Cổ phần hóa doanh nghiệp: Đảm bảo tối đa giá trị của Nhà nước

Tính đến hết tháng 8/2016 cả nước đã cổ phần hóa hơn 500 doanh nghiệp (bằng trên 92% so với giai đoạn 2011 – 2015). Về mặt số lượng cơ bản đã đạt được mục tiêu.

Tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Đồng thời, chủ trương bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Sabeco, Habeco... thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ.

Cổ phần hóa doanh nghiệp: Đảm bảo tối đa giá trị của Nhà nước. Ảnh: TTXVN

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiêp (Bộ Tài chính) đã trao đổi với BNEWS về những vấn đề này.

BNEWS: Ông đánh giá thế nào về tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian vừa qua?

Ông Đặng Quyết Tiến: Tính đến hết tháng 8/2016 cả nước đã cổ phần hóa hơn 500 doanh nghiệp (bằng trên 92% so với giai đoạn 2011 – 2015). Về mặt số lượng cơ bản đã đạt được mục tiêu.

Tuy nhiên, chưa thay đổi được “chất” trong tiến trình cổ phần hóa . Cụ thể, các doanh nghiệp sau cổ phần hóa chưa thay đổi được quản trị cơ bản.

Việc thoái vốn, thu hẹp lại những khu vực tham gia của nhà nước để giải phóng nguồn lực cho các khu vực liên doanh phát triển chưa hiệu quả, biểu hiện qua nhiều dự án cổ phần hóa sau khi bán đấu giá không thu lại được tỷ lệ yêu cầu tức là không bán được hết vốn nhà nước.

Trong quá trình sắp xếp cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn có sự đồng thuận từ Đảng, Nhà nước, người dân và cả xã hội; hệ thống thể chế cơ bản cũng được hoàn thiện.

Tuy nhiên, cùng với thuận lợi, quá trình sắp xếp cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn những khó khăn cần giải quyết.

Trước hết, về khách quan, suy giảm kinh tế thế giới, cũng như những khó khăn nội tại của nền kinh tế Việt Nam chưa hồi phục như giai đoạn trước dẫn đến sức cầu của thị trường chưa cao.

Ngoài ra, các doanh nghiệp hiện được cổ phần hóa là những doanh nghiệp lớn và có quy mô phức tạp nên việc chuẩn bị mang tính kỹ thuật từ xử lý tài chính, chọn tư vấn, xây dựng phương án, bán cổ phần chưa chuẩn bị tốt mặc dù thể chế đã có.

Một nguyên nhân nữa khiến cho việc cổ phần hóa còn gặp khó khăn là sự quyết tâm từ các lãnh đạo doanh nghiệp, sự quyết liệt của các bộ, ngành.

Trong thời gian vừa qua chúng tôi vẫn phải nhắc nhiều, một số Bộ ngành đặc biệt là các doanh nghiệp khi vẫn còn lưỡng lự trong quá trình cổ phần hóa, tâm lý lo sợ sau cổ phần hóa các doanh nghiệp mà nhà nước không còn nắm giữ thì vị trí lãnh đạo có thể bị thay đổi.

BNEWS: Có một số ý kiến cho rằng cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước hiện vẫn rất chậm chạp. Theo ông, cần có biện pháp gì để đẩy nhanh tiến trình này?

Ông Đặng Quyết Tiến: Chúng tôi cho rằng phải căn cứ vào những hạn chế để đề ra các giải pháp. Nhưng điều quan trọng nhất là quyết tâm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về tiến hành sắp xếp, thoái vốn, đầu tư ngoài ngành.

Vấn đề thoái vốn theo thị trường và thoái vốn sau niêm yết đã có quy định. Việc đầu tiên là phải thực hiện các quy định pháp luật đã có, sau nữa phải đổi mới trong cách tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp còn lại.

Việc này bao gồm tổ chức hướng dẫn cho các doanh nghiệp rõ hơn trong lựa chọn tư vấn xác định doanh nghiệp (vì tư vấn là một trong những vấn đề xác định sự thành công của cổ phần hóa) hay phải thực hiện được việc đấu giá công khai, minh bạch và có sự cạnh tranh trên thị trường.

Đồng thời đổi mới và thu hút nhà đầu tư theo hướng mở rộng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thực ra các cơ chế đều đã có nhưng khâu tổ chức thực hiện còn lúng túng do vậy ngoài việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, tuyên truyền quán triệt và giao trách nhiệm cho người đứng đầu các doanh nghiệp, các Bộ, ngành thì phải chấp nhận thực hiện theo khuynh hướng thị trường, cạnh tranh, minh bạch và công khai để đảm bảo chống lại lợi ích nhóm và kiên quyết chống lại việc lợi dụng cổ phần hóa để bán rẻ vốn nhà nước và cuối cùng quan trọng nhất là phải có lộ trình phù hợp.

