Cổ phiếu cần quan tâm ngày 8/7

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 8/7 của các công ty chứng khoán.

CNG: Khuyến nghị mua vào

CTCK FPT (FPTS)

Với những thuận lợi trong ngắn hạn nhờ nhu cầu tiêu thị có sự phục hồi từ khách hàng có sẵn và khả năng tiếp cận các khách hàng mới tiềm năng sẽ được tiếp tục đẩy mạnh nhằm gia tăng sản lượng. Đây sẽ là động lực chính giúp CTCP CNG Việt Nam (CNG – sàn HOSE) đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan trong năm 2014. Bên cạnh đó, sau khi thực hiện khấu hao nhanh xong lợi nhuận sẽ cải thiện đáng kể, chúng tôi cho rằng trong bối cảnh tổng mức đầu tư mới không cao và lợi nhuận tăng sẽ giúp VNG duy trì tỷ lệ chi trả cổ tức hấp dân ( kế hoạch 2014 là 35%). Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu này, giá mục tiêu trong 12 tháng tới kỳ vọng đạt 46.300 đồng/Cp, tương ứng với P/E 2014F là 8 lần.

Rủi ro chính của CNG là vẫn chịu những áp lực về lộ trình tăng giá khí đầu vào và sản lượng tiêu thụ khí CNG chịu tác động lớn bởi nền kinh tế suy thoái và rủi ro của sản phẩm thay thế như biomass, than…

>> Tải báo cáo

VIC: Trả cổ tức sé gây áp thêm áp lực tài chính

CTCK MB (MBS)

VIC dự kiến chi 2,000 tỷ VNĐ trả cổ tức bằng tiền mặt (tỷ lệ 21.49%). Ngoài ra, Công ty cũng có kế hoạch phát hành thêm cổ phần để trả cổ tức năm 2013 cho các cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 48.7%.

Định hướng hoạt động kinh doanh của VIC trong thời gian tới vẫn là tập trung nguồn lực vào lĩnh vực bất động sản. Công ty sẽ tập trung tiêu thụ các sản phẩm tại dự án Royal city, Time city giai đoạn 1. Đối với dự án Vihomes Riverside, VIC sẽ hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư thứ cấp bán sản phẩm để có thể bắt đầu ghi nhận doanh thu từ dự án này.

Trong thời gian tới VIC dự kiến đầu tư vào dự án Time city giai đoạn 2, dự án Vihome Riverside giai đoạn 2 và dự án bất động sản tại Tân Cảng Sài Gòn. Công ty công bố kế hoạch hoàn thành GĐ 1 Vinpearl Phú Quốc vào tháng 10/2014 và dự án Vinpearl Hạ Long cũng đang được triển khai.

Sau thành công của dự án Royal city và Time city, VIC sẽ phải bước vào một chu kỳ đầu tư mới trong 3 năm tới và do đó nhu cầu vốn của Công ty là rất cao. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy dòng tiền thu được từ các dự án của Công ty không được như kỳ vọng khiến sức khỏe tài chính của Công ty suy giảm.

Hiện tại, mức độ đòn bẩy tài chính của VIC đã tăng lên mức trên 5 lần (theo chúng tôi đánh giá là không bền vững). Trong đó, vay ngắn hạn là trên 3,700 tỷ VNĐ và vay dài hạn là trên 26,900 tỷ VNĐ.

Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Công ty không đủ để bù đắp cho nhu cầu vốn đầu tư quá lớn của Công ty khiến áp lực vay nợ tiếp tục gia tăng.

Chúng tôi đánh giá việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt của Công ty tại thời điểm hiện nay là không hợp lý và sẽ gây thêm áp lực tài chính đối với hoạt động của Công ty.

DHG: Khuyến nghị nắm giữ

CTCKMaybank Kim Eng (MBKE)

Ngày 22/07/2014 sẽ là ngày đăng ký cuối cùng quyền hưởng cổ tức tiền mặt đợt cuối năm 2013 tỷ lệ 1.500 đồng/cp. Thời gian thực hiện dự kiến là 04/08/2014. Như vậy, tổng cổ tức tiền mặt DHG chi trả cho năm 2013 là 3.000 đồng/cp, tương đương với tỷ suất cổ tức hơn 3%.

5 tháng đầu năm 2014, DHG đạt 1.356 và 269 tỷ đồng doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế, tăng lần lượt 9,5% và 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hệ điều trị (ETC) vẫn tiếp tục khó khăn do ảnh hưởng từ quy định đấu thầu theo thông tư 36/2013-TTLT-BYT-BTC (sửa đổi thông tư 01/2012) ưu tiên giá thấp nhất. Doanh thu ETC 5T/2014 của DHG giảm 28% n/n. Tuy nhiên, tác động từ ETC đến tổng doanh thu của DHG không quá lớn, do doanh thu ETC hiện đóng góp chưa đến 20% tổng doanh thu của DHG. Quan trọng hơn, doanh thu từ kênh thương mại (OTC) vẫn tăng trưởng tốt, khoảng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở phân khúc hàng thương mại, việc phân phối độc quyền các sản phẩm thuốc gốc điều trị các bệnh tim mạch, tiểu đường, xương khớp cho MSD đã giúp DHG bù đắp phần nào phần doanh thu sụt giảm do ngừng phân phối sản phẩm Eugica trong năm nay.

