Cổ phần hóa trở thành nguồn cung lớn nhất cho các thương vụ đầu tư tư nhân

Thực phẩm & đồ uống và Bán lẻ tiếp tục dẫn đầu các ngành hấp dẫn nhất đối với đầu tư tư nhân tại Việt Nam.

Theo Báo cáo Đầu tư tư nhân do hãng tư vấn Grant Thornton mới công bố, 72% ý kiến khảo sát cho rằng mức độ hấp dẫn đầu tư ở Việt Nam là “Hấp dẫn” và “Rất hấp dẫn”, tương tự so với 2016. Tuy nhiên, đánh giá ở mức “Rất hấp dẫn” giảm xuống với chỉ 2% ý kiến tán thành, giảm 7 điểm % so với khảo sát trước.

Đội ngũ lao động dồi dào, chi phí thấp, và sự tăng trưởng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu là các nguyên nhân chủ yếu khiến các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục rót vốn vào Việt Nam.

Tuy vậy, tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn đứng thứ hai về mức độ hấp dẫn, sau Myanmar, với 28% ý kiến đồng tình. Myanmar hấp dẫn nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, lĩnh vực cơ sở hạ tầng đang là trọng điểm, cùng với sự ban hành luật đầu tư mới với nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo khảo sát, 87% các ý kiến dự đoán các hoạt động đầu tư ở Việt Nam sẽ tăng trong vòng 12 tháng tới, nhờ các thỏa thuận tự do thương mại với Hàn Quốc, EU và Nga.

“Mặc dù các nhà đầu tư thất vọng với việc TPP bị phá vỡ, nhưng sức ảnh hưởng có vẻ như không đáng kể”, Grant Thornton chỉ ra.

Nhà đầu tư quan tâm hơn đến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Dù tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giảm mạnh trong năm 2016, nhưng nhờ các văn bản pháp luật Chính phủ mới ban hành, “Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước” vượt lên “Chủ sở hữu tư nhân/Gia đình” trở thành nguồn cung lớn nhất cho các thương vụ đầu tư, với 52% người tham gia khảo sát chọn, báo cáo cho biết.

Cổ phần hóa tạo nhiều cơ hội cho đầu tư tư nhân thâm nhập thị trường Việt Nam trong các lĩnh vực chủ đạo như viễn thông, kinh doanh xăng dầu, cơ sở hạ tầng và bán lẻ.

Báo cáo cũng cho thấy Quỹ đầu tư tư nhân nước ngoài tiếp tục đứng đầu danh sách về cạnh tranh trong các giao dịch mua bán & sáp nhập (M&A), được dự đoán chiếm một nửa các thương vụ trong thời gian tới.

Quỹ đầu tư tư nhân trong nước nhận được 24% số người dự đoán, trong khi đó Nhà đầu tư chiến lược và Thị trường chứng khoán đều tăng, lần lượt là 16% và 9%.

Tiêu dùng nhanh và bán lẻ vẫn hấp dẫn nhất

Khảo sát cho thấy ngành Thực phẩm và đồ uống và Bán lẻ tiếp tục giữ vị trí hai ngành hấp dẫn đầu tư hàng đầu. Ngành Thực phẩm và đồ uống được 53% ý kiến đánh giá là “Rất hấp dẫn”, trong khi đó tỷ lệ này ở ngành “Bán lẻ” là 49%.

Ngành thực phẩm và đồ uống được đánh giá cao và đón nhận dòng vốn đầu tư lớn từ nước ngoài nhờ dân số lớn và sự phát triển nhanh của tầng lớp trung lưu, cùng với ảnh hưởng của văn hóa và lối sống phương Tây.

Ngành Bán lẻ được đánh giá cao nhờ sự phát triển của thương mại điện tử, các chuỗi cửa hàng bán lẻ, kênh phân phối, văn hóa và thói quen mua sắm của khách hàng đang phát triển nhanh chóng. Những ông lớn trong lĩnh vực bán lẻ quốc tế như Emart, AEON, Big C, Lotte và 7-Eleven tham gia vào thị trường Việt Nam qua các hợp đồng nhượng quyền.

Tham nhũng là rào cản lớn nhất

“Tham nhũng” tiếp tục là một rào cản nghiêm trọng gây khó khăn cho giới đầu tư, tương tự như những khảo sát trước. Các nhà đầu tư quan ngại về tình trạng hối lộ, sự can thiệp chính trị, tiền bôi trơn, việc thực thi pháp luật còn yếu cũng như cách giải thích pháp luật còn chưa nhất quán, báo cáo chỉ ra.

Cơ sở hạ tầng vươn lên vị trí thứ hai về mức ảnh hưởng tiêu cực đến việc đầu tư. Số lượng người lựa chọn “Cơ sở hạ tầng” tăng từ 77% đến 85%, tăng 8 điểm % so với kết quả của 2016. Trở ngại về cơ sở hạ tầng ở Việt Nam ảnh hưởng xấu tới môi trường đầu tư đầu tư.

Tiếp đó, Quan liêu/Thủ tục hành chính của chính phủ đứng thứ ba trong số các trở ngại lớn trong đầu tư, tương đồng với kết quả trong khảo sát trước đây.

Minh Tuấn

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su/co-phan-hoa-tro-thanh-nguon-cung-lon-nhat-cho-cac-thuong-vu-dau-tu-tu-nhan-2711236.html