Cơ hội học nghề theo tiêu chuẩn CHLB Đức

GD&TĐ - Mới đây, ông Tilo Jaensch, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Potsdam CHLB Đức, đã trao “Thư công nhận” về tính tương đương của hai bộ Tiêu chuẩn nghề theo tiêu chuẩn Đức cho TS Lê Văn Hiền - Chủ tịch Hội đồng Trường Cao đẳng nghề LILAMA 2.

Đây được xem là một bước tiến lớn, mở ra cơ hội cho các em HS tốt nghiệp THPT được học nghề theo tiêu chuẩn của Đức, cùng nhiều cơ hội việc làm bền vững sau học nghề.

Doanh nghiệp tham gia xây dựng tiêu chuẩn nghề

Nội dung thư chính thức công nhận tính tương đương Tiêu chuẩn Đức đối với hai bộ Tiêu chuẩn nghề Kỹ thuật viên Cơ khí Xây dựng và Kỹ thuật viên Điện tử Công nghiệp. Hai bộ Tiêu chuẩn nghề này đã được xây dựng dựa trên nhu cầu của khối doanh nghiệp Việt Nam. Tiêu chuẩn Đức được áp dụng như chuẩn quốc tế và đã được điều chỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động Việt Nam. Yếu tố quan trọng mang lại thành công cho quá trình xây dựng các bộ Tiêu chuẩn nghề chính là sự tham gia tích cực của các Hiệp hội Nghề nghiệp và đại diện của hơn 20 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.

Dựa trên các bộ Tiêu chuẩn nghề này, một chương trình đào tạo phối hợp trong thời gian 3 năm cho từng nghề đã được các bên liên quan đồng biên soạn, được giới thiệu và thảo luận với đại diện đến từ các doanh nghiệp, hiệp hội, Bộ Xây dựng và Tổng cục Dạy nghề. Theo hình thức đào tạo phối hợp, phần thực hành nghề sẽ được đào tạo chủ yếu tại các xưởng lắp ráp, chế tạo và dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp theo phương pháp đào tạo tại nơi làm việc. Phần kiến thức lý thuyết được đào tạo tại Trường LILAMA2, đồng thời, với “chức năng kép” của mình, Trường LILAMA 2 cũng triển khai đào tạo một phần kỹ năng thực hành nghề tại các xưởng thực hành hiện đại được trang bị máy móc, thiết bị với công nghệ tiên tiến nhất của nhà trường.

Đội ngũ giáo viên của trường được các chuyên gia CHLB Đức thường xuyên đào tạo nâng cao về chuyên môn và phương pháp giảng dạy định hướng thực hành. Đây là quá trình chuyển giao năng lực cho đội ngũ giáo viên của nhà trường nhằm sử dụng hiệu quả máy móc, trang thiết bị trong quá trình đào tạo định hướng thực hành. Đây là một mục tiêu chính của Hợp tác Phát triển Việt - Đức “Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam” là cung cấp các khóa đào tạo ban đầu và nâng cao về nghề và kỹ thuật đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tập trung hỗ trợ đào tạo nhóm nghề “Xanh”

TS Lê Văn Hiền cho biết, với chương trình đào tạo nghề đổi mới này, học sinh tốt nghiệp trung học sẽ có thêm cơ hội mới, có thêm một lựa chọn cho tương lai là học nghề theo định hướng thực hành, được đào tạo tại Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế, và có cơ hội việc làm tốt sau khi tốt nghiệp. Đây là một bước tiến quan trọng cho đào tạo nghề phối hợp tại Việt Nam nói chung và Trường LILAMA 2 nói riêng.

Chính phủ Đức hiện đang hỗ trợ các nỗ lực cải cách của Chính phủ Việt Nam ở các cấp độ tư vấn chính sách và triển khai. Tại Hợp phần Hợp tác kỹ thuật “Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam” bao gồm các lĩnh vực hoạt động có quan hệ chặt chẽ và ở các cấp độ khác nhau: “Tư vấn Chính sách và Đổi mới hệ thống Đào tạo nghề”, “Hỗ trợ các Trung tâm Đào tạo nghề Chất lượng cao” và “Đào tạo Kỹ thuật viên cho ngành Xử lý nước thải”.

Với sự tham gia của khối doanh nghiệp, khái niệm về đào tạo nghề theo định hướng nhu cầu được phát triển và triển khai. Quá trình này bao gồm phát triển Tiêu chuẩn nghề, mô hình đào tạo phối hợp và xây dựng một hệ thống đánh giá độc lập. Công tác hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề tập trung vào phát triển các chương trình đào tạo cho các nghề thuộc nhóm lĩnh vực kinh tế năng động và dựa trên “Chiến lược Tăng trưởng Xanh” của Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam đã đặt đào tạo kỹ năng nghề và tăng cường việc làm như là trung tâm của mục tiêu phát triển. Kế hoạch đến năm 2020, tăng tỉ lệ công nhân lành nghề được đào tạo lên 55% trong lực lượng lao động, so với con số hiện nay là 30%.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/co-hoi-hoc-nghe-theo-tieu-chuan-chlb-duc-2404078-b.html