Cơ hội từ cổ phiếu mới

Hàng loạt cổ phiếu của doanh nghiệp lớn vừa hoặc đang chuẩn bị đưa vào giao dịch trên sàn chứng khoán thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư.

Nhà đầu tư kỳ vọng cổ phiếu của doanh nghiệp lớn lên sàn sẽ tạo cú hích cho thị trường

Đây cũng là cơ hội để nhà đầu tư có thêm sự lựa chọn mới cho rổ hàng hóa của mình.

Gần 81 triệu cổ phiếu (CP) của Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) với mã VSN vừa chính thức được giao dịch trên Upcom trong phiên cuối tuần qua, với giá tham chiếu là 67.000 đồng/CP.

Ngay lập tức, CP này được giao dịch khá sôi động, thậm chí có nhiều nhà đầu tư (NĐT) mua với giá kịch trần lên 93.800 đồng/CP, tăng 40% so với giá tham chiếu. Cuối phiên, giá khớp lệnh bình quân của VSN là 80.100 đồng, tăng 20% so với giá tham chiếu và có 194.000 CP được trao tay.

Kỳ vọng giá tăng

Sự quan tâm của NĐT đối với VSN không quá ngạc nhiên, vì Vissan đang nắm giữ 65% thị phần xúc xích tiệt trùng trong nước, 70% với sản phẩm lạp xưởng, 40% thị phần đối với hàng đông lạnh... Mức giá đóng cửa cuối phiên đầu tiên cũng tương đương với giá đấu CP này trong đợt IPO đầu năm nay. Trong khi đó, NĐT chiến lược của Vissan là Tập đoàn Anco phải mua với mức giá cao hơn là 126.000 đồng/CP vào giữa năm nay. Như vậy, các NĐT đã tham gia đấu giá CP của Vissan trước đó có thể thở phào nhẹ nhõm vì theo dự báo giá CP này sẽ còn tăng.

Vấn đề lớn nhất của thị trường vốn là người mua không biết giá thế nào là phù hợp nên rủi ro không thể ngăn chặn được. Vì vậy cũng có khả năng khi lên sàn giá cổ phiếu lại bị giảm mạnh so với khi chưa niêm yết

Ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán HSC

Tương tự, CP của Tổng công ty cổ phần bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cũng tăng giá hơn 30% chỉ trong vòng 2 tuần sau khi có thông tin sẽ lên sàn ngay trong năm nay. Giá CP của Sabeco trước ngày chốt danh sách cổ đông và ngưng giao dịch vào giữa tháng 9 vừa qua đã lên hơn 100.000 đồng/CP. Hay như Novaland cũng đã công bố sẽ lên sàn chứng khoán ngay trong năm nay đang khiến các NĐT chú ý vì sẽ tạo ra một cú hích mới cho nhóm CP ngành bất động sản.

Những công ty như Vissan, Sabeco hay Novaland và sau đó có thể là CP của Vietnam Airlines... được quan tâm nhiều vì hầu hết là các công ty đầu ngành, vốn hóa thị trường lớn và khi niêm yết có thể sẽ đứng ngay vào nhóm 30 CP lớn trên sàn. Các CP này, chỉ cần tăng hay giảm ở mức tối thiểu, sẽ tác động trực tiếp đến chỉ số VN-Index. Đa số NĐT đều kỳ vọng việc giá CP khi lên sàn sẽ tăng mạnh hơn.

Thắng đậm hoặc... thua đau

Việc chạy đua săn lùng các CP hay tham gia đấu giá trước khi lên sàn là chuyện thường tình của NĐT chứng khoán. Đây là cơ hội để họ lựa chọn. Tuy nhiên, nắm giữ những CP này cũng có thể khiến NĐT thắng đậm hoặc... thua đau.

Lịch sử của thị trường chứng khoán từng cho thấy các NĐT khóc ròng vì lỡ ôm vào các CP trước ngày lên sàn với giá cao ngất ngưởng, nhưng khi lên sàn đã giảm một mạch. Vì vậy, theo ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán HSC, NĐT không nên chạy đua theo người khác. “Cần phải nhìn vào tiềm năng, chiến lược phát triển của công ty cũng như xem khả năng CP đó có tiềm năng sinh lời như thế nào? Vấn đề lớn nhất của thị trường vốn là người mua không biết giá thế nào là phù hợp nên rủi ro không thể ngăn chặn được.

Vì vậy cũng có khả năng khi lên sàn giá CP lại bị giảm mạnh so với khi chưa niêm yết”, ông Nyvene nói. Tuy nhiên, ông này cũng nhìn nhận “tất cả đều chỉ là sự kỳ vọng”, một cổ phiếu blue-chip có vị thế vững trên thị trường và giá đã ở mức khá cao nhưng vẫn có người mua vào. NĐT không thể ngồi đợi 10 năm sau nữa mới bán ra hay đợi vài năm nữa mới mua vào. Vì thế, mỗi NĐT nếu thấy hợp lý thì mua vào hoặc bán ra, chứ không thể xác định có thời điểm đúng hay sai tuyệt đối trong đầu tư chứng khoán.

Tương tự, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng cho rằng những doanh nghiệp có quy mô lớn, có thị phần vững chắc trong ngành của mình sẽ luôn được nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn khi đưa CP lên sàn chứng khoán. Khi đó, sàn chứng khoán sẽ có thêm nhiều hàng hóa chất lượng cho NĐT lựa chọn.

“Nhưng cũng đừng quá kỳ vọng, vì ngoài nội lực của doanh nghiệp, giá CP khi lên sàn sẽ còn phụ thuộc vào những yếu tố khách quan khác như tình hình chung của thị trường chứng khoán, sự phát triển của nền kinh tế VN...”, ông Hiển nói.

Thảo Vy

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/kinh-doanh/co-hoi-tu-co-phieu-moi-758068.html