Cổ phiếu MTM trên UpCoM bị ngừng giao dịch: Có thể là doanh nghiệp 'ma'?!

TP - Mấy ngày nay, thông tin khiến giới đầu tư bị sốc chính là việc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) bất ngờ thông báo tạm dừng giao dịch đối với 31 triệu cp MTM (CTCP Mỏ và XNK Khoáng sản Miền Trung) kể từ 20/6.

Quán ăn nơi công ty có cổ phiếu MTM đăng ký làm trụ sở.

Lần giở lại, cách đây chưa đầy 2 tháng, cổ phiếu này đã chào sàn UpCoM “ồn ào” với giá tăng chóng mặt. Đáng nói, MTM có nhiều dấu hiệu bất thường trong kinh doanh, thậm chí có thể là công ty “ma”.

Đại bản doanh là quán ăn, phòng khám

Chiều tối 21/6, theo tin chính thức phát đi, Sở GDCK Hà Nội cho hay lý do ngừng giao dịch do xét thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. HNX cho biết, sau khi đăng ký và chính thức giao dịch trên thị trường UPCoM một thời gian, sở nhận thấy MTM chưa công bố Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015, BCTC quý 1/2016 và Báo cáo thường niên năm 2015. Cùng với đó, qua quá trình giám sát cổ phiếu MTM, HNX nhận thấy MTM có dấu hiệu bất thường trong hoạt động kinh doanh.

MTM nộp hồ sơ đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM vào ngày 3/11/2015. Theo HNX, khi đó Sở đã tiếp nhận và xử lý hồ sơ ĐKGD của MTM trên cơ sở những văn bản, tài liệu của MTM theo đúng quy định…Tuy nhiên, thông tin từ việc tra cứu mã số thuế của MTM trên Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính mới đây thật bất ngờ khi nhận được kết quả doanh nghiệp đã ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn tất thủ tục đóng mã số thuế (cập nhật đến thời điểm ngày 16/6/2016, trước 1 ngày so với quyết định từ HNX).

Lần theo địa chỉ trụ sở được MTM tại bản cáo bạch cùng với địa chỉ chi nhánh tại Hà Nội mới được HĐQT công ty này công bố (theo đó, MTM có địa chỉ chính tại số 60 Nguyễn Tuấn Thiện - Lê Mao - Thành phố Vinh - tỉnh Nghệ An, địa chỉ chi nhánh Hà Nội tại số 83 Núi Trúc - Kim Mã - Ba Đình - Thành phố Hà Nội) người ta thấy tại những địa điểm nói trên không hề có sự xuất hiện bất kỳ bảng hiệu nào về Công ty MTM. Tại địa chỉ trụ sở chính của Công ty được ghi nhận sáng ngày 19/6/2016 tại Nghệ An thực tế lại là một quán ăn, trong khi chi nhánh văn phòng Hà Nội lại là một địa chỉ phòng khám tư nhân, trung tâm Spa và trụ sở của một doanh nghiệp hoàn toàn khác.

Theo ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó Tổng giám đốc HNX, hiện tại, thông tin vẫn chưa đủ để khẳng định liệu MTM có phải là doanh nghiệp “ma” hay không vì HNX đang yêu cầu doanh nghiệp công bố thông tin và giải trình. Đáng nói, theo giới đầu tư, trước khi HNX phát đi thông tin ngừng giao dịch, chưa hề có một văn bản cảnh báo hay nhắc nhở đối với doanh nghiệp này, cổ phiếu này cũng là một đơn vị chỉ vừa mới lên sàn được 2 tháng nay.

