Có một nghĩa trang ấm áp tình người

Lòng dân Viêm Tây

Lòng dân Viêm Tây

Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) là nghĩa trang cấp quốc gia rộng 3 ha, hiện có 5.620 mộ liệt sĩ trong đó 1.600 mộ không có tên, 125 Bà mẹ VNAH và 37 lão thành cách mạng. Để có diện mạo khang trang hôm nay có sự chung tay góp sức của toàn xã hội mà trước hết là nhân dân làng Viêm Tây, xã Điện Thắng. Ông Phan Văn Hóa, quản trang, nhớ lại: "Sau chiến tranh, Điện Bàn có hơn 19.800 liệt sĩ, nhiều nhất nước. Do vậy cần phải có một nghĩa trang để quy tập, tri ân và tôn vinh với người đã ngã xuống vì đất nước là điều không thể chậm trễ. Vị trí đắc địa được chọn là nghĩa địa gia tộc của các hộ làng Viêm Tây. Sau giải phóng chừng hai năm, huyện vận động nhân dân di dời mồ mả người thân xuống hai xã Điện Nam, Điện Ngọc (nay là phường) để lấy khu đất này xây nghĩa trang liệt sĩ. Người dân Điện Thắng lâu nay một lòng theo cách mạng, nay được kêu gọi sẵn sàng chung tay vì việc nghĩa. Nhà nhà cất bốc rất nhanh, không cần bất cứ sự đền bù hay hỗ trợ nào trong khi di dời mồ mả xa như vậy". Năm 1980, huyện bắt đầu xây dựng nghĩa trang. Khu vực 8 xã vùng ven là Điện Thắng, Điện An, Điện Hòa, Điện Hồng, Điện Phước, Điện Minh, Điện Phương và thị trấn Vĩnh Điện cất bốc liệt sĩ vào đây. Các địa phương khác đưa vào nghĩa trang của từng xã. Từ 1981-1983, công tác quy tập được tiến hành đồng loạt. Sau năm 1989, khi kết thúc cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia thì có đợt quy tập đông đảo lần thứ hai với 125 hài cốt người con Điện Bàn được đưa về. Năm 2004, tiếp tục đưa 35 hài cốt về từ Nghĩa trang Đức Cơ (Gia Lai). Lúc đầu các mộ chỉ đắp bằng đất và khoảng cách rất chật hẹp. Năm 2002, lần nâng cấp đầu tiên đã làm cho nơi đây có gương mặt mới khang trang. Các khu mộ đều được xây rộng, tôn cao, có phủ đá mài. Từ đó đến nay, hàng chục tỷ đồng từ Nhà nước đã được đầu tư cho Nghĩa trang, trong đó Ngân hàng VietinBank hỗ trợ 6,2 tỷ đồng xây dựng 2 nhà bia tưởng niệm, ốp đá tượng đài, cải tạo lại các phần mộ, làm mới khuôn viên, tường bao và nhiều hạng mục khác.

Trong nghĩa trang, Nhà lưu niệm anh hùng Nguyễn Văn Trỗi chiếm vị trí trang trọng. Được xây dựng từ năm 1994 từ sự đóng góp kinh phí của đoàn viên thanh niên toàn tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng (cũ), và tiếp tục được sửa chữa, nâng cấp lại vào năm 2012 với số tiền 5,3 tỷ đồng của tuổi trẻ cả nước, Nhà lưu niệm đã trở thành nơi giáo dục truyền thống thiêng liêng. Mới đây nhất, nhân 50 năm ngày anh Trỗi hy sinh (16-4-2014), lễ tưởng niệm đã diễn ra trang trọng. Cổng lúc nào cũng mở nên nhiều đoàn xe ra Bắc vào Nam đã dừng lại vào viếng. Nhiều đoàn có cả trăm người. Có khi đến nửa đêm, họ vòng ra phía sau gọi anh Hưng (người trông coi Nhà lưu niệm) thức dậy để mở cửa thắp hương, dâng hoa. Nhiều hoạt động tuổi trẻ của huyện mừng ngày thành lập Đoàn cũng diễn ra sôi nổi tại đây và đều báo công với người anh hùng.

Một góc Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn.

Một góc Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn.

