Cổ phần hóa vì sao chậm?- CPH của ngành nông nghiệp còn ngổn ngang

Có rốt ráo thúc đẩy và đã đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên thẳng thẳn đánh giá thì công tác cổ phần hóa (CPH), thoái vốn tại các DN nhà nước (DNNN) ngành nông nghiệp hiện vẫn còn khá ngổn ngang.

Công tác thoái vốn tại các DNNN ngành nông nghiệp hiện còn nhiều khó khăn. Ảnh: Nguyễn Thanh.

Chật vật bán cổ phần

Để triển khai công tác tái cơ cấu, CPH DNNN hiệu quả, ngay từ đầu năm, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch tái cơ cấu DNNN năm 2017 với những nội dung, mục tiêu đặt ra khá cụ thể. Điển hình có thể kể đến như, trong năm 2017, Bộ NN&PTNT sẽ tiến hành CPH, IPO (phát hành lần đầu ra công chúng) một số DN lớn như: Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2). VRG sẽ tiến hành CPH và IPO trong quý III, còn Vinafood 2 sẽ tiến hành trong quý II.

Ngoài ra, mục tiêu đặt ra còn phải hoàn thành quyết toán vốn nhà nước lần 2 và bàn giao sang Công ty cổ phần ngay trong quý I với 6 DN gồm: Tổng công ty Rau quả, nông sản; Tổng công ty Chè Việt Nam; Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH Nhà nước MTV tư vấn và đầu tư phát triển Rau hoa quả; Công ty Xây dựng và Chuyển giao công nghệ thủy lợi; Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương Vetvaco.

Rốt ráo là thế, tuy nhiên, kết quả thu về trong nửa đầu năm không mấy khả quan. Trong số 6 DN kể trên, mới chỉ có 4 DN đã chuyển sang hoạt động theo pháp luật về công ty cổ phần và đang triển khai quyết toán vốn nhà nước lần 2 gồm: Tổng công ty Rau quả, nông sản; Tổng công ty chè Việt Nam; Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam; Công ty CP Thuốc Thú y Trung ương Vetvaco.

Về CPH, hiện Bộ NN&PTNT có 3 DN lớn vẫn đang triển khai phương án CPH và xây dựng phương án CPH gồm: Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (DN đã triển khai bán cổ phần lần đầu theo quy định, đang chuẩn bị cho công tác đại hội đồng cổ đông lần đầu để chuyển thành công ty cổ phần, dự kiến hoàn thành trong tháng 7); Vinafood 2 (trong tháng 7, Bộ NN&PTNT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án CPH); VRG (DN đã thuê tổ chức tư vấn xác định giá trị DN theo quy định về CPH. Kiểm toán nhà nước đã thực hiện kiểm toán kết quả định giá DN và xử lý các vấn đề tài chính trước khi định giá đối với các DN. Bộ NN&PTNT đã báo cáo Chỉnh phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác CPH Công ty mẹ - VRG tại văn bản số 5231/BC-BNN-QLDN ngày 23/6/2017, trọng tâm là kết quả xác định giá trị DN và đề xuất xin gia hạn để tiếp tục CPH).

Đánh giá về những kết quả nêu trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết: Công tác sắp xếp, CPH DN còn nhiều khó khăn, vướng mắc bắt nguồn từ cơ chế, chính sách chưa cụ thể, rõ ràng. Cụ thể, hiện nay, quá trình xác định giá trị DN để thực hiện sắp xếp DNNN theo hình thức CPH, bán DN... được thực hiện theo quy định của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ; Nghị định số 189/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2011/NĐ-CP. Theo đó, đất thuê trả tiền hàng năm không tính vào giá trị DN để CPH, bán.... Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã có thông tin về những khu đất mang tính đắc địa (đất thuê trả tiền hàng năm) gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác sắp xếp, đổi mới DNNN thuộc Bộ NN&PTNT. Bộ đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan, hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

“Ngoài ra, quá trình chậm CPH, trong đó tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ tại các DN khi CPH còn lớn, không làm thay đổi căn bản quản trị của DN, tái cơ cấu tài chính DN; không đáp ứng được tiêu chí, danh mục phân loại DNNN chủ yếu là do quá trình bán cổ phần còn khó khăn, trong khi đối tượng mua cổ phần lớn nhất là các cổ đông chiến lược. Việc xây dựng tiêu chí, quá trình lựa chọn nhà đầu tư vẫn chưa được quy định cụ thể, tạo ra nhiều dư luận, quan điểm trái chiều ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả CPH”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho hay.

