Cổ phiếu “vàng trắng” đã đi qua đáy?

Kết thúc phiên giao dịch ngày 15-11-2016 giá cao su trên thị trường Tokyo đứng gần mốc 205 yen/ki lô gam, tương đương 1.878 đô la Mỹ/tấn. Đây là mức giá cao nhất trong vòng một năm qua.

Kể từ mức đáy 145 yen/ki lô gam thiết lập hồi giữa tháng 6 và 7-2016, giá cao su quốc tế hiện đã tăng 41,3%. Ảnh TL SGT

Giá cao su phục hồi mạnh một phần nhờ đồng yen Nhật lao dốc so với đô la Mỹ, phần khác là do sự biến động của giá hàng hóa nói chung. Kể từ mức đáy 145 yen/ki lô gam thiết lập hồi giữa tháng 6 và 7-2016, giá cao su quốc tế hiện đã tăng 41,3%.

Liệu sự phục hồi của giá cao su đã thật sự bền vững? Nhìn lại quá khứ, giá cao su đã có ba lần chạm mốc 145 yen/ki lô gam trong 12 tháng qua và cuối tháng 4-2016 sau khi vượt qua mốc 200 yen/ki lô gam, những tưởng đã qua “những ngày đen tối”, nhưng sau đó nó lại rơi tõm về đáy và trụ ở đáy tới bốn tháng. Ngoài việc ba quốc gia sản xuất và xuất khẩu cao su hàng đầu thế giới là Malaysia, Indonesia, Thái Lan đạt được thỏa thuận giảm sản lượng khai thác từ đầu tháng 6 vừa qua, đến nay giá cao su vẫn chủ yếu phụ thuộc vào cân đối cung cầu. Nhu cầu tiêu thụ cao su vẫn thấp cho đến khi mức nhập khẩu “vàng trắng” của Trung Quốc gia tăng trở lại.

Cổ phiếu cao su đã có đợt tăng giá mạnh nhất trong vòng ba năm qua nhờ sự biến động của giá cao su quốc tế. Trong các phiên giao dịch đầu tuần này, giá Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (PHR-Hose) đã chạm ngưỡng 27.000 đồng/cổ phiếu, tăng 80% từ mức đáy 15.000 đồng/cổ phiếu tháng 3-2016. Giá cổ phiếu của Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh (TRC-Hose) cũng tăng 62%, từ 18.000 đồng lên 29.200 đồng. Tương tự thị giá cổ phiếu Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (DPR-Hose) tăng 27%, từ 33.000 đồng lên 42.000 đồng.

Kết quả kinh doanh của các công ty cao su trong chín tháng đầu năm đã hỗ trợ giá cổ phiếu. TRC đạt lợi nhuận sau thuế 50 tỉ đồng so với lợi nhuận sau thuế cả năm ngoái gần 55 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế cùng thời gian của PHR là 124 tỉ đồng trong khi cả năm 2015 đạt 212 tỉ đồng; của DPR tương ứng 81,5 tỉ đồng và 144,5 tỉ đồng. Do đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận năm 2016 rất thấp, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, chỉ bằng một nửa mức lợi nhuận ròng của năm trước, nên các doanh nghiệp cao su dễ dàng vượt kế hoạch.

Trong số các công ty, lợi nhuận của PHR khả quan hơn cả nhờ thanh lý một diện tích khá lớn vườn cây già cỗi. Ngoài ra, theo công bố thông tin từ công ty, giá bán mủ cao su bình quân trong tháng 10-2016 của PHR đã nhảy lên 31,2 triệu đồng/tấn so với bình quân 26 triệu đồng/tấn của năm 2015.

Xét về các chỉ tiêu cơ bản, ở mức giá hiện tại chỉ số P/E của các doanh nghiệp cao su không còn thực sự hấp dẫn nếu giá cao su quốc tế không tiếp tục đi lên. P/E của PHR dựa trên lợi nhuận dự kiến năm 2016 (giả sử đạt được mức lợi nhuận như quí 4-2015) khoảng 10 lần, của TRC khoảng 12 lần, của DPR 13 lần. Bên cạnh đó, không phải doanh nghiệp nào doanh thu, lợi nhuận quí 4 cũng cao. Quí 4 năm ngoái lợi nhuận sau thuế của DPR chỉ vỏn vẹn 5 tỉ đồng.

Cổ phiếu của Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG-Hose) chuyển biến theo đà chung của dòng cao su, nhưng sự bứt phá tương đối yếu, chỉ tăng khoảng 15%, từ 5.500 đồng lên 6.320 đồng. Diện tích cao su tự nhiên của HNG quy mô hơn nhiều lần ba doanh nghiệp trên, nhưng phần lớn diện tích này còn phải chăm sóc trước khi có thể đưa vào khai thác. HNG và công ty mẹ HAG vẫn chưa thể bắt đầu quá trình tái cơ cấu lại các khoản vay ngân hàng do vẫn đang đợi ý kiến của các cơ quan quản lý chức năng.

Đầu tư vào cổ phiếu hàng hóa nguyên liệu hiện được nhận định là khá rủi ro một khi thị giá của chúng đã biến động mạnh. Giá cao su và các kim loại thường lên xuống thất thường theo giá dầu thô, mà giá dầu thô đang giảm trở lại sau khi chạm ngưỡng 50 đô la Mỹ/thùng. Những cuộc họp nhằm mục đích cắt giảm sản lượng khai thác của các thành viên khối OPEC và các nước khác như Nga, Canada chưa mang lại kết quả trong khi số giàn khoan dầu ở Mỹ cũng đi xuống trở lại.

Một yếu tố không thể bỏ qua là sự mạnh lên thấy rõ của đồng đô la Mỹ so với các đồng tiền chủ chốt khác của thế giới sau cuộc bầu cử ở Mỹ. Chính sự mạnh lên này đã đẩy giá vàng và giá các kim loại xuống thang. Trong trường hợp giá vàng rời ngưỡng 1.200 đô la Mỹ/ounce và giá dầu thô không giữ được trên 40 đô la Mỹ/thùng, rất có thể giá cao su lại bắt đầu một hành trình tìm về đáy cũ.

Các doanh nghiệp cao su thường không khai thác và chế biến sản phẩm rồi tích lũy, chờ giá cao mới xuất khẩu hoặc ủy thác xuất khẩu. Họ thường khai thác, sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đó và xuất sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn. Do đó giá xuất khẩu phụ thuộc hoàn toàn vào bên ngoài. Theo chu kỳ, quí 4 là thời điểm các công ty cao su tăng cường khai thác. Tuy nhiên một số đơn vị có khả năng cắt giảm tiến độ khai thác cũng như sản lượng trong quí này nếu giá tiêu thụ diễn biến không thuận lợi.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/153967/co-phieu-vang-trang-da-di-qua-day.html/