Có hay không Sở y tế Tuyên Quang mập mờ trong đấu thầu mua hóa chất và vật tư y tế?

Trong đơn thư gửi một số Ban, Ngành tỉnh Tuyên Quang và các cơ quan thông tấn báo chí, Công ty CP đầu tư xây dựng và thương mại Tây Hà là một trong những đơn vị tham gia đấu thầu hai gói thầu số 4, 5 “Mua hóa chất” và “Mua vật tư y tế” thuộc dự án “Mua thuốc, vật tư y tế, hóa chất đợt 2 năm 2016” có dấu hiệu không minh bạch và không tuân thủ các quy định về quản lý công tác đấu thầu?

Cụ thể vào khoảng tháng 6/2016 công ty Tây Hà có nhận được thông báo mời thầu đăng trên báo đấu thầu với nội dung: “Đơn vị mời thầu: Sở y tế tỉnh Tuyên Quang, nội dung mời thầu: Gói thầu số 5: “Mua Hóa chất” thuộc dự án “mua thuốc, vật tư y tế, hóa chất” đợt 2 năm 2016 cho các đơn vị Y tế công lập trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang”. (sau đây gọi tắt là gói thầu số 5). Thời gian đóng thầu 14h ngày 10 tháng 06 năm 2016.

Sau đó công ty Tây Hà có cử cán bộ lên mua hồ sơ mời thầu (HSMT), tuy nhiên công ty này nhận được nhiều thông tin cho rằng chủ đầu tư (tức bên mời thầu là Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang) đã có một số hành động nghi là thông thầu với 1 số nhà thầu đã có trước đó nên công ty này quyết định không tham gia làm hồ sơ thầu?

Bằng chứng mà công ty Tây Hà đưa ra là ảnh chụp Email cá nhân: Nguyễn Thế Yên (nguyentheyentq@gmail.com) được cho là Email của ông Nguyễn Thế Yên, Phó Giám đốc kiêm Chủ tịch hội đồng đấu thầu Sở Y tế Tuyên Quang gửi cho một công ty có kèm 1 file Excel danh mục đấu thầu của gói thầu số 5 vào ngày 25 tháng 3 năm 2016 tức là khoảng 3 tháng trước khi gói thầu diễn ra.

Cũng theo đơn thư phản ánh của công ty này thì ông Yên còn bắt tay với 1 công ty khác để thuê thẩm định giá nhưng đơn vị đứng ra thuê không phải chủ đầu tư mà lại là nhà thầu.

Phía công ty Tây Hà còn cho rằng, ngay tại Gói thầu số 4 Mua vật tư y tế, đây là gói thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức rộng rãi nhưng chủ đầu tư là Sở Y tế Tuyên Quang cố tình đưa tên sản phẩm xuất xứ vào phụ lục danh mục kèm theo hồ sơ, đồng thời có rất nhiều các mục sản phẩm bỏ trống các cột “quy cách đóng gói” và “hãng sản xuất” Điều này vi phạm nghiêm trọng luật đấu thầu Tại điều 89 luật đấu thầu số 43/2013/QH13 các hành vi bị cấm trong đấu thầu; khoản (i) nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế;

Hồ sơ mời thầu gồm 372 danh mục được chia làm 3 phần, các nhà thầu phải chào trọn các phần trong danh mục mới được coi là trúng thầu, nhưng trong danh mục chủ đầu tư chia rất mập mờ. Ví dụ, sản phẩm của hãng B,Braum được chia đều ở cả 3 phần. Cụ thể, phần 1 gồm hóa chất cho máy chạy thận nhân tạo, phần hai gồm hóa chất cho máy chạy thận nhân tạo, phần ba gồm hóa chất cho máy chạy thận nhân tạo. Mặt khác tại khoản a CDNT 5.3 chương 2 HSMT quy định hàng hóa phải có giấy phép bán hàng của nhà sản xuất. Mà tất cả các sản phẩm này nhằm cung cấp cho máy chạy thận nhân tạo của hãng B,Braum nên phải có sự đồng nhất tương thích với nhau mới có thể sử dụng được.

Trong gói thầu Số 4 chỉ có tối đa một nhà thầu và một công ty được cấp giấy phép bán hàng của các hãng, còn giả sử nếu 3 nhà thầu khác nhau chào 3 sản phẩm của 3 hãng khác nhau mặc dù tương đương thì người sử dụng cũng không dùng được. Điều này đã hạn chế hầu như tất cả các nhà thầu muốn tham dự do thiếu giấy ủy quyền, cụ thể là sản phẩm B,Braum. Vì thế ở đây đã có dấu hiệu vi phạm luật đấu thầu số 43/2013/QH13 cụ thể tại điều 89, các hành vi bị cấm trong đấu thầu (k) chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu trái với quy định của Luật này nhằm mục đích chỉ định thầu hoặc hạn chế sự tham gia của các nhà nhầu.

