'Cổ phần hóa chậm vì muốn làm ông chủ giả'

Cổ phần hóa được ví như làm lại một cái nhà to đẹp hơn, nhưng có những doanh nghiệp khi bán vốn Nhà nước lại làm cho cái nhà xấu đi...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Chúng ta không cổ phần hóa bằng mọi giá, không phải Nhà nước bán hết để tư nhân chi phối”.

“Trong quá trình cổ phần hóa, sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước cần phải trả lời thẳng, trực tiếp là làm sao không để xảy ra thất thoát tài sản Nhà nước, nhất là vấn đề đất đai ở những vị trí thuận lợi khi cổ phần hóa doanh nghiệp, gồm cả các đơn vị ở khối công an, quân đội”.

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị toàn quốc về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016-2020, diễn ra chiều 6/12.

Chỉ còn 718 doanh nghiệp Nhà nước

Báo cáo tại hội nghị, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ kiêm Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Lê Mạnh Hà cho hay, đến nay đã sắp xếp được 591 doanh nghiệp, đạt 96% kế hoạch về số lượng, trong đó, cổ phần hóa 499 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất 48 doanh nghiệp, giải thể 17 doanh nghiệp, phá sản 8 doanh nghiệp, bán, giao 10 doanh nghiệp, chuyển thành công ty TNHH nhiều thành viên 8 doanh nghiệp.

Với kết quả sắp xếp 5 năm qua đã nâng tổng số doanh nghiệp Nhà nước đã sắp xếp từ trước tới nay là 5.950 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa là 4.460 doanh nghiệp. Nếu tính thêm số doanh nghiệp sắp xếp trong 10 tháng đầu năm 2016 là 60 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa là 48 doanh nghiệp thì đến nay tổng số doanh nghiệp Nhà nước sắp xếp lại là 6.010 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 4.508 doanh nghiệp.

Như vậy, sau 15 năm (từ 2001), từ chỗ cả nước có khoảng 6.000 doanh nghiệp Nhà nước, dàn trải trên 60 ngành, lĩnh vực, đến năm 2011 có 1.369 doanh nghiệp Nhà nước thì đến hết tháng 10 năm 2016 chỉ còn 718 doanh nghiệp, tập trung vào 19 ngành, lĩnh vực.

Đại bộ phận doanh nghiệp Nhà nước có quy mô vừa và lớn, giảm nhiều về số lượng nhưng năng lực và quy mô tăng lên. Mặc dù số lượng chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong khu vực doanh nghiệp (khoảng 0,67%) nhưng doanh nghiệp Nhà nước vẫn nộp ngân sách đáng kể, đóng góp lớn nhất vào GDP cả nước với 28,8%, so với ngoài Nhà nước 11,8%, khối FDI 17,9%.

Tuy nhiên, việc thoái vốn Nhà nước vẫn gặp không ít khó khăn, trong đó việc thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành kinh doanh mới đạt 42% kế hoạch, gặp rất nhiều khó khăn do thị trường không thuận lợi, việc thoái vốn trong lĩnh vực ngân hàng còn phụ thuộc vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.

Một số bộ, ngành, địa phương chưa tích cực, chủ động, chưa quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước.

Đặc biệt, dù giảm mạnh về số lượng song số cổ phần bán ra thị trường mới đạt 8% tổng vốn Nhà nước nắm giữ tại các doanh nghiệp.

Làm thất thoát phải xử lý

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cổ phần hóa trước hết nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch, có sự giám sát chặt sẽ, có tính cạnh tranh cao cả đầu vào và đầu ra, có động lực để thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.

Cùng với đó, khi tiến hành cổ phần hóa, quy mô khu vực kinh tế Nhà nước nhỏ đi, nhưng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước phải cao hơn, vốn Nhà nước phải được bảo toàn và phát huy giá trị tốt hơn.

“Chúng ta không cổ phần hóa bằng mọi giá, không phải Nhà nước bán hết để tư nhân chi phối. Lĩnh vực nào cần có vai trò của Nhà nước như năng lượng, ngân hàng, các thủy điện quan trọng... thì tính toán lại để quản lý cho hiệu quả, còn lại thì rút vốn ra, tạo điều kiện để tư nhân hoạt động...”, Thủ tướng nói.

Trong giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng nêu các nhóm nhiệm vụ cơ bản: Phải xác định rõ lĩnh vực nào Nhà nước cần nắm giữ, lĩnh vực còn lại thì rút vốn theo tỉ lệ phù hợp; sớm xác định danh mục doanh nghiệp với tỷ lệ giữ vốn cụ thể; lành mạnh hóa hoạt động doanh nghiệp, xóa bỏ mọi rào cản trong quá trình cổ phần hóa.

