Cỗ máy sản xuất thực phẩm chỉ từ điện, nước, không khí và vi khuẩn

Hệ thống sản xuất thực phẩm độc đáo này sẽ được phổ biến rộng rãi chỉ trong vòng 10 năm tới.

Hệ thống sản xuất thực phẩm độc đáo này sẽ được phổ biến rộng rãi chỉ trong vòng 10 năm tới.

Một bữa tối trong tương lai có thể không bắt nguồn từ nông trại, thay vào đó là những nhà máy. Các nhà khoa học Phần Lan cho biết họ vừa chế tạo thành công một cỗ máy có khả năng sản xuất thực phẩm, chỉ từ điện, nước, không khí và vi khuẩn.

Trang trại sản xuất thực phẩm từ điện

Nghiên cứu độc đáo này là một phần của dự án Food From Electricity, hợp tác giữa Đại học Công nghệ Lappeenranta và Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật VTT, Phần Lan. Trong đó, các nhà khoa học đã dùng lò phản ứng sinh học, để tạo ra được một lượng protein đơn bào đủ dinh dưỡng phục vụ một bữa tối.

Toàn bộ quá trình chỉ đòi hỏi có điện, nước, khí CO 2 và vi khuẩn. Đầu ra của nó là một hỗn hợp bột, gồm hơn 50% protein và 25% carbohydrate. Các nhà khoa học nói rằng họ có thể điều chỉnh tỷ lệ dinh dưỡng này, bằng cách thay đổi các vi sinh vật sử dụng trong lò phản ứng.

Tiến sĩ Juha-Pekka Pitkänen, nhà khoa học tại VTT cho biết giai đoạn tiếp theo của dự án là làm sao để tối ưu hóa hệ thống. Lò phản ứng sinh học hiện tại họ sử dụng chỉ có kích thước tương đương một cốc cà phê. Nó cũng mất tới 2 tuần mới tổng hợp được 1 gam protein.

Chúng tôi đang tập trung phát triển các công nghệ sau: ý tưởng về lò phản ứng sinh học, công nghệ cải thiện hiệu suất và kiểm soát chặt quy trình”, tiến sĩ Pitkänen cho biết trong thông cáo báo chí.

Ông dự đoán rằng hệ thống tạo thực phẩm độc đáo này sẽ được phổ biến rộng rãi chỉ trong vòng 10 năm tới. “Có lẽ 10 năm là khoảng thời gian thực tế để sản phẩm đạt tới mục đích thương mại hóa, trên cả khía cạnh luật pháp và công nghệ”.

Thực phẩm dạng bột được sản xuất từ cỗ máy của các nhà khoa học Phần Lan

Hướng tới một thế giới xanh và no ấm

Một hệ thống cho phép sản xuất thực phẩm chỉ từ không khí, nước, vi khuẩn và điện mở ra rất nhiều tiềm năng. Hiện tại, nó được nhắm đến 2 ứng dụng chính:

Thứ nhất, nó sẽ là một phương tiện để giải quyết nạn đói, vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới. Chúng ta có những khu vực không thể sản xuất nông nghiệp. Tiến sĩ Pitkänen nói rằng trong tương lai, “công nghệ có thể được chuyển đến các sa mạc và khu vực đang phải đối mặt với nạn đói”.

Lò phản ứng sinh học sẽ cung cấp một nguồn thực phẩm giá rẻ, bổ dưỡng cho những người đang cần nó nhất. Cỗ máy hoạt động độc lập với môi trường. Nghĩa là “nó không đòi hỏi một địa điểm với điều kiện nông nghiệp, độ ẩm hoặc phụ thuộc loại đất”, giáo sư Jero Ahola đến từ Đại học Công nghệ Lappeenranta giải thích.

Ứng dụng thứ hai, hệ thống sản xuất thực phẩm này có thể là một phương tiện bảo vệ môi trường. Khi protein được chuyển sang sản xuất theo cách này, chúng ta sẽ giảm được một lượng khí thải nhà kính từ hoạt động chăn nuôi gia súc.

Hiện nay, ngành công nghiệp chăn nuôi vẫn đang thải ra từ 14-18% lượng khí nhà kính trên toàn cầu. Trong so sánh, tất cả các phương tiện giao thông đang hoạt động mới chỉ thải ra 13,5% tổng tượng khí CO 2 .

Chăn nuôi cũng tiêu tốn một diện tích lớn. Một ước tính cho thấy 30% tổng diện tích đất trên hành tinh đang được sử dụng để phục vụ ngành chăn nuôi. Nếu có thể sản xuất thực phẩm mà không dựa vào công nghiệp chăn nuôi, con người sẽ tối ưu được quỹ đất trên hành tinh cho các mục đích tốt hơn và thận thiện môi trường hơn.

Hơn thế nữa, việc sản xuất được thực phẩm từ điện, nước, không khí và vi khuẩn cũng là một phương pháp tái tạo, nhỏ gọn và tiết kiệm hơn để có được dinh dưỡng cung cấp cho con người.

Hiện nay, cũng có một số giải pháp tương tự có thể kể đến. Ví dụ như việc tạo ra thịt trong phòng thí nghiệm và ý tưởng dinh dưỡng đến từ côn trùng .

cafebiz

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/co-may-san-xuat-thuc-pham-chi-tu-dien-nuoc-khong-khi-va-vi-khuan-d46846.html