Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Một số bộ, địa phương vẫn chây ì

Báo cáo tình hình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 – 2015 và 9 tháng 2016 đã cho thấy để đạt kết quả khá tích cực, Chính phủ đã rất quyết liệt, linh hoạt, sát sao trong chỉ đạo công tác cổ phần hóa, song còn một số bộ, địa phương vẫn chây ì với nhiệm vụ này.

Có 508 doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa, với tổng giá trị thực tế doanh nghiệp hơn 760.000 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước hơn188.000 tỷ đồng. Tốc độ cổ phần hóa được đẩy nhanh tăng lên từng năm theo cấp số nhân, nếu như năm 2010 chỉ cổ phần hóa được 14 doanh nghiệp thì năm 2014 là 175, năm 2015 là 220 doanh nghiệp. Đặc biệt, kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp năm 2015 đều tăng hơn so với năm trước khi cổ phần hóa: vốn điều lệ tăng 72%, tổng tài sản tăng 39%, vốn chủ sở hữu tăng 60%, doanh thu tăng 29%,lợi nhuận trước thuế tăng 49%...

Đó là những điểm sáng ấn tượng trong báo cáo gửi Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 2 về tình hình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 – 2015 và 9 tháng 2016.

Trong bối cảnh thị trường tài chính , chứng khoán quốc tế thời gian liên tục có nhiều biến động, những khó khăn của kinh tế trong nước đã làm ảnh hưởng đến thị trường tài chính, chứng khoán của nước ta nhưng tốc độ, chất lượng cổ phần hóa nhà nước vẫn đạt được những con số ấn tượng đã cho thấy sự sát sao, quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ trong điều hành cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Sự quyết liệt của Chính phủ thể hiện ở thông điệp:”ai không làm thì đứng sang một bên”, "Thay lãnh đạo doanh nghiệp không thực hiện đúng hoặc thực hiện không có hiệu quả”... Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các DNNN định kỳ hàng tháng phải báo cáo tiến độ thực hiện về Ban chỉ đạo, trong đó nêu cụ thể tình hình, nguyên nhân của việc làm tốt, chưa tốt và chỉ rõ trách nhiệm thuộc về ai.

Sự quyết liệt không chỉ nằm ở chỗ pháp lệnh, chế tài cho các doanh nghiệp cổ phần hóa rốt ráo thực hiện theo kế hoạch mà còn hàng tháng, hàng quý đốc thúc sát sao từng doanh nghiệp, là việc hướng dẫn cụ thể xử lý dứt điểm các tồn tại về tài chính khi cổ phần hóa, hạn chế tối đa khả năng thất thoát vốn và tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, thực hiện phân cấp và quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong cổ phần hóa.

Chính phủ cũng đã ban hành 3 Nghị định, 2 Quyết định về cổ phần hóa, qua đó, tháo gỡ khó khăn kịp thời cho công tác cổ phần hóa. Điều này thể hiện sự linh hoạt, năng động của Chính phủ trong điều chỉnh chính sách cổ phần hóa một cách kịp thời, nhanh chóng, đúng luật. Trong giai đoạn đầu 2010-2013, tốc độ cổ phần hóa chậm lại do các quy định khung, hơi cứng nhắc, Chính phủ đã kịp thời điều chỉnh chính sách cổ phần hóa, cho phép các doanh nghiệp được bán cổ phần theo lô, bán dưới mệnh giá và được phép thỏa thuận với nhà đầu tư chiến lược trong khung khổ pháp luật quy định.

Đây được coi là những chính sách gỡ bỏ, giải tỏa tâm lý trách nhiệm nặng nề khi thoái vốn của các doanh nghiệp. Khơi thông việc bán cổ phần tại các doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, thua lỗ để các doanh nghiệp nhanh chóng tái cấu trúc, thay đổi phương thức quản trị để hoạt động có hiệu quả hơn.

Sự linh hoạt còn thể hiện ở việc tăng số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2010-2015. Theo kế hoạch ban đầu, giai đoạn này sẽ có 432 doanh nghiệp nằm trong danh mục cổ phần hóa nhưng trên chính sách quyết liệt đẩy mạnh cổ phần hóa, giảm số lượng doanh nghiệp nhà nước giữ cổ phần chi phối, chỉ duy trì doanh nghiệp nhà nước trong những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế và các lĩnh vực mà doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân không tham gia, Chính phủ đã điều chỉnh tăng thêm lên thành hơn 500 doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa giai đoạn 2010-2015.

Cùng với những điểm sáng, Báo cáo của Chính phủ cũng đã thẳng thắn chỉ ra những điểm còn tồn tại của công tác cổ phần hóa. Đó là tư tưởng ”chây ỳ” của một số một số Bộ, địa phương, muốn giữ doanh nghiệp nhà nước ”làm của riêng”, là tỷ lệ vốn Nhà nước ở các công ty cổ phần còn cao do lượng cổ phần chào bán ra công chúng đạt thấp so với phương án cổ phần hóa doanh nghiệp, là số lượng doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối khi cổ phần hóa còn lớn...

Từ việc nhìn thẳng vào hạn chế, phát huy kết quả đạt được và tinh thần của một Chính phủ nhiệm kỳ mới ”kiến tạo, hành động, liêm chính”, công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020 được chờ đợi sẽ có những bước đột phá mới, đạt kết quả cao, như mong đợi của cử tri, nhân dân cả nước.

Hữu Tuấn

Nguồn Đầu Tư: http://baodautu.vn/co-phan-hoa-doanh-nghiep-nha-nuoc-mot-so-bo-dia-phuong-van-chay-i-d53612.html