Chuyện đi tìm mộ liệt sĩ

Trong Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn, mộ Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ, người có 9 người con, một rể và 2 cháu ngoại là liệt sĩ, được chôn ở vị trí trang trọng. Còn nhớ tháng 12-2010, khi mẹ qua đời, cả nghĩa trang kín người đưa tiễn. Nơi đây còn có rất nhiều người nổi tiếng khác quê Điện Bàn làm rạng rỡ quê hương. Đó là Trần Thị Lý "Người con gái Việt Nam" trong thơ Tố Hữu, đồng chí Cao Sơn Pháo, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam- Đà Nẵng mà cuộc đời là khúc tráng ca... Tính ra có 13 Anh hùng LLVTND đã được chôn cất ở đây. Với các văn nghệ sĩ, họ luôn tìm về Điện Bàn viếng đồng đội của mình hy sinh anh dũng trong chống Mỹ, cứu nước. Cách đây 2 năm, ca sĩ Thu Phương đã dẫn tốp 4 thí sinh Giọng hát Việt vào Nghĩa trang thắp hương cho các liệt sĩ, cảm nhận được sự hy sinh của thế hệ đi trước từ đó thêm cảm xúc trong biểu diễn, nhất là những ca khúc cách mạng. Quản trang Phan Văn Hóa lấy trong tủ lưu trữ thẻ quản lý mộ chí. Chỉ với tấm thẻ nhỏ nhắn này cùng với sơ đồ, bất cứ ai đến đây đều có thể dễ dàng tìm kiếm mộ thân nhân của mình. Ông Hóa kể rằng, có rất nhiều người đi tìm liệt sĩ được ông chỉ dẫn tận tình. Những năm trước, khi còn khỏe, ông đã đến tất cả nghĩa trang các xã của huyện ghi chép đầy đủ tên tuổi liệt sĩ. Vì vậy ai đến hỏi ông đều có thể giới thiệu họ về đúng nơi cần tìm. Mới đây có một thân nhân quê Tiên Lãng, Hải Phòng tìm liệt sĩ hy sinh ở Điện Trung, ông đã hướng dẫn về xã và hài cốt đã được đưa về quê hương. Ông Hóa kể: "Có một gia đình miền núi ở Thanh Hóa nói họ đã bán cặp trâu để thực hiện hành trình tìm người thân. Họ ăn, nghỉ luôn tại nhà lưu trữ hồ sơ của nghĩa trang đến 4 ngày. Tìm không được, cùng lúc tiền cũng cạn. Tôi cho họ mượn vài trăm ngàn đồng về xe. Nhưng có lẽ khó khăn quá, họ chưa quay trở lại. Cứ nhìn đôi dép người cha chiếc đỏ, chiếc xanh mà thấy chạnh lòng...". Ba năm trở lại đây, Đề án 1237 của Chính phủ đã tạo điều kiện quy tập được nhiều hài cốt liệt sĩ ở vị trí khó khăn, tốn kém kinh phí. Tiêu biểu là trường hợp đồng chí Phạm Nghiện, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy trong kháng chiến chống Pháp. Nhiều liệt sĩ làm nhiệm vụ ở chiến trường K lâu nay chôn cất ở Quân khu 7, 9 cũng lần lượt được đồng đội đưa về nghĩa trang này. Tháng 9- 2016, cán bộ, nhân dân trên địa bàn đã xúc động chứng kiến lễ an táng 8 hài cốt liệt sĩ là bộ đội và du kích bị địch bắt giam ở nhà lao Điện Bàn sau đó bị xử bắn tại xã Điện Phước, có tên nhưng không xác định được từng vị trí phần mộ. 64 năm qua, các liệt sĩ vẫn lặng lẽ ở bìa rừng cho mãi đến hôm nay. Sau khi đưa vào Nghĩa trang liệt sĩ thị xã, cơ quan chức năng tiếp tục lấy mẫu từng thân nhân để kiểm tra ADN nhằm xác định được danh tính của các liệt sĩ.

Dưới bóng dừa xanh mát và những thảm cỏ tươi non; nhà bia, nhà chuông kiểu dáng cổ kính, Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn ngày càng trở thành điểm đến ý nghĩa không chỉ của thân nhân, đồng đội của liệt sĩ mà còn là địa chỉ đỏ quen thuộc của thanh niên Điện Bàn và cả nước.

Hồng Vân

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_167546_co-mo-t-nghi-a-trang-a-m-a-p-ti-nh-nguo-i.aspx