“Tắc” thoái vốn

Ngoài CPH, thoái vốn tại các DNNN cũng là vấn đề được Bộ NN&PTNT thúc đẩy triển khai. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2017-2020, ngành nông nghiệp sẽ thoái vốn 2.190 tỷ đồng (giá trị sổ sách). Trong đó, riêng năm 2017, ngành sẽ thực hiện thoái với giá trị sổ sách dự kiến là 1.643 tỷ đồng.

Tại Hội nghị hồi đầu tháng 2 về triển khai kế hoạch tái cơ cấu DNNN năm 2017, kế hoạch mà Bộ NN&PTNT đặt ra là ngay trong quý I phải hoàn thành thoái vốn tại 4 DN gồm: Tổng công ty Thủy sản Việt Nam, Tổng công ty Mía đường II, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển ngô Việt Nam, Công ty TNHH Tư vấn và Chuyển giao công nghệ-Trường Đại học Thủy lợi. Mục tiêu là thế, song kết quả thu về không như mong đợi. Nửa đầu năm, thoái vốn nhà nước của tập đoàn, các tổng công ty tại DN không hề phát sinh.

Lý giải về những khó khăn trong khâu thoái vốn, bán vốn nhà nước tại DN có vốn nhà nước mà Bộ NN&PTNT làm đại diện chủ sở hữu vốn, báo cáo của Bộ NN&PTNT nêu rõ: Theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 38 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN, quy định nguyên tắc chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty cổ phần có vốn góp nhà nước như sau: “Việc xác định giá khởi điểm đối với phần vốn nhà nước trước khi tổ chức bán đấu giá công khai hoặc thỏa thuận được thực hiện thông qua tổ chức có chức năng thẩm định giá theo quy định của pháp luật về thẩm định giá đảm bảo xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN, bao gồm cả giá trị được tạo bởi giá trị quyền sử dụng đất giao hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp theo quy định của pháp luật về đất đai và giá trị các quyền sở hữu trí tuệ (nếu có) của DN theo quy định của pháp luật tại thời điểm chuyển nhượng vốn”.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, để đáp ứng được yêu cầu xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN bao gồm cả giá trị được tạo bởi giá trị quyền sử dụng đất giao hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp theo quy định của pháp luật về đất đai và giá trị các quyền sở hữu trí tuệ (nếu có) của DN theo quy định của pháp luật tại thời điểm chuyển nhượng vốn theo giá thị trường cực kỳ khó khăn. Ví dụ cùng một khu đất được giao thời điểm định giá ngày 30/12/2016 là 1 đồng, thời điểm chuyển nhượng cổ phần ngày 30/6/2017 giá trị là 2 đồng. Như vậy, chứng thư thẩm định giá thời điểm 30/12/2016 là không phù hợp với nguyên tắc trên.

Nửa cuối năm 2017, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu: Phân đấu hoàn thành quyết toán vốn nhà nước lần 2 và bàn giao sang công ty cổ phần đối với 6 DN: Tổng công ty Rau quả, nông sản; Tổng công ty chè Việt Nam; Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam; Tổng công ty Vật tư nông nghiệp; Công ty CP Thuốc Thú y Trung ương Vetvaco; triển khai bán cổ phần lần đầu, đăng ký kinh doanh chuyển sang công ty cổ phần đối với Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam; quyết định tiến hành cổ phần hóa đối với Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc và thực hiện sắp xếp lại Công ty TNHH một thành viên Thủy sản Hạ Long.

Về thoái và bán vốn nhà nước đầu tư tại DN: Bộ đặt mục tiêu hoàn thành bán vốn nhà nước tại 2 DN gồm: Tổng công ty Thủy sản Việt Nam - CTCP và Tổng công ty Mía đường II - CTCP; triển khai bán vốn nhà nước tại Công ty CP Thuốc Thú y Trung ương Vetvaco sau khi hoàn thành quyết toán vốn nhà nước lần 2 và Công ty CP Thuốc Thú y Trung ương Navetco theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/co-phan-hoa-vi-sao-cham-cph-cua-nganh-nong-nghiep-con-ngon-ngang.aspx