Cơ quan tố tụng đang 'treo án' vụ chìm tàu Cần Giờ

Từ đầu năm 2015, Báo Lao Động đã khởi đăng loạt bài điều tra “Dấu hiệu oan sai trong việc khởi tố giám đốc Cty Việt - Séc sau vụ chìm tàu biển Cần Giờ”, đến nay vụ án đã kéo dài 33 tháng mà Cơ quan CSĐT CA TPHCM không thể kết thúc điều tra. Loạt bài của Báo Lao Động đã nhận được sự quan tâm chia sẻ của đông đảo bạn đọc. Dưới đây là bài viết Luật sư Đinh Văn Quế - Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư VN, nguyên Chánh Tòa hình sự Tòa án NDTC.

Luật sư Đinh Văn Quế - Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư VN, nguyên Chánh Tòa hình sự Tòa án NDTC.

Ngay tại TPHCM qua công tác giám sát của Quốc hội vào năm 2015 cũng còn để lại nhiều câu hỏi chưa được các cơ quan tiến hành tố tụng trả lời thấu đáo, điển hình là vụ chìm tàu ở huyện Cần Giờ cũng được đưa vào diện phải giám sát, nhưng cho đến nay vụ án này Cơ quan CSĐT CA và Viện KSND TPHCM vẫn im lặng đáng sợ!

Có lẽ chưa có vụ án nào mà dư luận lại quan tâm và báo chí lại tốn nhiều thì giờ để lên tiếng. Nguyên nhân gây ra tai nạn chìm cano (tàu) BP 12-04-02 cũng đã đượcCục Đăng kiểm VN và Cục Hàng hải VN, Bộ GTVT khẳng định không phải do chất lượng kém hay do lỗi kỹ thuật.

Cty Việt Séc đã sản xuất hàng chục tàu thuyền công nghệ cao PPC cung cấp cho lực lượng vũ trang và dân sự.

Khi hồ sơ vụ án được chuyển qua TAND TPHCM, tòa án đã phải hai lần trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung. Lần trả hồ sơ vụ án lần thứ nhất, Viện KSND TPHCM không thèm quan tâm đến yêu cầu của tòa án nhưng lần thứ hai, thì Viện KSND TPHCM buộc phải chấp nhận và quyết định trả hồ sơ vụ án cho Cơ quan CSĐT. Và Cơ quan CSĐT đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án và tạm đình chỉ điều tra bị can đối với ông Vũ Văn Đảo và ông Đinh Văn Quyết để chờ kết quả giám định.

Phải nói ngay rằng, việc Cơ quan CSĐT CA HCM trưng cầu “giám định tư pháp” và “tạm đình chỉ điều tra để chờ kết quả giám định” là trái quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Đây không phải là giám định tư pháp, mà nếu Cơ quan điều tra yêu cầu Bộ GTVT giám định cano bị nạn là cần thiết thì đó chỉ là “hoạt động thu thập chứng cứ trong thời hạn điều tra bổ sung”, nhưng trong thời hạn điều tra bổ sung, Cơ quan cảnh sát điều tra không hề có một động thái nào, chỉ đến khi thời hạn điều tra bổ sung vừa hết thì vội vàng ra quyết định “trưng cầu giám định” và tạm đình chỉ điều tra để chờ kết quá giám định!

Lẽ ra, ngay từ khi khởi tố vụ án, Cơ quan CSĐT CA TPHCM đã phải tiến hành giám định cano gây tai nạn xem có đúng là phương tiện không bảo đảm an toàn hay không rồi hãy khởi tố mà vội vã khởi tố vụ án, khởi tố bắt giam 2 ông Vũ Văn Đảo và ông Đinh Văn Quyết về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn”.

Khi Cục Đăng kiểm VN và Cục Hàng hải VN, Bộ GTVT đã xác định nguyên nhân gây ra tai nạn không phải là do phương tiện không bảo đảm an toàn, lẽ ra phải đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can ngay nhưng vẫn gia hạn điều tra, gia hạn tạm giam. Đáng tiếc là Viện KSND TPHCM cũng đồng tình và phê chuẩn các quyết định của Cơ quan CSĐT, trong đó có quyết định để quá thời hạn mới phê chuẩn.

Đến nay, theo yêu cầu của Cơ quan CSĐT CA TPHCM, Bộ GTVT vẫn khẳng định công nhận kết quả đăng kiểm của Hải quân và yêu cầu Cục đăng kiểm cấp giấy an toàn kỹ thuật cho cano được sản xuất bằng vật liệu PPC và kết quả giám định của Hội đồng giám định Bộ GTVT một lần nữa xác định: “Nguyên nhân dẫn đến tai nạn và tình trạng kỹ thuật cũng như chất lượng chiếc Ca nô gặp nạn là do tàu chở quá số người cho phép chở, cộng thêm khả năng tàu đã gặp thời tiết bất lợi tại thời điểm xảy ra tai nạn”.

Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì sau khi có kết quả “giám định” Cơ quan điều tra phải phục hồi điều tra nếu giám định có kết quả theo hướng buộc tội các bị can hoặc quyết định đình chỉ điều tra nếu giám định có kết quả theo hướng các bị can bị oan.

Nhưng không hiểu sao, đến nay đã 9 tháng, Cơ quan CSĐT và Viện KSND TPHCM không hề có một động thái nào?. Dư luận cho rằng Cơ quan CSĐT và Viện KSND TPHCM cố tình làm ngơ bằng cách “treo án” gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết.

Việc không hủy bỏ quyết định cấm hai ông không được ra nước ngoài cũng đã gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Công ty Viêt Séc, có hợp đồng hàng chục tỷ đồng bị hủy bỏ; hàng trăm công nhân mất việc; thiệt hại về kinh tế đặc biệt lớn cho Công ty và cá nhân hai ông.

Mặc dù Cty Việt Séc và công nhân gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế. Các hợp đồng ký với khách hàng trong và ngoài nước bị hủy bỏ khi hai ông Đảo và Quyết bị tạm giam, hàng chục con tàu do Cty sản xuất ra không bán được. Nhưng với tinh thần dám nghĩ dám làm, nên ngay sau khi được tại ngoại, hai ông Vũ Văn Đảo và ông Đinh Văn Quyết đã lao vào việc điều hành Cty, động viên công nhân sản xuất.

Đến nay Cty đã đóng hàng chục chiếc tàu, thuyền PPC cung cấp cho lực lượng vũ trang và dân sự. Sau thành công của cuộc đua thuyền buồm hai thân PPC được Cty Việt Séc tổ chức vào cuối năm 2015 tại Vũng Tàu, trong ngày 4 – 6.5.2016, Cty đã phối hợp với Sở VHTT&DL tỉnh Kiên Giang, tổ chức cuộc đua thuyền buồm PPC mở rộng lần thứ nhất tại đảo Phú Quốc. Cuộc thi đã được đánh giá là thành công ngoài sự mong đợi, góp phần đẩy mạnh hoạt động khai thác du lịch biển đảo.

Với tinh thần dám nhìn thẳng vào sự thật, thực hiện đúng lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và để lấy lại uy tín và lòng tin của nhân dân cả nước nói chung, và TPHCM nói riêng thì lãnh đạo TPHCM hãy yêu cầu Công an và Viện kiểm sát đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, phục hồi mọi quyền và lợi ích hợp pháp của hai ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết.

Đinh Văn Quế - Nguyên Chánh Tòa hình sự Tòa án NDTC

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phap-luat/co-quan-to-tung-dang-treo-an-vu-chim-tau-can-gio-557042.bld