Cơ hội nào cho người trẻ thời du học đóng cửa?

Chủ đề 'Các nước phương Tây đóng cửa biên giới: Cơ hội nào cho du học sinh?' đang được nhiều học sinh, sinh viên đặc biệt quan tâm và cần giải đáp.

Nhiều chia sẻ hết sức bổ ích và chân thành từ các tân sinh viên cũng như cử nhân, thạc sĩ với nhiều kinh nghiệm thực tế từ quá trình du học, cơ hội kiếm việc làm sau khi du học được hiểu theo nhiều góc nhìn với nhiều lựa chọn dành cho các bạn trẻ.

Du học: Đừng quá kỳ vọng

Việc đầu tư hàng tỷ đồng cho con em đi du học đang là mục tiêu của rất nhiều phụ huynh dù điều kiện kinh tế có thể không mấy dư giả. Phần lớn các bậc phụ huynh đều mong con mình sau khi hoàn thành chương trình học tập ở nước ngoài sẽ được ở lại quốc gia đó làm việc với mức lương cao hàng nghìn USD. Như vậy, các khoản đầu tư trước đó của gia đình hoàn toàn có thể được bù đắp với một tương lai sáng lạn.

Bàn về những kỳ vọng này, Nguyễn Phương Anh, tốt nghiệp cử nhân trường ĐH Franklin & Marshall (Mỹ), giành học bổng toàn phần bậc Thạc sĩ tại trường ĐH Geogertown lại đưa ra một hiện thực không hoàn toàn giống như mong muốn. “Phụ huynh đang nhầm lẫn khi kỳ vọng vào việc con em mình có thể đi làm ngay sau khi tốt nghiệp. Sinh viên Việt Nam ra trường có vị trí đàm phán thấp so với sinh viên bản địa, vốn được ưu tiên hơn. Mức lương kiếm được sẽ không cao chỉ từ 1.000-3.000 USD/tháng. Mức thu nhập này may mắn lắm cũng đủ cho sinh hoạt hàng ngày, không cần thêm tiền của bố mẹ chứ chưa nói đến trả lại khoản đầu tư cho bố mẹ”, Nguyễn Phương Anh khẳng định.

“Khi các gia đình điền vào bản đồng ý đầu tư tiền cho trường học ở Mỹ khi cho con đi du học thì đồng nghĩa là đã đầu tư một khoản đặt cọc với hy vọng con em mình có công ăn việc làm tốt, lo cho gia đình... Tuy nhiên, phụ huynh không nên quá kỳ vọng, tạo cho con áp lực quá lớn, khiến cho các bạn sinh viên này sẽ rất căng thẳng khi học tập, khó thích ứng, hòa nhập với văn hóa, xã hội nước bạn. Hãy để du học sinh tự học và kiếm việc để đạt được điều tốt nhất cho bản thân, rồi từ đó mới có thể đáp trả lại kỳ vọng cho bố mẹ”, Vũ Tuấn Minh, tân sinh viên giành học bổng toàn phần trường ĐH Rice (Mỹ) chia sẻ.

Vũ Tuấn Minh cũng cho biết, khi tìm hiểu về việc du học ở Mỹ, bạn cũng biết chỉ số lượng rất nhỏ du học sinh có thể ở lại để cạnh tranh ở lại Mỹ nên đã chuẩn bị sẵn tư tưởng khi nộp hồ sơ vào trường ĐH Rice dù được học bổng toàn phần.

Du học: Không chỉ để kiếm tiền

Theo Nguyễn Phương Anh, các bạn trẻ nên suy nghĩ trước về mục đích du học để làm gì. Nhiều phụ huynh suy nghĩ du học để ở lại nước đó nhưng cũng có không ít sinh viên coi cơ hội du học là cách tăng cường kiến thức, hiểu biết. Điều này quan trọng hơn là ở lại nước ngoài vì cơ hội việc làm ở bất cứ nước nào đều rất tốt, có cơ hội phát triển bản thân và chuyên môn. Du học không nhất thiết để ở lại và phát triển sự nghiệp ở nước ngoài. Chia sẻ với sinh viên sẽ và đang học tại Mỹ, Phương Anh cho biết đây là quá trình rất vất vả để tham gia hoạt động xã hội, tìm kiếm cơ hội tương lai bên cạnh việc học tập.

“Các bạn trẻ nên suy nghĩ trước về mục đích du học để làm gì. Du học không nhất thiết để ở lại và phát triển sự nghiệp ở nước ngoài”.

Nguyễn Phương Anh, (Cử nhân trường ĐH Franklin & Marshall (Mỹ); học bổng toàn phần bậc Thạc sĩ tại trường ĐH Geogertown)

“Không đi du học không có nghĩa là mất đi cơ hội làm việc trong các công ty, tổ chức quốc tế”.

Võ Tuấn Sơn, (Cử nhân Học viện Ngoại giao, thực tập sinh tại Tổ chức UN Women Việt Nam)

“Phụ huynh không nên quá kỳ vọng, tạo cho con áp lực quá lớn, khiến cho các bạn sinh viên căng thẳng khi học tập, khó thích ứng, hòa nhập với văn hóa, xã hội nước bạn”.

