Cơ hội mới đang mở ra cho lao động Việt Nam

(VOV) - Sau một năm ngừng cấp visa, Qatar đã bắt đầu nhập khẩu trở lại đối với lao động Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng lao động của Việt Nam tại Qatar vẫn chưa phải là lớn so với nhu cầu của bạn.

Ông Đoàn Kiến Trung, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Qatar cho biết: “Sau khoảng 2 năm hạn chế cấp visa cho lao động Việt Nam vào làm việc tại Qatar, cuối tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Lao động Qatar đã chính thức thông báo cho Đại sứ quán việc Qatar hoan nghênh Việt Nam đẩy mạnh việc cung ứng lao động cho thị trường lao động này. Ngài Bộ trưởng không quên nhắc đến sự đánh giá cao của phía Qatar đối với các nỗ lực, biện pháp chủ động tích cực của Đại sứ quán khi giải quyết các vụ việc lao động, ngăn ngừa hạn chế các vi phạm về sau”. “Cơ hội mới đang mở ra cho lao động Việt Nam ở thị trường Qatar sau tuyên bố của Bộ Trưởng lao động Qatar. Để nắm bắt cơ hội này, Đại sứ quán đang phối hợp với Phòng thương mại và Công nghiệp Qatar và dự kiến tổ chức hội thảo về cung ứng lao động Việt Nam cho thị trường lao động Qatar. Hội thảo sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp sử dụng lao động ở Qatar, các công ty môi giới gặp gỡ bàn thảo với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam, về phương thức, tiêu chuẩn tuyển chọn, việc sử dụng, quản lsý lao động nhằm đáp ứng được yêu cầu của chủ sử dụng, các biện pháp giải quyết, phòng ngừa, giảm thiểu vụ việc” – Ông Đoàn Kiến Trung nói. Theo ông Đoàn Kiến Trung: “Việc khai thông trở lại thị trường lao động Qatar cần được nhìn nhận trong bối cảnh rộng hơn. Đó là kết quả của ý chí, quyết tâm chính trị, hiện thực hóa thỏa thuận của lãnh đạo hai nước trong quan hệ hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực trong đó có hợp tác lao động. Nền kinh tế thế giới, trong đó có Qatar, đang phục hồi. Nhu cầu tiếp nhận thêm lao động nước ngoài là yêu cầu khách quan với Qatar, nhất là với lao động Việt Nam, những người luôn được chủ sử dụng ở các nước đánh giá là cần cù, chịu khó, sáng tạo, hiệu quả làm việc cao, đa năng... Số lượng lao động ta ở Qatar hiện không còn nhiều khoảng 2000 người. Đa số họ đang làm việc cho các nhà thầu có công việc ổn định, điều kiện sinh hoạt đảm bảo và thu nhập khá trở lên”. ** Thưa ông, tình trạng lừa xuất khẩu lao động vẫn xảy ra, vậy người lao động Việt Nam muốn đi xuất khẩu lao động Qatar cần chú ý điều gì? Người lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài nói chung và Qatar nói riêng cần phải tìm cách tự bảo vệ mình. Họ nên tìm hiểu kỹ thông tin về các chương trình đi làm việc ở nước ngoài, trước hết là qua các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cơ quan quản lý các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cũng duy trì đường dây nóng và trang web để tư vấn, giúp đỡ người lao động tránh bị lừa bởi các công ty 'ma', những doanh nghiệp và cá nhân không có chức năng và giấy phép xuất khẩu lao động. Tư vấn của Cục cũng sẽ giúp cho người lao động lựa chọn cho mình địa bàn, công việc và doanh nghiệp... phù hợp với khả năng tài chính và sức khỏe. ** Theo ông, để thị trường xuất khẩu lao động ổn định, phát triển và có uy tín thì ngoài trình độ, tay nghề của người lao động, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam sang Qatar cần chú ý điều gì? Để có thể phát triển thị trường lao động một cách bền vững, ngoài việc nâng cao chất lượng lao động về mọi mặt (từ tay nghề đến ý thức tổ chức kỷ luật lao động, tuân thủ pháp luật, ngôn ngữ giao tiếp và sức khỏe), các doanh nghiệp ta trước khi quyết định cung ứng lao động cho các chủ sử dụng