Có quản được khâu chuyển giá, báo lỗ?

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, chính việc mập mờ, thiếu tính công khai minh bạch về vấn đề doanh thu nộp ngân sách của các trung tâm thương mại, tổ chức cũng như cá thể kinh doanh tại các địa phương dẫn đến sự cạnh tranh thiếu tính công bằng giữa các đơn vị với nhau. Vì vậy, việc triển khai phần mềm quản lý thuế là cần thiết.

Báo lỗ để trốn thuế

Những năm gần đây thị trường bán lẻ Việt Nam có sức hút lớn, liên tục có những gương mặt mới và đình đám trên thế giới tham gia. Vì vậy, việc báo lỗ của các doanh nghiệp (DN) như Lotte, BigC, Metro…thời gian qua là một câu chuyện đáng suy nghĩ. Cụ thể, cơ quan thuế cho biết, trường hợp Công ty Metro Cash & Carry, chỉ riêng việc thanh toán tiền mua thương hiệu trong 6 năm (2006-2013) khoản tiền này lên tới 731 tỷ đồng.

Nhiều người không có thói quen lấy hóa đơn khi mua hàng trong siêu thị hoặc trung tâm thương mại.

Trong đó 3 năm đầu, Metro không đăng ký với Bộ Công Thương theo quy định của Nghị định 35 nên khoản tiền trả cho bên Cộng hòa Liên bang Đức ở giai đoạn này không được chấp nhận là chi phí được trừ khi tính thuế. Mới đây nhất, Lotte Mart cũng liên tiếp mở rộng kinh doanh tại thị trường Việt Nam và lại báo lỗ rất lớn. Cụ thể, năm 2007 lỗ 45 tỷ đồng, năm 2008 lỗ tăng hơn gấp 3 lần, lên mức 153 tỷ đồng. Đến năm 2015 mức lỗ vượt 500 tỷ đồng. Sang năm 2016 Lotte lỗ tiếp khoảng 260 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia ngành thuế, hoạt động chuyển giá nhằm trốn thuế của nhiều doanh nghiệp FDI đang diễn ra ngày càng tinh vi và phức tạp. Tuy nhiên, để phát hiện được các vi phạm này lại không hề dễ dàng. Trước thực tế đó, Tổng Cục Thuế vừa có văn bản yêu cầu các cục thuế rà soát và tiến hành thanh tra doanh nghiệp FDI kinh doanh bán lẻ. Theo đó, Cục Thuế các địa phương làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương để rà soát, xác định các thương hiệu bán lẻ trên địa bàn và xác định chủ sở hữu.

Tại hội thảo: “Báo cáo về công bằng thuế” diễn ra gần đây tại Hà Nội, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế (VCCI) cho biết, có đến 60% doanh nghiệp FDI chuyển giá có lợi nhuận rất cao, 44% doanh nghiệp lợi nhuận cao, 9% doanh nghiệp là báo cáo ít.

Trên cơ sở thông tin rà soát, thông tin quản lý thuế, các Cục Thuế phân tích, đánh giá rủi ro về thuế để lựa chọn, bổ sung vào kế hoạch thanh tra của cơ quan thuế. Thời kỳ thanh tra trong 5 năm, từ 2012-2016 và sẽ thực hiện thanh tra các năm chưa được thanh, kiểm tra thuế.

Ngoài ra, Tổng Cục Thuế cũng yêu cầu các Cục Thuế rà soát chi phí dịch vụ mà các doanh nghiệp này trả cho các công ty mẹ ở nước ngoài nhưng không chứng minh được dịch vụ tư vấn đã được thực hiện, hoặc dịch vụ không phục vụ cho sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam…

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên còn là do những ưu đãi về thuế còn dàn trải, phức tạp, tạo nhiều lỗ hổng giúp các DN FDI chuyển giá, trốn thuế.

Nhận định này đúng với thực tế đang diễn ra hiện nay, rất ít các siêu thị, trung tâm thương mại tự giác xuất hóa đơn, trừ khi có yêu cầu mặc dù đều tính thêm 10% thuế VAT hoặc đã tính thuế VAT vào giá niêm yết sản phẩm Trong trường hợp này, các đơn vị kinh doanh đã không chỉ “ăn chặn” thuế VAT của người tiêu dùng mà còn dễ dàng trốn thuế của Nhà nước.

Bên cạnh đó, việc mập mờ, thiếu tính công khai minh bạch trong vấn đề doanh thu nộp ngân sách của các trung tâm thương mại, tổ chức cũng như cá thể kinh doanh tại các địa phương dẫn đến sự cạnh tranh thiếu tính công bằng giữa các đơn vị với nhau. “Điều này sẽ dẫn tới những siêu thị nghiêm túc sẽ bị thiệt thòi, trong khi những đơn vị nào trốn thuế được chắc chắn sẽ có lợi nhuận kếch sù một cách bất hợp pháp” – ông Phú cho biết thêm.

Khuyến khích người dân lấy hóa đơn khi mua hàng

Để công tác quản lý thuế hiệu quả góp phần tạo môi trường kinh doanh công bằng, mới đây, một số Cục Thuế các địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh đã gửi kiến nghị lên Tổng cục Thuế, đề nghị giải pháp lắp đặt máy tính tiền tại các cơ sở kinh doanh để thực hiện kết nối thông tin quản lý doanh thu kinh doanh.

Trả lời các kiến nghị này, Tổng cục Thuế cho biết theo lộ trình triển khai đề án hóa đơn điện tử đã được Bộ Tài chính phê duyệt thì trong thời gian tới sẽ thực hiện kết nối trực tiếp phần mềm bán hàng của các cơ sở kinh doanh với cơ quan thuế.

Theo đó, người nộp thuế (bao gồm cả cá nhân và tổ chức) kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, siêu thị và một số hàng hóa, dịch vụ khác có sử dụng hệ thống máy tính tiền, hệ thống cài đặt phần mềm bán hàng để thanh toán thì thực hiện kết nối với cơ quan thuế để gửi thông tin cho cơ quan thuế theo lộ trình triển khai của cơ quan thuế.

Trước thông tin này, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, giải pháp kết nối phần mềm bán hàng của các cơ sở kinh doanh đến cơ quan thuế là hoàn toàn phù hợp, khả thi. “Ở một số nước doanh thu bán hàng bằng kỹ thuật, công khai, kể cả siêu thị bán một cái bút là lập tức thông tin đó “chạy” về cơ quan thuế, còn ở Việt Nam ông bán 5 sản phẩm có khi chỉ nộp thuế 1 sản phẩm”.

Tuy vậy, ông Vũ Vinh Phú cũng nhận định, đây vẫn chưa phải là giải pháp tuyệt đối hoàn hảo bởi với thực tế ở Việt Nam, doanh nghiệp vẫn hoàn toàn có thể tìm những cách lách, đơn giản như bán tay bo, thu tiền tiền mặt, không xuất hóa đơn, không vào hệ thống.

“Để hỗ trợ cho công tác triển khai này của Cục thuế, cần có những chương trình tuyên truyền hiệu quả, thiết thực nhằm thay đổi ý thức người tiêu dùng như khuyến khích người mua hàng nhận hóa đơn, khách hàng mua không có hóa đơn thì phải khiếu nại, tố cáo. Cần phạt nặng đơn vị kinh doanh nếu phát hiện bán hàng không xuất hóa đơn, không vào hệ thống.” – Ông Phú nêu quan điểm.

Tuệ Liên

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/co-quan-duoc-khau-chuyen-gia-bao-lo-53940.html