Vũ Tuấn Minh, (Học bổng toàn phần trường ĐH Rice, Mỹ)

“Lúc đầu tôi cũng băn khoăn và chịu áp lực về việc học tập và trải nghiệm sẽ giúp ích như thế nào bởi thực sự rất vất vả? Sau này mới thấy thời gian học tập là thời gian nhẹ nhàng nhất chỉ tập trung vào việc phát triển bản thân. Các bạn hãy luôn nắm bắt các cơ hội có thể. Có những cơ hội nhìn thì thấy khó nắm bắt bởi có quá nhiều ứng viên xuất sắc nhưng bản thân là sinh viên quốc tế mình sẽ có góc nhìn mới lạ và sẽ được trân trọng về việc này”, Nguyễn Phương Anh lý giải.

Nguyễn Phương Anh chia sẻ: “Trường học ở Mỹ rất ủng hộ khi sinh viên tìm hiểu những lĩnh vực khác nhau khi bản thân học kinh tế và văn học. Khi hoàn thành cả 2 lĩnh vực này thì thấy rằng rất có lợi cho bản thân. Trong những năm đầu chỉ chọn môn Văn học Anh là môn phụ nhưng chưa đủ tự tin theo được hay làm gì với lĩnh vực này. Nhưng dần dần đi theo sở thích của bản thân và được gia đình ủng hộ nên đã coi đây là ngành học chính. Hiện mình đã được nhận học bổng Thạc sĩ và tiến tới sẽ đăng ký bảo vệ Tiến sĩ với lĩnh vực nghiên cứu này. Các bạn nên chú trọng học hỏi nhiều lĩnh vực. Không có trải nghiệm nào là thừa. Bản thân mình đã trải nghiệm nhiều thay đổi về môi trường, ngành học, định hướng nghề nghiệp và thấy những điều này đóng góp không nhỏ trong suy nghĩ, thành công trong công việc của mình bây giờ, nhờ đó mình có hiểu biết sâu rộng hơn về thế giới xung quanh”.

Bên cạnh đó, theo Nguyễn Phương Anh, trong bối cảnh các nước có xu hướng hạn chế cơ hội sinh viên quốc tế bằng các chính sách đóng cửa, các kỹ năng tiếng Anh, suy luận, logic, phản biện trải nghiệm trong quá trình học và làm việc đều rất cần thiết để cạnh tranh cơ hội việc làm. Hơn nữa, không nhất thiết cứ phải tìm việc làm ngay tại đất nước mình du học. Nhiều bạn bè của Phương Anh đều đã kiếm việc ở các nước khác nhau hoặc ở các công ty quốc tế hoạt động tại Việt Nam.

Trải nghiệm môi trường quốc tế ngay trong nước

Võ Tuấn Sơn, cử nhân Học viện Ngoại giao, thực tập sinh tại Tổ chức UN Women Việt Nam cho biết, không đi du học không có nghĩa là mất đi cơ hội làm việc trong các công ty, tổ chức quốc tế.

Võ Tuấn Sơn chia sẻ trải nghiệm của bản thân: “Do không đam mê ngành mình theo đuổi, nên bản thân khá vất vả để giữ được học lực giỏi trong quá trình học đại học. Tuy nhiên, mình rất hăng hái tham gia các dự án, hoạt động tình nguyện. Đây là môi trường học tập rất tốt, giúp cho bản thân học được sự tôn trọng, đa dạng, khác biệt. Vì làm nhiều nơi khác nhau, nhiều trải nghiệm khác nhau ở các mảng công việc truyền thông, đối ngoại, có nhiều kinh nghiệm chia sẻ từ trải nghiệm thực tế nên mình khá tự tin để trở thành thành viên của nhiều tổ chức quốc tế”.

Theo Võ Tuấn Sơn, nhiều học sinh gặp khó khăn khi tham gia các hoạt động ngoại khóa là bởi vì chưa biết bản thân mình đam mê lĩnh vực gì. Sơn cho rằng trong quá trình tìm hiểu đam mê bản thân, cần tìm hiểu, đào sâu các lĩnh vực mình tham gia từ đó mới thấy mình thích và đam mê gì. Bên cạnh đó, cần nhìn lại những trải nghiệm cá nhân của mình, viết lại những gì mình học được hôm nay để thấy mình làm được và rút ra kinh nghiệm gì.

Còn với Vũ Tuấn Minh, bí quyết để nhận học bổng toàn phần trường ĐH Rice là trải nghiệm và phát hiện năng lực bản thân trước khi ứng cử. “Khi học THPT, quá trình tìm ra sở thích bản thân cũng mất thời gian tham gia nhiều mảng vấn đề khoa học, nghệ thuật... Sau đó mình mới quyết định để đi du học cần có hoạt động sâu hơn và quyết định đầu tư cho khoa học kỹ thuật. Mình đã tự tìm hiểu các cuộc thi và chọn cuộc khi khoa học kỹ thuật ở Thái Lan, tham gia đề tài nghiên cứu lọc nước chữa bệnh cho cá. Từ đó thấy được đam mê bản thân về khoa học kỹ thuật và tham gia tích cực hơn vào các hoạt động xã hội trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Thông qua trải nghiệm đó thì nộp hồ sơ, hoàn thiện hồ sơ để giành học bổng trường ĐH Rice”, Vũ Tuấn Minh chia sẻ.

Vinh Hương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/co-hoi-nao-cho-nguoi-tre-thoi-du-hoc-dong-cua/731717.antd