Cổ phiếu ngân hàng lại 'sóng sánh' cuối năm

Nhóm cổ phiếu ngân hàng dường như đang quay trở về thời kỳ hoàng kim khi mà dòng vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang có xu thế đổ mạnh vào khu vực này.

Ảnh minh họa.

Cổ phiếu ngân hàng “trỗi dậy”

Trong những ngày vừa qua, có một nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có sức bật đáng kể, nhóm ngân hàng còn lại tuy không tăng nhưng cũng không giảm. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng, khiến cho các nhà đầu tư không khỏi háo hức. Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày hôm 24.10, SHB tăng trần, BID tăng 700 đồng lên 17.700 đồng, ACB tăng 400 đồng lên 19.600 đồng, CTG tăng 300 đồng lên 17.350 đồng, VCB tăng 250 đồng lên 36.700 đồng, STB tăng 240 đồng lên 9.480 đồng, MBB và EIB đóng cửa tại tham chiếu tại giá 15.000.

Như vậy, thị trường đang chứng kiến một sự trỗi dậy của các cổ phiếu ngành ngân hàng và đóng góp đáng kể cho chỉ số. Nguyên nhân có thể được xác định là các ngân hàng có kết quả kinh doanh tốt, cùng với đó là những thông tin có lợi đã được lan truyền trong giới đầu tư.

Với kết quả kinh doanh tốt, cộng thêm nhiều thông tin có lợi nên không khó để VCB vẫn luôn giữ “ngôi vương” trong nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng. Hay như BIDV, ngân hàng vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý 3, nhưng theo dự báo của Công ty Chứng khoán TPHCM, sau 9 tháng, BIDV dự kiến đạt lợi nhuận trước thuế khoảng 5.300 tỷ đồng, giảm 4,24% so với cùng kỳ và hoàn thành 67% kế hoạch cả năm. Riêng quý 3, dự báo BIDV lãi 2.000 tỷ đồng, giảm 17,25% so với cùng kỳ.

Đối với SHB, thời gian qua cổ phiếu đã có nhiều yếu tố hỗ trợ: thoái vốn khỏi SHS, được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận về nguyên tắc cho phép sáp nhập với công ty cổ phần tài chính Vinaconex Viettel (VFF), và ngày 24.10, SHB ra tin chị gái Bầu Hiển đăng ký mua vào 20 triệu cổ phiếu dự kiến trong khoảng thời gian từ 25.10 đến 22.11.2016.

Ảnh minh họa.

Thông tin có sức ảnh hưởng nặng

Có lẽ không có thị trường nào có sức ảnh hưởng nặng bởi thông tin như thị trường chứng khoán. Thế nên dù là cả thông tin không mới như giới đầu tư truyền tai nhau về giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và việc nới room cho các ngân hàng. Những câu chuyện xưa như trái đất nhưng vẫn có một sức mạnh lớn với thị trường.

Theo cách lý giải của các nhà đầu tư, tỷ lệ dự trữ bắt buộc được giảm có nghĩa là nguồn vốn khả dụng của các ngân hàng sẽ tăng lên, thể hiện tiềm năng tín dụng của ngân hàng và có thể, lãi suất sẽ giảm. Và nếu điều đó xảy ra, một dòng tiền lớn có thể quay lại thị trường.

Còn về việc nới room, hiện một số Ngân hàng thương mại (NHTM) đang xin cơ quan quản lý cho phép nới tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài lên trên 30%. Các ông lớn như Vietcombank, VietinBank cũng đang xin phép nới room ngoại lên lần lượt là 35% và 40%. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích kinh tế, chứng khoán, điều đó sẽ không dễ như kỳ vọng. Còn với cổ phiếu của ngân hàng đang giao dịch trên sàn OTC, giá của hầu hết các mã vẫn dưới mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu và khó tìm thấy “ánh sáng” trong ngắn hạn.

Sức mạnh của khối ngoại

Cổ phiếu của VCB đang có sự chói sáng, bởi cổ phiếu này có nhiều thông tin tích cực khác xuất hiện. Hiệu ứng mạnh nhất được đến từ tác động của sư kiện VCB bán 7,73% cổ phần cho quỹ đầu tư quốc gia Singapore (GIC). Với trị giá xấp xỉ khoảng 400 triệu USD, đây sẽ là một trong những thương vụ M&A ấn tượng nhất từ đầu năm đến nay. Nó được kì vọng sẽ tạo nên cú hích tăng trưởng mới cho ngành ngân hàng sau nhiều năm trầm lắng.

Theo ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank, việc đầu tư cổ phần của GIC sẽ làm tăng vốn điều lệ của Vietcombank và giúp ngân hàng chuẩn bị cho việc triển khai BASEL II cũng như duy trì vị thế dẫn đầu trong ngành ngân hàng tại Việt Nam.

