Cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận công nghệ than sạch

Trong những năm gần đây, Việt Nam và Nhật Bản đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác trong lĩnh vực than, từ khai thác đến chế biến và sử dụng nguồn tài nguyên này.

Ngày 25/4, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) tổ chức hội thảo công nghệ than sạch trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa Việt Nam – Nhật Bản.

Hội thảo nhằm tăng cường sự giao thương và khả năng hợp tác trong tương lai giữa các doanh nghiệp hai nước về lĩnh vực này.

Ông Phương Hoàng Kim, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thảo Nguyên/BNEWS/TTXVN

Theo ông Phương Hoàng Kim, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương, trong những năm gần đây, Việt Nam và Nhật Bản đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác trong lĩnh vực than, từ khai thác đến chế biến và sử dụng nguồn tài nguyên này.

Đặc biệt hiện nay, Nhật Bản đang tích cực hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sử dụng than như: công nghệ đốt than phối trộn, kỹ thuật phát điện hiệu suất cao và tỷ lệ phát thải thấp, các công nghệ môi trường như kinh nghiệm về vận hành, bảo dưỡng nhà máy nhiệt điện, xử lý tro xỉ…

Các hoạt động hợp tác hỗ trợ như vậy rất cần thiết và góp phần đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng và sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái.

Ông Phương Hoàng Kim cũng cho hay, trong khuôn khổ hợp tác thường niên đã được thống nhất giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, một số hội thảo về chuyển giao công nghệ than sạch cũng đã được tổ chức tại Việt Nam với sự hỗ trợ tích cực của Trung tâm năng lượng Than Nhật Bản (JCOAL).

Điều này giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các công nghệ tiên tiến của Nhật Bản trong việc sử dụng và chế biến than sạch.

Trong bối cảnh hiện nay cũng như những năm sắp tới tại Việt Nam , các nhà máy nhiệt điện đốt than sẽ vẫn đóng vai trò đáng kể trong cấu phần nguồn cung cấp điện năng.

Nhưng vấn đề đặt ra là việc đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng gia tăng nhằm phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội phải được gắn kết đồng bộ với việc phát triển bền vững, đảm bảo môi trường sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Vì vậy, ông Phương Hoàng Kim cho rằng, hội thảo công nghệ than sạch là diễn đàn để các bên chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ, giải pháp cũng như cơ hội hợp tác trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, một điểm nhấn mới đáng chú ý của hội thảo năm nay là bên cạnh nội dung thảo luận về kỹ thuật, các đại biểu cũng có cơ hội tham quan và trao đổi về các mô hình sử dụng công nghệ than sạch, hiệu suất cao, thân thiện với môi trường và thiết bị nhiệt điện do một số doanh nghiệp Nhật Bản giới thiệu.

Ông Noboru Aoki, Trưởng ban Môi trường, Tổ chức Phát triển công nghệ công nghiệp và năng lượng mới Nhật Bản (NEDO) phát biểu. Ảnh Thảo Nguyên/BNEWS/TTXVN

Ông Noboru Aoki, Trưởng ban Môi trường, Tổ chức Phát triển công nghệ công nghiệp và năng lượng mới Nhật Bản (NEDO) cho biết, nhu cầu điện tại Việt Nam ngày càng tăng do nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và từ đó Việt Nam đã điều chỉnh Quy hoạch điện VII, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, tỷ lệ phát điện than sẽ giảm dần đến năm 2030 và công suất các thiết bị điện than sẽ tăng lên 1,8 lần.

Nhưng, một vấn đề đặt ra ở các dự án nhiệt điện than đó là quan ngại về tác động môi trường cũng như cần phải giảm hiệu ứng nhà kính theo các cam kết quốc tế.

Các doanh nghiệp của Nhật Bản hiện có công nghệ than sạch tiên tiến hoàn toàn có thể thích ứng với nhu cầu về môi trường ở Việt Nam . Đồng thời, sẵn sàng chuyển giao công nghệ than sạch cho các doanh nghiệp Việt Nam nhằm giảm phát thải và có hiệu suất cao trong lĩnh vực điện.

Hội thảo cũng đã đưa ra một số chủ đề để các đại biểu cùng thảo luận như: công nghệ phát điện hiệu suất cao, công nghệ xử lý, quan trắc môi trường và làm thế nào để công chúng chấp nhận xây dựng nhà máy nhiệt điện.

Cũng trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra đối thoại chính sách về than giữa Việt Nam và Nhật Bản. Theo ông Phương Hoàng Kim, kết quả của cuộc đối thoại này sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của cuộc họp Ủy ban hỗ hợp Việt Nam – Nhật Bản dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 5/2017.

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/co-hoi-cho-doanh-nghiep-tiep-can-cong-nghe-than-sach/42331.html