Vố đau và bài học

Chào sàn ấn tượng với mức tăng giá kịch trần 40% ngay trong phiên giao dịch đầu tiên, thanh khoản thuộc hàng Top nhưng sau hơn 1 tháng giao dịch thì cổ phiếu MTM của CTCP Mỏ và XNK Khoáng sản miền Trung đã “bốc hơi” hơn 80% giá trị, từ 14.700 đồng/cp xuống còn 2.900 đồng/cp. Thanh khoản của cổ phiếu MTM là điểm đáng chú ý. MTM có thể xếp vào hàng Top trên UPCoM với khối lượng giao dịch mỗi phiên lên tới trên dưới 1 triệu cp, cá biệt có những phiên giao dịch tới hơn 4 triệu cp. Nhưng, khối lượng giao dịch tại MTM không ổn định và biến động mạnh giữa các phiên.

Theo thống kê của Vietstock, riêng trong tháng tháng 6/2016, với tổng số 13 phiên giao dịch, gần 37 triệu cp MTM đã được trao tay, tương đương 119.3% tổng số cổ phần đang giao dịch (31 triệu cp). Trong đó, khối lượng đạt mua gần 45 triệu cp trong khi khối lượng đặt bán hơn 48 triệu cp. Tổng giá trị khớp lệnh đạt tới hơn 103 tỷ đồng. Tính chung kể từ khi MTM chính thức được giao dịch trên UPCoM, đã có hơn 68 triệu cp được trao tay với giá trị khớp lệnh đạt hơn 255 tỷ đồng. “Tính không ổn định của cổ phiếu MTM phần nào cho thấy dòng tiền đầu cơ đang tích tụ tại cổ phiếu này”, một chuyên gia chứng khoán nhận xét.

Liên quan đến cổ phiếu MTM hiện tại, trong thông tin phát đi HNX cho hay đã có báo cáo cụ thể cho Ủy ban chứng khoán Nhà nước đối với các vấn đề về tổ chức hoạt động và giao dịch của cổ phiếu MTM. HNX cũng đang phối hợp chặt chẽ với Thanh tra UBCK NN để làm rõ thực trạng hoạt động của MTM, xem xét việc đưa trở lại giao dịch nếu doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu của cơ quan quản lý. Đại diện cơ quan này cũng khẳng định: Trường hợp phát hiện những dấu hiệu lừa đảo, cung cấp thông tin không đúng thực tế tại hồ sơ ĐKGD và hồ sơ công bố thông tin sẽ xem xét chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra theo đúng quy định pháp luật.

“Nếu như MTM chỉ là thay đổi địa chỉ trụ sở chính mà không công bố thông tin thì không có gì phức tạp. Doanh nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định hiện hành và cổ phiếu được giao dịch trở lại sau khi tuân thủ nghĩa vụ công bố thông tin. Ngược lại, nếu MTM thật sự là doanh nghiệp “ma” hay có dấu hiệu lừa đảo, cung cấp thông tin sai sự thật thì hồ sơ sẽ được chuyển sang cơ quan điều tra theo đúng quy định pháp luật”, vị đại diện này nói.

UPCoM là thị trường Đăng ký giao dịch cổ phiếu (ĐKGD). Theo quy định của pháp luật, hồ sơ và thủ tục đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM đơn giản hơn rất nhiều so với hồ sơ niêm yết. Về phần mình, doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm về tính trung thực của thông tin cung cấp cho cơ quan quản lý và công chúng đầu tư tại hồ sơ ĐKGD cũng như hồ sơ đăng ký niêm yết, và chịu trách nhiệm pháp lý nếu vi phạm các quy định của pháp luật.

Nhìn lại vụ việc MTM, dù còn phải chờ thêm những thông tin điều tra từ cơ quan chức năng, nhưng cho tới lúc này, hệ lụy xảy ra đó là nhiều nhà đầu tư đã trót lao vào ôm cổ phiếu này có thể mất tiền oan; cùng với đó ít nhiều sẽ vơi đi niềm tin vào một thị trường UpCoM minh bạch, an toàn bảo vệ họ.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/kinh-te/co-phieu-mtm-tren-upcom-bi-ngung-giao-dich-co-the-la-doanh-nghiep-ma-1019067.tpo