Cỏ may trong gió heo may

Mùa này chỉ có bờ đê sông Hồng, cỏ may đang tím biếc rạp đi trong gió, những người chạy chợ rau vẫn thấy se lạnh của sớm mai, dìu dịu gió heo may. Heo may của mùa thu đã về.

Thoắt đó mà hơn hai mươi năm, chị cả Liễn chiều nào đó bán nốt vạt ruộng cà chua, mua cho con gái tấm áo mới. Mùa đỗ đỏ năm đó cũng bán được, sau bão chị mua cái cặp mới cho con. Bộ quần áo và chiếc cặp là ước mơ của đứa trẻ có mẹ chạy chợ rau qua ngày. Mùa rau bí bán bí, mùa ngô hạt đỏ bán ngô. Đã chạy chợ thì gặp gì cũng mua vào bán ra trong sớm mai. Chị Liễn cứ te tái trên đôi quang gánh từ bãi giữa sông Hồng ra chợ Yên Phụ, chợ cóc ven sông, và khi hết hàng thì nắng phủ hết mặt sông Hồng ở cái khúc giữa của cây cầu Long Biên cũng như se lại vì heo may.

Cái bãi sỏi ngày xưa hoang vu, nhớ cậu Lưu lưng không gù nhưng cổ ngắn, đội sỏi nặng ở bến sông quanh năm nên cổ lại càng ngắn lại, mọi người vẫn gọi chệch tên cậu sang cái tên Lưu cồ. Lưu cồ có vợ bán bún ốc chợ Âm Phủ, rồi xóa chợ Âm Phủ, lại về chợ Yên Phụ bán bún đậu mắm tôm, nuôi con học võ đai đen, rồi mở mày mở mặt vì ngôi nhà trong ngõ mở đường. Nhà cậu bỗng dưng ra mặt phố. Vợ cậu, có nhà mới đổi đời, đi học nghề làm tóc để rẽ sang làm thợ cắt tóc kiêm cả mát xa mặt, sơn sửa móng tay. Lưu cồ không đội sỏi thì đi trông xe máy ở chợ bãi sông. Thi thoảng vẫn ra bờ đê hóng gió, có hôm gặp thuyền trên sông mua được con chim họa mi về cho ăn và dạy hót cho vui cửa vui nhà. Hôm gặp cậu Lưu cồ, chị Liễn vừa đưa con đi học về, cỏ may bấu đầy gấu quần hoa, cậu Lưu cồ bế đứa con gái, ngồi gỡ xong cỏ may trên chiếc quần hoa của con bé rồi mới cho chị đưa con bé về. Cậu còn cho con bé cả nắm cỏ gà chơi chọi dế.

Cứ ngỡ hạnh phúc gần gụi như gió heo may trên cỏ may, ngày xưa đạm bạc thế mà ấm áp thế. Ai dè chị Liễn bán rau lại chép miệng. Đổi đời nhờ có nhà mặt đường, cho dù cô vợ có đổi nghề, tiền bạc có khá lên thì cái nghề mát xa mặt, cắt tóc ngắn, lại đổi mất hạnh phúc của Lưu cồ. Lưu cồ cổ rụt bao năm chăm bẵm cho gia đình hóa ra mất vợ vì cái nghề mát xa mặt của vợ. Bây giờ Lưu cồ bỏ vợ, bỏ nhà, tìm về quê ở Hưng Yên, nghe nói cậu Lưu ngồi viết sớ ở chùa quê. Không ngờ Lưu cồ còn biết viết chữ Nho. Đứa con trai trưởng thành, thành thầy giáo dạy võ, thi thoảng ghé qua thăm bố. Hôm gặp bác Liễn vẫn nhắc, bố cháu nhớ bác vẫn để dành rau tươi cho mỗi chiều xưa, khi bố cháu còn bần hàn đội sỏi ở bến sông. Chị Liễn nhắc: “Là cậu Lưu cồ nhớ dai, chứ cùng cảnh áo ngắn, hàng xóm tắt lửa tối đèn có nhau ấy mà”. Chị Liễn giờ vai đã mỏi, ở nhà chăm cháu ngoại. Con gái chị, giờ cũng là cô giáo dạy toán lớp Một.

Thôi ngần ấy năm, bến sông Hồng đã khác xưa lắm, nhà hàng, bãi đá kinh doanh từ con ngựa chụp ảnh ngựa, đến bán vé chụp ảnh hoa. Thi thoảng chị Liễn cũng ra mua ít ngô quạt than hoa, bán ngô nướng cho tụi trẻ đi chơi sông Hồng về.

Cỏ may trong gió heo may vẫn se sắt chỉ có miền Bắc mới có. Chẳng phải ai xa xứ mới nhớ heo may, người ở bến sông, ở gần sông cũng day dứt khôn nguôi, giấc mơ hạnh phúc của con người, ấm lạnh chỉ có trong lòng tay ta biết mà thôi.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/co-may-trong-gio-heo-may-590997.bld