Cổ phiếu NCT liên tục phá đáy mất gần phân nửa giá trị trong 1 năm qua

Đã có thời điểm giao dịch ở mức giá 142,000 đồng vào cuối năm 2015, giá cổ phiếu của CTCP Dịch vụ hàng hóa Nội Bài (HOSE: NCT) đã liên tục lao dốc về mức 77,000 đồng.

Mặc dù vẫn duy trì chính sách cổ tức khá cao (trên 100% mỗi năm) nhưng kết quả kinh doanh không khả quan có lẽ là nguyên nhân của đà lao dốc này.

Kết quả kinh doanh thụt lùi

6 tháng đầu năm 2016, doanh thu của NCT giảm 15% xuống 349 tỷ đồng, lãi ròng 142 tỷ đồng giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Đến quý 3, NCT có doanh thu 162.8 tỷ đồng, giảm 14% so với quý 3/2015. Lợi nhuận gộp giảm 12% còn 88.4 tỷ đồng và lãi ròng giảm 15% về mức 62.8 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, NCT đạt doanh thu 511.8 tỷ đồng giảm 15% so với 9 tháng đầu năm 2015; lãi ròng 205.2 tỷ đồng, giảm 20%.

Theo giải trình của ban lãnh đạo thì doanh thu và lợi nhuận sụt giảm là do giảm sản lượng phục vụ hàng hóa quốc tế của NCT. Sản lượng hàng hóa 9 tháng giảm 8.22% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng hàng hóa nội địa tăng 17.26% nhưng chiếm tỷ trọng thấp trong khi sản lượng hàng hóa quốc tế chiếm tỷ trọng cao lại giảm 16.52%.

Được biết, đầu năm 2016 NCT tiếp tục mất đi khách hàng là Korean Air (11/2/2016) và Emirates (1/3/2016) sau khi mất đi 2 khách hàng là Cathay Pacific và Hong Dragon Air trong quý 4/2015.

Giá cổ phiếu NCT trong vòng 1 năm qua

Nguồn: Vietstock Finance

Thị phần có thể giảm về 50-55%

Theo báo cáo phân tích của CTCK Rồng Việt, mặc dù thị trường hàng hóa dự báo vẫn tăng trưởng tốt, sự xuất hiện của nhân tố mới ALS (CTCP Logistics Hàng Không) sẽ khiến cục diện thị phần mà NCT nắm giữ tại Nội Bài từ 2016 trở đi có nhiều sự thay đổi. Cụ thể, thị phần chung của NCT tại Nội Bài dự báo sẽ giảm dần từ 81% cuối năm 2015 xuống còn 60% trong 3 năm kế tiếp và đạt 54% vào cuối năm 2020.

Bên cạnh đó, theo VCBS, nhà ga hàng hóa Nội Bài ALS đã nâng công suất thiết kế lên 500 ngàn tấn/năm, trong đó công suất khai thác của NCT khoảng 350-400 ngàn tấn/năm. Tuy mới được mở rộng nhưng nhà ga hàng hóa Nội Bài ALS đã đạt gần 495 ngàn tấn năm 2015 (98.9% công suất thiết kế). Do đó, việc nhà ga ALS chính thức đi vào hoạt động từ cuối 2015 với công suất thiết kế 200 ngàn tấn/năm nhằm mục đích giải quyết tình trạng quá tải trong thời gian tới, trong khi đó NCT không hưởng lợi nhiều từ tốc độ tăng trưởng hàng hóa nhanh của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. NCT có thể duy trì được thị phần khoảng 50% trong những năm tới.

Ngoài ra, CTCK SSI nhận định trong vòng 5 năm tới nhiều khả năng sẽ dư cung, dẫn đến tình trạng cạnh tranh cả về chất lượng cũng như giá cả, dẫn đến biên lợi nhuận của NCT sẽ giảm và thị phần có thể không được đảm bảo. Ngoài ra tình hình kinh doanh của Samsung giảm sút (sự cố Galaxy Note 7) sẽ làm giảm sản lượng hàng hóa nhập khẩu qua khu vực Nội Bài.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/co-phieu-nct-lien-tuc-pha-day-mat-gan-phan-nua-gia-tri-trong-1-nam-qua-20161106034920999p4c146.news