Cơ hội từ EBT !

Sau một năm hoạt động, thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) chuyên biệt (EBT) đã tạo được sự tập trung trong các giao dịch trái phiếu và lập đường cong lãi suất trái phiếu trên thị trường, như công tác cung cấp thông tin cho các thành viên trên thị trường. Đó là khẳng định của ông Lưu Tiến Cương – Phó Giám đốc Khối nguồn vốn của MB.

Với quy mô chưa thực sự tương xứng với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hàng năm của VN, EBT thực sự vẫn còn một “dư địa” lớn để phát triển trong tương lai. “Miếng bánh ngon” Tiềm năng phát triển của EBT được đánh giá rất cao. Hiện nay, quy mô thị trường TPCP của VN mới chiếm 15% tốc độ tăng trưởng GDP. So với các nước trong khu vực là trên 30% và các nước phát triển khoảng trên dưới 100%. Có thể thấy, dư địa cho EBT phát triển còn rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay giao dịch chính trên EBT chủ yếu vẫn là các NHTM, chiếm đến 70-80% lượng giao dịch trái phiếu. Các Cty bảo hiểm, Cty tài chính, quỹ đầu tư không mấy quan tâm đến TPCP. Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân trong nước thì không đủ tiềm lực tài chính và tính chuyên nghiệp để tham gia. Qua đó có thể thấy, các NHTM vẫn giữ một vai trò quan trọng trong việc phát triển EBT. Chỉ xét riêng dưới góc độ lợi nhuận thì TPCP luôn là kênh hấp dẫn đối với các ngân hàng thương mại nhờ yếu tố phi rủi ro và an toàn nhất. Trong điều kiện tăng trưởng tín dụng trở nên khó khăn hơn, chi phí huy động vốn đắt đỏ thì đầu tư vào TPCP đang được xem là lựa chọn đáng lưu ý. Thực tế, các ngân hàng hiện tại có xu hướng mua TPCP hơn là cho vay do các ngân hàng có thể sử dụng trái phiếu đã mua làm tài sản thế chấp để vay vốn trên thị trường mở với lãi suất thấp nhằm hưởng chênh lệch lãi suất. Chính vì thế, ngày càng nhiều NHTM quan tâm đến EBT. Theo ông Cương, việc trở thành thành viên chính thức của EBT mang lại nhiều lợi ích hơn cho các NHTM. Cụ thể như, hoạt động mua bán diễn ra nhanh hơn và thuận tiện hơn nhờ bỏ qua khâu môi giới. Mặt khác, khả năng tiếp cận với các đối tác, cập nhật các thông tin tốt hơn, trong khi chi phí thấp hơn nhiều so với thực hiện qua đại lý nhận lệnh. Đặc biệt, các thành viên chính thức có khả năng kiểm soát dòng tiền thanh toán trái phiếu trực tiếp tại ngân hàng thanh toán, chủ động trong việc điều chuyển tiền trên các tài khoản nostro (tài khoản của một ngân hàng mở tại một ngân hàng khác) mà không phải chịu các chi phí vốn do phải chuyển tiền sớm cho các nhà môi giới và có thể quản lý rủi ro về trái phiếu được lưu ký tại Sở Lưu ký mà không phụ thuộc vào nhà môi giới. Ông Cương cho biết, trong 1 năm giao dịch trên thị trường TPCP EBT, giao dịch của MB chiếm 10% thị phần TPCP. Tháo gỡ “nút thắt” Tuy nhiên, bên cạnh “miếng bánh ngon” đó vẫn có nhiều ý kiến cho rằng tốc độ phát triển của thị trường này vẫn “khá chậm chạp”. Một trong những nguyên nhân chính, theo ông Cương phải kể đến hoạt động nghiệp vụ repo chưa được sử dụng hiệu quả. Đẩy mạnh nghiệp vụ repo TPCP sẽ giúp tăng tính thanh khoản cho thị trường và chức năng điều hòa vốn giữa các NHTM với nhau. Việc tách biệt được hoạt động repo (mua đi bán lại) và hoạt động outright (mua đứt bán đoạn) sẽ giúp xác định giá giao dịch chính xác, từ đó mới phản ánh chính xác lãi suất chuẩn đang được chấp nhận trên thị trường. Thời điểm khai trương EBT, giới hữu quan kỳ vọng sẽ có sự thay đổi lớn trong hoạt động repo, tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại trong quá trình triển khai. Để tháo gỡ, mới đây, Hiệp hội Thị trường trái phiếu VN (VBMA) đã kiến nghị bỏ quy định tính thuế thu nhập cá nhân đối với nhà đầu tư cá nhân khi tham gia giao dịch repo trái phiếu theo Thông tư 64/2010/TT-BTC. Thực chất, các hợp đồng repo là các hợp đồng có tính chất cầm cố trái phiếu làm tài sản đảm bảo trong hoạt động cho vay vốn chứ không phải là hoạt động mua đứt, bán đứt trái phiếu. Bên cạnh đó, một rào cản nữa cũng cần được nhắc đến là sự thiếu tập trung trên thị trường, cho dù tình trạng này đã được cải thiện đáng kể sau một năm EBT đi vào hoạt động. Theo thống kê của các tổ chức, hiện tại có trên 500 mã trái phiếu với kỳ hạn, lãi suất coupon, khối lượng và giá trị khác nhau được giao dịch trên thị trường thứ cấp. Điều này khiến cho thị trường trái phiếu trở nên manh mún và gây khó khăn cho các nhà đầu tư. Với việc ban hành Thông tư 132/2010/TT-BTC ngày 7/9/2010, Bộ Tài chính quy định rõ mỗi đợt phát hành TPCP phải thực hiện theo lô có giá trị ít nhất là 1 nghìn tỷ đồng cho trái phiếu có kỳ hạn từ 3 năm trở lên, được kỳ vọng có thể sẽ đem đến một cuộc cách mạng trong hoạt động giao dịch trái phiếu. Theo VBMA, Thông tư 64/2010/TT-BTC điều chỉnh mức thuế mới khi chuyển nhượng chứng khoán của các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào trái phiếu ở VN là 0,1% trên tổng doanh thu thu được từ bán chứng khoán tại thời điểm chuyển nhượng; 10% trên số lãi nhận được từ nhà phát hành trái phiếu khi nhận lãi. (Mức thuế cũ là 0,1% tính trên mệnh giá trái phiếu và lãi thu được vào ngày trả lãi trái phiếu). Như vậy, mức thuế này đã tăng lên gần gấp 10 lần mức thuế cũ do lãi suất trái phiếu hiện nay đang ở mức khoảng trên dưới 10%/năm tùy theo trái phiếu có kỳ hạn và đối tượng phát hành khác nhau. Điều này sẽ hạn chế dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài đổ vào EBT. Nguyễn Thúy

Nguồn DĐDN: http://dddn.com.vn/20100923050247828cat91/co-hoi-tu-ebt-.htm