Có nên cho trẻ dùng thực phẩm bổ sung?

Cần tuân thủ nguyên tắc dinh dưỡng hợp lý và đa dạng, phong phú nhiều loại thực phẩm.

Hiện nay trên thị trường thực phẩm, dược phẩm có rất nhiều loại thức ăn - thực phẩm chức năng, thuốc bổ dành cho trẻ em được bày bán công khai ở dạng thực phẩm như các loại kẹo, cốm, bánh,... với lời giới thiệu rất hấp dẫn. Một số cha mẹ thấy con mình biếng ăn, nghĩ là thực phẩm bổ sung có khả năng thay thế cho bữa ăn thông thường, thế là cứ cho con ăn thường xuyên. Thậm chí có người nhờ gửi từ nước ngoài về những hộp kẹo bổ sung dinh dưỡng, rồi cho con ăn suốt, thay cơm. Hậu quả là bé càng biếng ăn nhiều hơn và sụt cân “không hồi phục” vì thiếu năng lượng và dưỡng chất.

Thực phẩm tự nhiên khác thực phẩm bổ sung

Có thể tạm thời phân biệt thực phẩm thiên nhiên là cơm, trứng, thịt, rau quả và tạm gọi một nhóm thực phẩm bổ sung dinh dưỡng là thực phẩm công nghiệp được bổ sung thêm một số thành phần dinh dưỡng như chất canxi, sắt, DHA, vitamin, chất xơ... Các thực phẩm dạng này hiện đang có trên thị trường là bánh quy bổ sung canxi, muối iốt, nước mắm bổ sung sắt, dầu ăn DHA, đường cát vitamin A, kẹo ngậm bổ sung vitamin, nước uống bổ sung chất xơ,… hoặc cũng có thể là thực phẩm chức năng dạng viên thuốc bổ sung vitamin, khoáng chất, chất xơ, dược phẩm thảo dược,…

Cần hiểu rõ về thực phẩm chức năng để sử dụng một cách hợp lý, tăng cường sức khỏe cho trẻ nhỏ. Trong ảnh: Giới thiệu sản phẩm tại hội chợ dinh dưỡng TP.HCM. Ảnh: HTD

Phân biệt như vậy mới thấy rõ ràng là thực phẩm chức năng bổ sung dưỡng chất không thể thay thế hoàn toàn cho các thực phẩm tự nhiên trong bữa ăn hằng ngày.

Chỉ dùng cho bữa phụ

Khi nói bổ sung dinh dưỡng tức là nói đến việc hỗ trợ thêm cho chế độ dinh dưỡng chính khi nghi ngờ bữa chính không đủ lượng hoặc chất. Các thực phẩm bổ sung dinh dưỡng này chỉ có thể là bữa ăn phụ thêm vào sau bữa chính hoặc tạm thay một bữa chính hoặc là bữa phụ riêng xen kẽ các cữ chính như giữa giờ sáng hoặc giữa giờ chiều, bữa khuya trước ngủ...

Việc dùng “lặt vặt” những thực phẩm có chất đường như bánh, kẹo, cốm, nước ngọt… có thể làm tăng đường huyết tạo cảm giác no và làm bé bỏ ăn hay ăn ít khi vào bữa chính và cuối cùng thì càng thiếu dinh dưỡng hơn nữa. Như vậy, thời điểm phù hợp nhất để sử dụng thực phẩm bổ sung dinh dưỡng như bánh kẹo là ngay sau bữa ăn chính hoặc trong bữa ăn phụ với nhiều món khác.

Việc sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung dinh dưỡng cho bữa ăn hằng ngày đang là một xu hướng mới ngày càng phát triển trong tương lai. Hiểu rõ về lợi ích của việc bổ sung, hỗ trợ dinh dưỡng này là cần thiết đặc biệt cho trẻ em là lứa tuổi cần nhiều dinh dưỡng để tăng trưởng thể chất và trí tuệ. Tuy nhiên, nếu hiểu sai và cách sử dụng không đúng thì hại có thể nhiều hơn lợi. Cần tuân thủ nguyên tắc dinh dưỡng hợp lý và đa dạng, phong phú nhiều loại thực phẩm sẽ mang lại nhiều chất dinh dưỡng hơn, phòng, chống nạn thiếu vi chất dinh dưỡng mà còn không bị nhàm chán hay đơn điệu thức ăn nữa.

Các dạng kẹo ngậm nên dùng như là thuốc với số lượng vừa đủ cho nhu cầu hằng ngày về chất dinh dưỡng bổ sung cho trẻ em. Ví dụ, vitamin C mỗi ngày chỉ cung cấp 100-200 mg là tối đa, canxi thì khoảng 500-750 mg/ngày, vitamin A tối đa 5000 UI,… Dùng vượt quá liều lượng khuyến cáo cần thiết có thể gây ngộ độc.

Các loại gia vị như muối, đường, nước mắm… thì chỉ nên ăn vừa đủ để nêm nếm thành món ăn ngon, không nên dùng quá nhiều đều không có lợi cho sức khỏe. Ăn mặn nhiều muối (trên 10 g/ngày) thì dễ bị tăng huyết áp. Ăn quá nhiều đường tinh (trên 20 mg/ngày) sẽ dễ bị thừa cân béo phì, các bệnh thoái hóa mạch máu, mau già…

BS ĐÀO THỊ YẾN THỦY, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20120617104040419p1060c1104/co-nen-cho-tre-dung-thuc-pham-bo-sung.htm