Có hay không việc lợi dụng 'giải cứu' đàn lợn để... bán cám?

Với mức giá mà thương lái mua lợn đến bắt tại chuồng chỉ 20 nghìn đồng/kg thì mức giá 35 nghìn đồng/kg mà LeBio đưa ra đã khiến nhiều người chăn nuôi vui mừng. Nhưng những ngày sau đó, nhiều chủ trang trại đã cho rằng, Cty CP Lebio tiếng là đi thu mua lợn, nhưng kỳ thực là đi thăm dò để bán cám.

Theo Bộ NNPTNT, hiện vẫn còn tồn 200 nghìn tấn lợn hơi chưa thể tiêu thụ trong dân. Ảnh: P.V

Anh Nguyễn Văn Linh, một thương lái ở huyện Phù Cừ (Hưng Yên), thừa nhận: Việc thương lái lợi dụng lúc khó khăn để ép giá người chăn nuôi là có thật. Thậm chí, nhiều thương lái còn tận dụng cơ hội này mua lợn con giá rẻ do người dân bán tháo để vỗ béo, chờ giá lên bán ra kiếm lời.

Những ngày đầu, sau khi được tin Chính phủ yêu cầu các ngành chức năng vào cuộc hỗ trợ người chăn nuôi tiêu thụ lợn, những chủ trang trại đang có đàn lợn ế khấp khởi mừng thầm, đặc biệt, khi Cty Cổ phần Lebio cam kết “giải cứu” 40 nghìn con lợn với giá 30-35 nghìn đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi có thể cắt lỗ, thậm chí lãi chút đỉnh nếu khéo quản lý. Ông Nhữ Đình Tú - Giám đốc Cty CP LeBio cũng công khai số điện thoại di động 096875***3 để chủ các trang trại liên hệ.

Đặc biệt, niềm hi vọng của người chăn nuôi càng “sáng” lên vào sáng 3.5, khi Cty CP Lebio đã tiến hành thu mua 330 con lợn từ trang trại của ông Nguyễn Văn Thắng, thôn Hòa Bình, xã Đô Nhân, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc). Đây đợt thu mua đầu tiên trong cam kết thu mua 40 nghìn con lợn của Cty này.

Với mức giá mà thương lái đến bắt tại chuồng chỉ 20 nghìn đồng/kg, thì mức giá 35 nghìn đồng/kg mà LeBio đưa ra đã khiến nhiều người chăn nuôi vui mừng.

Thế nhưng, những ngày sau đó, nhiều chủ trang trại đã thông tin tới cơ quan truyền thông cho rằng Cty CP Lebio tiếng là đi thu mua lợn, nhưng kỳ thực là đi thăm dò để bán cám. Ông Thế Anh – chủ một trang trại với 15 nghìn con lợn thịt tại Ứng Hòa (Hà Nội) cho biết: "Trong nhiều ngày, tôi gọi cho ông Nhữ Đình Tú hàng chục cuộc, giai đoạn đầu, ông Tú yêu cầu các giấy tờ, sau đó khất lần và những ngày sau thì không bắt máy".

Với trang trại trên 15 nghìn con lợn thịt, anh Thế Anh đã nhiều lần liên lạc với ông Nhữ Đình Tú nhưng chỉ được nhận những lời hứa hẹn loanh quanh. Ảnh: Thế Anh

Liên lạc với ông Nhữ Đình Tú, PV được ông khẳng định, việc sẽ thu mua 40 nghìn con lợn là thật, nhưng phải là những con lợn đã ăn cám của LeBio thì mới đảm bảo an toàn thực phẩm. Ông Tú cũng cho biết, mới đây, ông đã họp với tỉnh Yên Bái về việc bao tiêu lợn, trong đó, ông cam kết sẽ bao tiêu 5 nghìn con lợn giống (lợn con) trong năm 2017. Nhưng, trao đổi với lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh này, PV được biết, ông Tú không mua đàn lợn đã đến kỳ xuất chuồng, mà chỉ đồng ý bao tiêu 5 nghìn con, với điều kiện người chăn nuôi phải sử dụng cám của LeBio.

Một chủ trang trại tại Hà Nam - ông Nguyễn Văn Hùng - cũng có đàn lợn hàng trăm con đến kỳ xuất chuồng mà không thể bán nổi. Sau nhiều tuần điện thoại trao đổi với LeBio, ông Hùng vẫn chưa bán được con lợn nào. “Họ chỉ mua nếu lợn chúng tôi dùng cám của họ. Đây không phải là hành động “giải cứu” lợn, mà là hình thức tiếp thị, bán cám” – ông Hùng khẳng định.

PV Lao Động đã trao đổi với ông Tạ Văn Tường – Giám đốc Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội – đơn vị phát động giải cứu chăn nuôi lợn tại khu vực phía Bắc, liệu có hay không tình trạng “đục nước béo cò”, nhân chuyện “giải cứu” lợn để trục lợi, ông Tường khẳng định: “Các DN tham gia chương trình thăm dò, khảo sát chi phí chăn nuôi của chủ trang trại, mua với giá 35 nghìn đồng/kg. Chúng tôi sẽ thường xuyên giám sát không để cá nhân, tổ chức nào lợi dụng uy tín của DN giải cứu để trục lợi”!

Kh.V

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/co-hay-khong-viec-loi-dung-giai-cuu-dan-lon-de-ban-cam-668432.bld