Chúng tôi dự báo doanh thu và lợi nhuận trước thuế 6T/2014 của DHG sẽ tăng khoảng 10% và 11% cùng kỳ, đạt lần lượt 1.710 và 344 tỷ đồng. DHG đang giao dịch ở mức PE dự phóng khoảng 12x, so với mức 11x bình quân ngành. Duy trì khuyến nghị nắm giữ dài hạn.

AVF: Khó hoàn thành kế hoạch năm

CTCKMaybank Kim Eng (MBKE)

Trong quý I/2014 tình hình xuất khẩu cá tra Việt Nam rất khả quan tăng 5,15% so với cùng kỳ năm ngoái với Mỹ là nước nhập khẩu lớn nhất và các DN xuất khẩu cá tra gần như đều đạt kết quả tốt trong 3 tháng đầu năm. Tuy nhiên, kết quả của CTCP thủy sản Việt An (AVF) đi ngược với xu hướng chung của ngành với doanh thu thuần đạt 105 tỷ, giảm 73% so với 2012.

Chúng tôi cho rằng, AVF đang dần đánh mất thị phần tại Mỹ, là nguyên nhân chính khiến sản lượng xuất khẩu sụt giảm mạnh.

Do kiểm soát chi phí giá thành kém hiệu quả nên biên lợi nhuận gộp giảm 3 điểm phần trăm từ 15% xuống còn 12%. Thêm vào đó, tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu tăng mạnh 4 điểm phần trăm lên mức 13% và lỗ từ hoạt động tài chính ghi nhận 12,2 tỷ (lãi vay là 13 tỷ), tăng nhiều so với mức lỗ 6,7 tỷ năm 2012. Do đó, lợi nhuận sau thuế ghi nhận khoản âm 8 tỷ, giảm 176% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là quý đầu tiên công ty báo lỗ kể từ khi niêm yết.

Thị phần tại Mỹ đang bị thu hẹp. Trong giai đoạn 2008-20012, AVF luôn duy trì được tăng trưởng doanh thu với mức tăng bình quân 28% và biên lợi nhuận gộp luôn ở mức cao 18 - 20%. Chủ yếu do sự dịch chuyển mạnh mẽ cơ cấu thị trường xuất khẩu sang Mỹ, nơi có giá bán luôn cao hơn so với các thị trường khác, từ 5% lên 70%. Tuy nhiên từ 2013, thị phần tại Mỹ bị sụt giảm xuống dưới 60% và AVF từ vị trí thứ 4 năm 2012 xuống thứ 9 năm 2013, bị loại khỏi TOP 15 trong quý I/2014 của danh sách các công ty xuất khẩu cá tra hàng đầu Việt Nam. Cộng với tình hình khó khăn chung của ngành nên biên lợi nhuận gộp chỉ ở mức 14%. Ngoài ra, để cải thiện doanh số công ty đã tăng số ngày trả chậm cho khách hàng từ mức trung bình 93 ngày lên 173 ngày trong 2013. Do đó, AVF phải sử dụng nợ ngắn hạn để hỗ trợ thanh khoản làm cho tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu trong 2013 là 282%, cao hơn nhiều so với trung bình ngành là 129%.

2014 chưa cải thiện. Cuối tháng 2 và đầu tháng 3/2014, công ty đã tăng vốn thành công từ 279 tỷ lên 433 tỷ thông qua chào bán thành công 13,9 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tại mức giá 5.000 đồng/cp và 1,4 triệu cổ phiếu ESOP. Mục đích của đợt tăng vốn này nhằm cơ cấu nguồn vốn để giảm nợ và tài trợ cho việc hoàn thiện vùng nuôi. Theo đó, AVF cũng kì vọng doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2014 lần lượt là 1.890 tỷ và 33 tỷ, tương ứng tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái và 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên với kết quả quý I/2014 như trên cộng với dự báo giá trị xuất khẩu cá tra 2014 sẽ giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái do ảnh hưởng của thuế chống bán phá giá POR9 của Bộ Thương Mại Mỹ đưa ra cao hơn so với POR8, chúng tôi cho rằng kế hoạch trên của AVF là khó khả thi và dự báo tình hình hoạt động năm nay của AVF sẽ chưa thể cải thiện.

HAG: Xem xét mua vào trong ngắn hạn

CTCKMaybank Kim Eng (MBKE) HAG ghi nhận quá trình tích lũy kéo dài gần hai tháng nay trong vùng biên độ 23.4 – 25.5.

Phiên đầu tuần hôm nay là phiên đường giá có nến tăng rõ rệt, nằm trọn vẹn bên trên vùng tích lũy.

Xu hướng của HAG vì vậy được chúng tôi đánh giá chuyển sang trạng thái tăng trong ngắn hạn.

Thanh khoản ghi nhận sự sôi động hơn đáng kể trong 5 phiên trở lại đây khi liên tiếp bằng hoặc cao hơn mức thanh khoản bình quân 50 ngày.

Chỉ báo kỹ thuật tích cực. MACD đã tăng vượt lên trên đường 0 để ủng hộ khả năng đường giá đi theo xu hướng tăng trong giai đoạn tới.

NĐT có thể xem xét mua vào ngắn hạn HAG ở mức giá quanh giá đóng cửa 25.5 của phiên 7/7.

Mục tiêu ngắn hạn: 29.5 (+15,7%)

Dừng lỗ: 23.4 (-8,2%).

T.Thúy

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/nhan-dinh/co-phieu-can-quan-tam-ngay-87-98583.html