Về Gói thầu số 5 Mua hóa chất có điều bất thường sai với luật đấu thầu là gói thầu đấu rộng rãi là gói thầu gồm các danh mục thông dụng, sẵn có trên thị trường, nhưng gói thầu này có những danh mục không phải như vậy ví dụ: hóa chất Roche dùng cho máy miễn dịch (gọi là hóa chất đóng), máy chỉ chạy duy nhất một loại hóa chất không thể thay thế được hóa chất khác, nếu dùng hóa chất khác thì máy không thông báo kết quả hoặc có thông báo nhưng không đúng.

Làm việc với Lãnh đạo sở y tế ngày 13/09/2016 theo đơn thư phản ánh (hai gói thầu số 4, 5 có dấu hiệu thông thầu), phóng viên Báo Sức khỏe Cộng đồng yêu cầu phía Sở Y tế cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan tới vụ việc trên như bản đánh giá, thẩm định năng lực nhà thầu, danh sách các nhà thầu, hóa đơn thẩm định giá… thì lãnh đạo Sở Y tế liên tục từ chối, với lý do là không thể cung cấp chỉ đọc cho phóng viên nghe. Khi được hỏi đấy có phải là hồ sơ mật không thì phía Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang không trả lời được và nói theo luật đấu thầu, “bọn mình cung cấp cho các bạn là không đúng…” trong khi đó thời gian mở đấu thầu 03/6/2016 hơn ba tháng nhưng lãnh đạo sở này là ông Nguyễn Thế Yên - Phó giám đốc sở Y tế vẫn từ chối cung cấp cho phóng viên.

Có hay không việc Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang thông thầu với đơn vị tham gia đấu thầu như đơn phản ánh của doanh nghiệp? cần có sự tham gia vào cuộc của các cơ quan chức năng để làm sáng tỏ vấn đề này.

Theo Luật sư Lê Văn Kiên - Trưởng văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý

Theo Luật sư Lê Văn Kiên - Trưởng văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý: Nếu có căn cứ chứng minh rằng ngày 25/3/2016 ông Nguyễn Thế Yên, Phó Giám đốc kiêm Chủ tịch hội đồng đấu thầu Sở Y tế Tuyên Quang đã gửi cho một công ty có kèm 1 file Excel danh mục đấu thầu của gói thầu số 5, tức là trước 3 tháng gói thầu diễn ra thì đây rõ rang là hành vi vi phạm Luật đấu thầu vì nó thể hiện nguyên tắc công bằng và minh bạch trong hoạt động đấu thầu. Về nguyên tắc khi Sở y tế tuyê quang (chủ thầu) phải là người thuê thẩm định giá và phải thanh toán chi phí cho Công ty đã đứng ra thẩm định. Không thể có trường hợp công ty tham gia đấu thầu mà lại thuê thẩm định giá và thanh toán chi phí cho bên thẩm định bởi như vậy nó sẽ dẫn đến sự không khách quan trong việc thực hiện đấu thầu.

Như vậy, nếu Sở y tế Tuyên Quang mà cụ thể là ông Nguyễn Thế Yên, Phó Giám đốc kiêm Chủ tịch hội đồng đấu thầu Sở Y tế Tuyên Quang có các hành vi nêu đã vi phạm điều 89 Luật đấu thầu hiện hành. Hành vi vi phạm này tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

Điều 89. Các hành vi bị cấm trong đấu thầu
1. Đưa, nhận, môi giới hối lộ.
2. Lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu.
3. Thông thầu, bao gồm các hành vi sau đây:
a) Thỏa thuận về việc rút khỏi việc dự thầu hoặc rút đơn dự thầu được nộp trước đó để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu;
b) Thỏa thuận để một hoặc nhiều bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu cho các bên tham dự thầu để một bên thắng thầu;
c) Thỏa thuận về việc từ chối cung cấp hàng hóa, không ký hợp đồng thầu phụ hoặc các hình thức gây khó khăn khác cho các bên không tham gia thỏa thuận

Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đang trình Quốc hội xem xét thông qua.
Điều 222 quy định về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Theo đó, người nào thực hiện các hành vi: Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; Thông thầu; Gian lận trong đấu thầu; Cản trở hoạt động đấu thầu; Vi phạm quy định của Nhà nước về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu; Chuyển nhượng thầu trái phép sẽ bị xử phạt từ cải tạo không giam giữ cho đến 20 năm tù giam tùy mức độ hành vi.

Như vậy, có 7 hành vi vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu sẽ bị xem xét để xử lý hình sự nếu gây ra mức độ hậu quả nghiêm trọng. Hoạt động đấu thầu được xem là công cụ đặc biệt để đạt được mục tiêu cạnh tranh - công bằng - minh bạch - hiệu quả trong việc sử dụng nguồn vốn nhà nước. Nhưng thực tế tình trạng “lách luật” vẫn rất phổ biến. Việc đưa ra hình thức xử phạt nghiêm khắc hơn, xử lý hình sự chắc chắn sẽ tạo tác dụng răn đe lớn hơn đối với hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu.

Nhóm PV

Nguồn SKCĐ: http://suckhoe.com.vn/co-hay-khong-so-y-te-tuyen-quang-map-mo-trong-dau-thau-mua-hoa-chat-va-vat-tu-y-te-71450-article.html