Việc thoái vốn doanh nghiệp lớn là nguồn lực của quốc gia nên cần có trình tự phù hợp, có bước đi thích hợp để đảm bảo tối đa hóa giá trị của nhà nước bảo vệ lợi ích của người dân, nhưng cũng chống được việc tiêu cực và tham nhũng trong vấn đề này.

BNEWS: Chính phủ mới đây đã thông báo kế hoạch bán 10 doanh nghiệp nhà nước do SCIC quản lý; trong đó có các doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Habeco và Sabeco... Xin ông cho biết, kế hoạch này sẽ được thực hiện như thế nào?

Ông Đặng Quyết Tiến: Việc Nhà nước rút lui ra khỏi lĩnh vực không cần nắm giữ mà các thành phần kinh tế khác có thể làm tốt hơn là thực hiện chủ trương, đường lối, nhằm tái cơ cấu doanh nghiệp hiệu quả hơn.

Nguồn thu từ thoái vốn các doanh nghiệp này đã được Quốc hội thông qua, là sẽ sử dụng một phần nguồn thu để cân đối ngân sách tập trung đầu tư phát triển; trong đó tập trung vào hỗ trợ đầu tư các công trình về an sinh xã hội như các bệnh viện tuyến trọng điểm; hỗ trợ đầu tư cho các chương trình nông thôn mới; biến đổi khí hậu.

Đây là những lĩnh vực cần thực hiện nhưng không tạo ra lợi nhuận nên ít doanh nghiệp tham gia, do đó Nhà nước sẽ sử dụng nguồn vốn này để hỗ trợ phát triển trong giai đoạn ngân sách đang hạn chế như hiện nay.

Để triển khai vấn đề này Chính phủ đã họp, có chỉ đạo đảm bảo nguyên tắc thực thi đúng pháp luật, công khai minh bạch, đấu giá cạnh tranh, phải thu hút được các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước và tối đa hóa lợi ích Nhà nước, bán phải có giá trị gia tăng lớn.

Bộ Tài chính được giao là giám sát Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để thực hiện việc thoái vốn Vinamilk và 9 doanh nghiệp khác thuộc danh mục đầu tư của SCIC, hiện nay Chính phủ đã giao SCIC triển khai và Bộ Tài chính giám sát.

Chúng tôi đang đôn đốc SCIC, các đồng chí Chủ tịch và ban điều hành đang xây dựng phương án để đảm bảo làm sao phải chọn được nhà tư vấn công khai để tiến hành định giá lại giá trị vốn trước đây và tiến hành công khai minh bạch thông tin thu hút các nhà đầu tư vào việc thoái vốn này nhằm đảm bảo giá trị gia tăng lớn nhất; xác định giá trị doanh nghiệp, xác định ra giá bán chỉ là một yếu tố vì còn có giá trị giao dịch.

Ở đây quá trình này cần phải phản ánh được thực chất tất cả những yếu tố trên thị trường là một kênh tham khảo để Nhà nước quyết định mức giá bán hợp lý những quan trọng là tổ chức đấu giá công khai theo thị trường.

BNEWS: Theo ông việc thoái vốn cần phải được thực hiện như thế nào để thị trường có thể hấp thụ được trong khi phải đạt yêu cầu tối đa lợi ích Nhà nước như chỉ đạo?

Ông Đặng Quyết Tiến: Đây là những doanh nghiệp hiệu quả nếu bán ra thị trường thì có thể coi là món hàng rất tốt, được mọi người quan tâm và đổ xô đi mua như Vinamilk giá trị vốn hóa lên tới gần 240 nghìn tỷ, trong đó vốn nhà nước chiếm gần một nửa.

Nếu bán một lần hay bán không khéo thì sẽ đẩy thị trường lên quá nóng. Ngược lại có những sản phẩm, doanh nghiệp có thể bây giờ chưa tốt nhưng cần bán ra để đảm bảo tiến trình cổ phần hóa nói chung.

Do vậy, chúng ta phải lên lộ trình và phương án bán sao cho hiệu quả. Chính phủ rất thận trọng, giao cho các Bộ và SCIC để xây dựng lộ trình đảm bảo an toàn thị trường, phát triển bền vững không nóng quá nhưng vẫn khiến các sản phẩm này hấp dẫn được các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia một cách đều đặn.

Chúng tôi cho rằng có thể chia nhiều đợt nhưng cũng không nhất thiết, điều này phụ thuộc theo thị trường, nếu thị trường hấp thụ được tốt có thể bán tiếp ngay.

Nhưng phải làm thận trọng vì đây là lần đầu tiên bán doanh nghiệp lớn mà bán theo hướng công khai trên thị trường qua đấu giá thì phải làm sao cho thận trọng và theo hướng thị trường.

BNEWS: Xin cảm ơn ông!

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/co-phan-hoa-doanh-nghiep-da-m-ba-o-to-i-da-gia-tri-cu-a-nha-nuo-c/24966.html