Cổ phần hóa Tập đoàn cao su:Đất vàng, nhạy cảm thì sao?

Cổ phần hóa Tập đoàn Công nghiệp cao su VN là việc hết sức nhạy cảm, chúng ta phải chú ý đến chuyện doanh nghiệp nước ngoài tham gia.

Định giá tài sản phải đúng

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ký quyết định phê duyệt xác định giá trị doanh nghiệp của Tập đoàn Công nghiệp cao su (VRG). Ngay trong tháng này, phương án cổ phần hóa (CPH) VRG sẽ được trình lại lên Chính phủ.

VRG có vốn lớn, quỹ đất lại lên tới 420.000 ha, nằm ở nhiều vị trí chiến lược, trong đó có 300.000 ha trong nước và 120.000 ha ở Lào và Campuchia.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lên kế hoạch cổ phần hóa tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam. Ảnh minh họa

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công Thương cho rằng cổ phần hóa là một chủ trương đúng đắn của Đảng và nhà nước đối với các công ty, doanh nghiệp nhà nước. Dù đã được nhất quán từ lâu nhưng việc thực hiện thời gian qua không được như mong muốn đề ra.

Theo ông Thắng, khi thực hiện CPH ở các doanh nghiệp nhà nước, chúng ta thường mắc phải 4 vấn đề bất cập đáng lưu ý.

Thứ nhất, bỏ qua những tài sản rất giá trị của tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là đất đai, nhà xưởng…

Thứ hai, những giá trị phi vật thể liên quan đến doanh nghiệp không được các cơ quan chức năng tính tới.

Thứ ba, quy định và phân chia các loại cổ phần nhằm đem lại lợi ích cho người biết được thông tin hoặc có quyền, có chức để thu vén.

Cuối cùng, nhiều doanh nghiệp bán cổ phần rất rẻ và sau đó lại tung tiền mua lại của cán bộ, công nhân viên để tập hợp trong tay cổ phần lớn, có giá trị nhằm chi phối.

“Đó là những căn bệnh cố hữu khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước”, ông Thắng khẳng định.

Đối với việc cổ phần hóa Tập đoàn Công nghiệp cao su, ông Thắng cho rằng phải hết sức lưu ý. Bởi lẽ đây là một mặt hàng chiến lược và có thế mạnh của Việt Nam. Nó không chỉ một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực và đối với nền kinh tế nội địa cũng là một trong những mặt hàng đặc biệt quan trọng.

Ngoài ra, Tập đoàn sở hữu một tài sản vô giá là diện tích đất đai rộng lớn, nằm ở vị trí đắc địa ở cả trong và ngoài nước với chất lượng nông nghiệp rất cao.

“Hơn nữa việc cổ phần hóa còn liên quan đến đời sống của nhiều triệu nông dân ở nhiều vùng khác nhau. Do đó việc cổ phần hóa là cần thiết nhưng mà cần phải có được phương án, đặc biệt có sự xác thực của các nhà chuyên môn nhằm tránh thua thiệt tài sản cho nhà nước”, ông Thắng nhấn mạnh.

Ở đây, vị chuyên gia cho rằng phải quan tâm đặc biệt đến vấn đề định giá tài sản của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam. Ở đây, theo ông Thắng, tài sản gồm 2 phần rõ rệt: Tài sản hữu hình (bao gồm đất đai, nhà xưởng, cơ sở chế biến...) và tài sản vô hình (bao gồm mối quan hệ bạn hàng đối với nhiều quốc gia trên thế giới).

“Thông thường việc định giá đất đai rất khó và người ta rất dễ hạ thấp giá trị của nó xuống. Việc làm thế nào để định giá được 1 cách công bằng và tương đối chính xác là cả một vấn đề.

Nó đòi hỏi phải có các bộ phận thẩm tra và đặc biệt phải công khai, minh bạch theo giá trị thị trường khi cổ phần hóa, để cho người dân, các nhà khoa học, những nhà quản lý có thể tham gia phản biện, có thể đóng góp ý kiến sao cho cổ phần được tốt”, ông Thắng nhấn mạnh.

Công khai chuyện nhà đầu tư nước ngoài tham gia CPH

Cũng đưa ý kiến về việc này, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế nhận định, việc cổ phần hóa của tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam là việc hết sức đặc biệt và nhạy cảm.

Theo ông Doanh, những vấn đề liên quan đến đất đai cần phải trình lên chính phủ để xem xét phương án và đưa ra các đánh giá cụ thể.

Chẳng hạn như: nhà đầu tư nào được mua cổ phần, nhà đầu tư nào không được phép? Chủ đầu tư được quyền mua cổ phần ở những công ty nào và công ty nào không được phép?

Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp, công ty có vốn nước ngoài muốn tham gia vào quá trình CPH Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cũng cần phải hết sức lưu ý và tìm hiểu rõ mục đích, động cơ thực sự.

“Đây là những điều rất quan trọng. Việc định giá đất, định giá tài sản, định giá thương hiệu là những vấn đề hết sức nhạy cảm và cần phải có hội đồng độc lập xem xét cẩn trọng.

Chúng ta rất cần các nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư có năng lực và không có cái ẩn ý gì đằng sau dự định đầu tư, không có những tham vọng chiến lược về đất đai, an ninh quốc phòng. Họ phải là những nhà đầu tư thực sự về mặt tài chính. Để làm được như vậy thì cần phải thận trọng về nhiều mặt”, ông Doanh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Tất Thắng thừa nhận nhiều quỹ đất của VRG nằm ở các vị trí nhạy cảm về vấn đề an ninh, quốc phòng, chính trị. Do đó cần phải hết sức lưu ý đến hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp có nguồn vốn nước ngoài trong lĩnh vực này.

“Lâu nay nhiều người e ngại việc 1 số thương nhân Trung Quốc bỏ ra 1 số lượng tiền lớn để mua những khoảng đất vàng, đất liên quan đến an ninh quốc gia. Điều này buộc chúng ta phải tính toán cụ thể và cần phải công khai, minh bạch để người dân, các chuyên gia tham gia và kiểm soát được”, ông Thắng nêu quan điểm.

Nguyễn Hoàn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/co-phan-hoa-tap-doan-cao-sudat-vang-nhay-cam-thi-sao-3343113/