Cổ phiếu bán lẻ nhìn từ FPT

Hoạt động kinh doanh hiệu quả và cơ hội còn nhiều ở phía trước đã thúc đẩy NĐT tăng giao dịch.

Ảnh minh họa

Những phiên giao dịch gần đây, nhiều NĐT dành sự quan tâm đặc biệt cho một số cổ phiếu nhóm ngành bán lẻ. Theo đó, chỉ số ngành theo tính toán của một số CTCK tăng 2,8%.

Ở nhóm ngành bán lẻ, FPT đang được nhiều NĐT quan tâm. Chuỗi cửa hàng FPTshop đang hoạt động hiệu quả mang lại lợi thế cho cổ phiếu DN này. Số liệu tính đến nay, tổng số cửa hàng FPTshop lên tới 110 điểm bán, tăng thêm 10 so với cuối năm 2013. Trao đổi với đại diện của FPT được biết, doanh thu bình quân 1 cửa hàng hiện tại khoảng 3,3 tỷ đồng/tháng, tăng khoảng 10% so với mức bình quân của năm 2013. Hầu hết các cửa hàng hoạt động hiệu quả và mang lại lợi nhuận chỉ sau vài tháng kinh doanh. Nhờ vậy, mảng bán lẻ đã đóng góp 8 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý I/2014 cho FPT.

Với báo cáo khả quan về doanh thu trong quý I/2014 của FPT, NĐT tiếp tục lạc quan về triển vọng doanh thu năm 2014 của tập đoàn này sẽ tăng trưởng vượt trội so với tốc độ tăng trưởng của năm 2013. Đặc biệt với mức tăng trưởng tốt của mảng kinh doanh viễn thông và mảng phân phối, bán lẻ sản phẩm công nghệ thông tin là hai mảng có tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của tập đoàn. Nhóm phân tích của CTCK Rồng Việt (VDSC) dự đoán mức tăng trưởng doanh thu năm 2014 của FPT là 20% và đạt 32.433,5 tỷ đồng.

Một điểm hấp dẫn nữa khiến NĐT quan tâm đến cổ phiếu FPT vì DN trả cổ tức rất “khủng”: bằng tiền 15% và bằng cổ phiếu 25% trong tháng 5/2014. Sau khi chi trả cổ tức, vốn chủ sở hữu của FPT vào khoảng 3.440 tỷ đồng và EPS năm 2014 tương ứng là 5.159 đồng. Với mức giá đóng cửa ngày 3/7 là 47.000 đồng/cổ phiếu, FPT đang được đánh giá giao dịch với mức dự báo thu nhập các quý tiếp theo (forward P/E) là 8 lần.

Nhìn chung, mảng phân phối và bán lẻ sản phẩm công nghệ thông tin của FPT tiếp tục thể hiện kết quả doanh thu khả quan. Ngoài ra, tiềm năng tăng trưởng của mảng công nghệ thông tin, đặc biệt khi FPT là DN đầu ngành và đang bắt đầu triển khai chiến lược toàn cầu hóa, cho thấy tập đoàn vẫn là công ty trong giai đoạn tăng trưởng. Mặc dù vậy, giới phân tích vẫn khuyên NĐT thận trọng. Nguyên nhân là mảng bán lẻ có doanh thu tốt nhưng do lợi nhuận gộp của FPT còn có sự đóng góp của những mảng kinh doanh khác. Hơn nữa, các kế hoạch mở rộng kinh doanh cần chờ thêm thời gian kiểm chứng về hiệu quả.

Dẫn số liệu trên, VDSC đưa ra dự đoán lợi nhuận trước thuế của FPT năm 2014 vào khoảng 2.763 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 1.775 tỷ đồng... Ngoài ra, FPT là một trong những cổ phiếu công nghệ đầu ngành, được cả NĐT nước ngoài lẫn các quỹ đầu tư ưa thích. Do đó, các thông tin xoay quanh việc tăng giới hạn về tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài, cùng với xu thế thành lập các quỹ mở có thể là những yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu FPT trong thời gian tới.

Với ngành bán lẻ nói chung, lý do NĐT tăng giao dịch vì nhìn thấy cơ hội tạo lợi nhuận khi sức cầu của nền kinh tế trong nửa đầu năm nay có cải thiện. Tổng cục Thống kê cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá thì mức tăng là 5,7%). Trong đó, kinh doanh bán lẻ hàng hóa đạt 1086,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 75,6% tổng mức và tăng 12,2%.

Sự tăng trưởng này nhờ DN đẩy mạnh những chiến lược đón đầu cạnh tranh khi Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ từ tháng 1/2015 theo cam kết WTO. Nhất là đề án quy hoạch thương mại đến năm 2020 của Bộ Công Thương, cả nước sẽ đạt 1.200 siêu thị, 157 trung tâm mua sắm, 180 trung tâm thương mại tỷ trọng bán lẻ hiện đại sẽ chiếm khoảng 43% tổng mức thương mại cả nước. Trong khi số lượng mặt bằng bán lẻ hiện đại đến nay mới có 717 cửa hàng. Điều này càng hấp dẫn các nhà bán lẻ mở rộng mạng lưới và cạnh tranh bằng tăng tiện lợi cho người mua sắm.

KIM

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/tin-tuc/4-co-phieu-ban-le-nhin-tu-fpt-22601.html