cần phải thẩm định thực tế để lựa chọn các đơn hàng bảo đảm về các mặt. Cam kết của chủ sử dụng đối với người lao động theo hồ sơ mới chỉ là một cơ sở xem xét việc cung ứng lao động. Các doanh nghiệp cần cử người đến xem xét thực tế công việc tại nơi sẽ phái cử người lao động (để đảm bảo đủ việc cho người lao động trong suốt thời hạn hợp đồng, công việc đảm bảo an toàn...). Chỗ ở của người lao động cần phải đảm bảo để họ duy trì sức khỏe làm việc. Cuối cùng là thu nhập thực tế của người lao động (mà chủ đang chi trả cho công nhân các nước đang làm việc). Thông thường việc thẩm định thực tế cần thực hiện cho lần cung ứng lao động đầu tiên. Tuy nhiên, do chi phí để cử người đi thẩm định thức tế quá cao do địa bàn ở khu vực cách xa Việt Nam, một số doanh nghiệp có thể đề nghị cơ quan đại diện giúp đỡ thẩm định hoặc vài doanh nghiệp cùng cung ứng cho một chủ sở dụng cử một cán bộ thực hiện. Với những chủ sử dụng lần đầu tiếp nhận lao động nước ngoài, các doanh nghiệp chỉ cung ứng với số lượng ít để thử nghiệm. Sau một thời gian nhất định nếu không có vụ việc tranh chấp lớn việc cung cứng tiếp tục sẽ được xem xét. Phối hợp chặt chẽ với chủ sử dụng, đối tác, và đặc biệt là cơ quan đại diện trong công tác năm bắt tình hình, quản lý, giúp đỡ người lao động thông qua đầu mối (đội trưởng, đốc công, phiên dịch, kỹ sư...) cần phải làm việc thường xuyên của doanh nghiệp. Quản lý lao động tốt sẽ giúp doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc, giải quyết kịp thời các vi phạm, tranh chấp quyền lợi giữa chủ và người lao động, hạn chế phát sinh trở thành vụ việc lớn phức tạp khó giải quyết. ** Thưa ông, tình trạng lao động vi phạm luật pháp nước sở tại, gây mất trật tự làm ảnh hưởng tới hình ảnh lao động Việt Nam vẫn xảy ra ở một số nơi. Vậy theo ông làm sao để quản lý tốt lao động và xây dựng cho họ có những hành vi ứng xử có văn hóa, xây dựng uy tín cho lao động Việt Nam ? Để giảm dần và hạn chế đến mức tối đa tình trạng vi phạm luật pháp, quy định ở nước sở tại của lao động Việt Nam, các bên hữu quan từ doanh nghiệp cung ứng lao động, người lao động và các cơ quan quản lý nhà nước hữu quan, cần thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy trình tuyển chọn, đào tạo giáo dục định hướng, quản lý người lao động như đã quy định trong "Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được Quốc hội ban hành ngày 29/11/2006. Trước khi đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là khu vực Trung Đông, nơi có sự khác biệt rất lớn với văn hóa Việt Nam, người lao động phải có được nhận thức đầy đủ những điều không được phép làm, những điều không nên, hậu quả nguy hiểm khó lường của những hành vi vi phạm do mình gây ra đối với bản thân và uy tín cộng đồng, đất nước. Họ cũng cần được cung cấp thông tin đầy đủ và minh bạch về nghĩa vụ và trách nhiệm, các quyền lợi đặc biệt là về thu nhập, để tự mình quyết định việc tham gia chương trình, và có sự chuẩn bị về tư tưởng, bớt đi những kỳ vọng không thực tế. Trong thực tiễn cũng như trong quy định, chúng ta đều nhận thấy vị trí vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong công tác đào tạo giáo dục định hướng cho người lao động. Cơ quan đại diện ngoại giao tại nước sở tại cùng với Cục Quản lý lao động ngoài nước, với trách nhiệm được Nhà nước giao phải thực hiện đầy đủ chức năng bảo hộ công dân, hỗ trợ giúp đỡ người lao động và đặc biệt là vai trò kiểm tra giám sát doanh nghiệp xuất khẩu lao động khi thực hiện các quy định trong quá trình thực hiện việc cung ứng lao động. ** Xin cảm ơn ông./. Ngọc Thạch (Cairo)

Nguồn VOV: http://vovnews.vn/home/co-hoi-moi-dang-mo-ra-cho-lao-dong-viet-nam/20108/152807.vov