“Thương vụ đầu tư vào Vietcombank phản ánh niềm tin của chúng tôi vào tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn của Việt Nam”, Amit Kunal, Trưởng bộ phận đầu tư tại khu vực Đông Nam Á của GIC nhận định.

Đầu năm nay, GIC đã dành 387 triệu USD đầu tư vào PT Trans Retail, một nhà bán lẻ của Indonesia. Năm 2013, GIC đầu tư vào ngân hàng lớn thứ ba của Phillippines là Bank of Philippines Islands.

Bên cạnh GIC, cổ đông chiến lược hiện hữu của VCB là NH Nhật Bản Mizuho cũng dự kiến sẽ mua thêm 54 triệu CP để giữ nguyên tỷ lệ sở hữu 15% (Mizuho đầu tư gần 600 triệu USD vào Vietcombank hồi cuối năm 2011 và hiện khoản đầu tư này có giá trị xấp xỉ 1 tỉ USD). Đặc biệt, việc NH này thông báo trả cổ tức bằng tiền 10% và thưởng bằng CP theo tỷ lệ 35% cho các cổ đông chính là cú hích lớn nhất để giá VCB luôn đi lên.

Còn theo nhân định của Công ty chứng khoán TP.HCM, sau thương vụ bán cổ phần cho đối tác ngoại, hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của Vietcombank sẽ tăng thêm khoảng 2% và điều này sẽ giúp NH củng cố nguồn vốn. Tuy nhiên, mức định giá của VCB hiện đã khá cao so với mặt bằng khu vực.

Nhưng không chỉ có VCB hưởng niềm vui. Một số ngân hàng khác cũng đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại. VPBank mới đây đã huy động được 125 triệu USD nguồn vốn từ công ty tài chính quốc tế (IFC) – cánh tay đầu tư của Ngân hàng Thế giới.

Trung tuần tháng 8 vừa qua, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới đã chính thức trở thành cổ đông của TPBank với gói đầu tư giá trị 403,105 tỷ đồng (khoảng 18,3 triệu USD) thông qua hình thức mua cổ phiếu ưu đãi, cho phép IFC sở hữu 4,999% cổ phần tại TPBank. Không có tham vọng dẫn đầu như Vietcombank, việc đầu tư của IFC được kỳ vọng giúp ngân hàng này có thêm nguồn vốn kinh doanh và đầu tư phát triển cũng như cung cấp các khoản vay với tổng giá trị lên tới 2 tỷ USD cho các khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ trong 5 năm tới.

Trước đó, IFC là cổ đông chiến lược của ngân hàng ABBank với tỷ lệ sở hữu 10%, VietinBank với tỷ lệ 8,03% cổ phần và VPBank mới đây đã huy động được 125 triệu USD từ IFC. Trong khi đầu năm nay, quỹ đầu tư ngoại Dragon Capital đã mạnh tay sở hữu 64,2 triệu cổ phiếu của Ngân hàng Quân Đôi với niềm tin lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ cất cánh.

Thực tế cho thấy, sau các thương vụ “kết hôn” có yếu tố nước ngoài, giá cổ phiểu của các ngân hàng này đã tăng nhanh chóng. Bởi khi có sự tham gia của các nhà đầu tư ngoại, các ngân hàng Việt có thêm điều kiện cần để tiếp cận với các chuẩn mực quản trị mới, các cách thức phát triển mới. Từ đó sẽ tạo thêm được nhiều niềm tin từ giới đầu tư. Chính điều này cũng được ông Thành thừa nhận: “Kinh nghiệm và danh tiếng của GIC sẽ mang đến sự hỗ trợ cần thiết để Vietcombank đạt được các mục tiêu tài chính và kinh doanh cả ở trong nước và trên thị trường quốc tế. Đồng thời, vị thế dẫn đầu thị trường và triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của chúng tôi cũng hứa hẹn mang lại hiệu quả cho GIC đối với khoản đầu tư vào Vietcombank.

Ngoài ra, sự tham gia của đối tác ngoại có tiềm lực tài chính mạnh cũng sẽ hỗ trợ cho các ngân hàng trong nước trong cuộc chạy đua khốc liệt đáp ứng tiêu chuẩn an toàn về vốn Basel II vào 2017.

Rủi ro ngân hàng cũng được kiểm soát tốt hơn. Hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Moody’s đã đánh giá triển vọng hệ thống ngân hàng Việt Nam từ mức “tiêu cực” sang “ổn định”, nhờ lạm phát và lãi suất được kéo xuống mức thấp, cùng dòng vốn FDI đang quay trở lại.

Sau đợt suy thoái kéo dài kể từ 2012, ngoại trừ VCB, giá cổ phiếu của một số ngân hàng đang ở mức khá rẻ khi chỉ dao dộng trong tầm giá 1x- 2x, thậm chí còn thấp hơn nữa. Đó sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư ngoại khi kì vọng vào thị trường Vệt Nam trong dài hạn.

Vi An

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-doi-song/co-phieu-ngan-hang-lai-song-sanh-cuoi-nam-604987.bld