Thủ tướng nhấn mạnh việc giao trách nhiệm cụ thể cho cá nhân lãnh đạo từng bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong thực hiện cổ phần hóa với phương châm bộ nào, địa phương nào, doanh nghiệp nào “làm chậm, làm thất thoát thì phải xử lý, đồng chí nào không làm thì phải thay đổi”.

“Danh sách xếp loại doanh nghiệp Nhà nước đã ở trên tay nhưng tôi chưa ký chính vì cần phải thống nhất: Những doanh nghiệp nào cần thoái vốn toàn bộ, những doanh nghiệp nào cần chi phối và nếu cần nắm giữ thì ở tỷ lệ bao nhiêu phần trăm?”, Thủ tướng cho hay.

Đề cập tới chuyện cá nhân lãnh đạo nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cố tình “giữ khư khư không chịu nhả, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu truy trách nhiệm của người đứng đầu “trây ỳ”, cố tình không cổ phần hóa doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, có những vấn đề về việc bán vốn dưới mệnh giá, bán theo lô, chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa, việc công khai minh bạch đảm bảo chặt chẽ trong quá trình bán vốn... cũng là những vấn đề được Thủ tướng đặt ra.

Cổ phần hóa chậm vì muốn làm “ông chủ giả”
Theo Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam Trần Quang Nghị, tiến độ và hiệu quả cổ phần hóa chịu ảnh hưởng không nhỏ đến thái độ và trách nhiệm của người lãnh đạo doanh nghiệp.

Theo ông, việc cổ phần hóa chậm là do tâm lý người đứng đầu doanh nghiệp Nhà nước muốn “làm ông chủ giả”, xài vốn Nhà nước,... khỏe hơn ông chủ thật bỏ tiền ra để kinh doanh", bởi chỉ cần bảo toàn vốn là được. Do vậy không cần phải đẩy nhanh cổ phần hóa để “chiến đấu” với thương trường...

Lãnh đạo Tập đoàn Dệt may cho rằng khi tiến hành cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, nếu cổ phần hóa từ công ty mẹ trước, công ty con sau tiến độ sẽ nhanh hơn... Tuy nhiên, khi bán phải xác định rõ các nhà đầu tư chiến lược, tâm huyết với ngành, phải đầu tư bằng cả khối óc và trái tim, không đầu tư lướt sóng,... có vậy doanh nghiệp sau cổ phần hóa mới phát triển bền vững và bảo vệ quyền lợi của người lao động.

“Khi bán một cái nhà, phải chống thấm, chống dột, chỉnh trang để cái nhà đẹp hơn và bán được với giá cao nhất. Tuy nhiên, thực tiễn lại có doanh nghiệp khi bán lại “làm cái nhà xấu đi” để bán giá thấp cho nhóm lợi ích... Do vậy cần có sự giám sát chặt chẽ, hợp lý để bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước khi bán cổ phần”, ông Nghị ví von.

Mặt khác, cần tạo cơ chế chính sách mới để doanh nghiệp “bớt báo cáo”, “chạy với tốc độ cao hơn nữa” trong quá trình cổ phần hóa...

Trong khi đó, đại diện Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) lại kiến nghị về tạo lập môi trường để doanh nghiệp Nhà nước hoạt động kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, cho phép doanh nghiệp Nhà nước được làm những việc mà pháp luật không cấm.

Cùng với đó, khi IPO lần đầu, cần bán lượng cổ phần đủ lớn để thu hút cổ đông chiến lược, qua đó có thể thay đổi cơ cấu quản trị của doanh nghiêp. Sau cổ phần hóa, doanh nghiệp cần nhanh chóng niêm yết, giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán,...

Đại diện SCIC cũng đề nghị cần có quy trình hiệu quả để bảo đảm lựa chọn được người đủ năng lực, phẩm chất,... để lãnh đạo, vận hành hiệu quả doanh nghiệp.

Về định hướng cổ phần hóa, lãnh đạo Chính phủ cho biết, mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020, Chính phủ xác định, doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn và cổ phần chi phối chỉ duy trì trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; địa bàn quan trọng và quốc phòng an ninh; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.

Ngươc lại, doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn hoặc cổ phần chi phối phải thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước theo cơ chế thị trường; bảo đảm công khai, minh bạch, có hiệu quả, tránh thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.

Qua đó, thực hiện xã hội hóa và phân bổ lại theo cơ chế thị trường các nguồn lực của Nhà nước về nhân lực, đất đai, tài nguyên, các yếu tố về độc quyền tự nhiên và lợi thế khác để tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp tư nhân, tạo động lực và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Bảo Quyên

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/thoi-su/co-phan-hoa-cham-vi-muon-lam-ong-chu-gia-20161206081140356.htm