ trong phòng có gắn máy lạnh và ra vào nhiều lần. Nhiệt độ bên ngoài cao càng mau há miệng cứ như mắc quai. Nếu môi trường bên ngoài lại thêm ô nhiễm thì việc mở miệng chỉ nghe khào khào giọng vịt đực là chuyện thường tình. Do đó, đừng quá vui khi tìm được việc làm trong văn phòng cực lạnh.

Người làm việc nhiều giờ trong phòng có gắn máy lạnh và ra vào nhiều lần thường dễ bị tắt tiếng.

Phòng cháy hơn chữa cháy

Để phòng tránh cảnh bất đắc dĩ phải “thay lời muốn nói” bằng thái độ “im lặng là vàng” nên lưu ý một số biện pháp bảo vệ thanh quản như sau:

Tránh gió lùa qua cửa sổ, cửa xe.

Đừng hạ quá thấp nhiệt độ trong phòng làm việc.

Không nên uống nước quá lạnh hay quá nóng, nhất là đừng uống quá nhanh vì khác biệt nhiệt độ trong lúc nước trôi qua thực quản thậm chí còn tai hại hơn trúng mưa. Nếu bỏ được thói quen uống nước đá càng tốt, nhất là trong những ngày nắng gắt.

Nên nằm nghỉ bệnh 2-3 ngày mỗi khi cảm cúm nếu trước đó đã có lần tắt tiếng.

Tránh bước ngay vào phòng máy lạnh khi quần áo, nhất là đôi vớ, đang ướt đẫm mồ hôi hay nước mưa vì đường TP đổi mốt thành dòng sông ly biệt.

Đừng phơi đầu trần quá lâu dưới ánh nắng mặt trời gay gắt. Ngược lại, đừng đưa đầu chịu trận ngay luồng gió của máy lạnh.

Với người có thanh quản quá nhạy cảm, thầy thuốc Đông y khuyên nên dùng lòng bàn tay chà mặt trước cổ tay và khuỷu tay nhiều lần trong ngày để mượn tác dụng kháng viêm của số huyệt đạo khu trú ở hai nơi này làm phương tiện phòng ngừa khan tiếng.

Giết gà cần chi dao mổ trâu

Trong trường hợp tay đã nhúng chàm khiến tiếng bỗng thành âm trầm nên bình tĩnh tuân thủ các lời dặn dưới đây:

Thanh quản một khi đã lãnh đòn phải cần thời gian để hồi phục. Biết là không dễ sống với chiến thuật “ngậm miệng ăn tiền”, nhất là khi “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng” nhưng nên cố gắng giới hạn việc đối đáp càng nhiều càng tốt.

Súc miệng nhiều lần, thậm chí mỗi giờ, với nước trà pha đậm có chút muối ăn. Nếu được nước ấm có pha khoảng năm giọt sáp ong và dầu tràm thì thanh quản càng sớm trở lại với tiếng nói thân thương thường ngày.

Pha hai muỗng cà phê mật ong trong 1/4 lít sữa tươi hâm nóng rồi uống từng ngụm thật chậm, nhiều lần trong ngày để gia tốc kiếp cầm ca của dây thanh âm.

Ngậm viên kẹo có dầu khuynh diệp sau mỗi bữa ăn để vừa sát trùng vùng hầu họng, vừa tránh xung huyết trong cổ họng.

Nếu nhiều đàm khiến vừa khan tiếng vừa tằng hắng, ngâm ít lát củ hành trong nước ấm vài giờ. Sau đó súc miệng với nước củ hành.

Nếu bị lở bên trong miệng, trộn hai quả trứng gà trong 1/4 lít nước khoáng để súc miệng hay thoa trên vết loét. Lỡ uống cũng không sao.

Xịt nước muối vào cổ họng và mũi mỗi giờ nếu phải tiếp tục làm việc trong phòng máy lạnh.

Ngưng hút thuốc, kể cả hít khói thuốc của người khác trong thời gian tắt tiếng vì thuốc lá là yếu tố phá hủy tác dụng của tất cả biện pháp nêu trên.

Chuyện đời xưa nay vẫn thế. Chuyện nào cũng có nguyên nhân. Cần gì lên chùa mới biết nhân quả!

Nguồn PLO: http://plo.vn/suc-khoe/bac-si-noi/co-sao-noi-khong-nen-loi-655998.html