Cơ giới hóa đồng bộ sản xuất lúa

Mô hình này tập trung vào 5 đột phá: Quy hoạch vùng sản xuất, sử dụng giống đảm bảo, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, đồng bộ cơ giới hóa và liên kết với doanh nghiệp.

Vừa qua, Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông (Viện Khoa học nông nghiệp VN) tổ chức hội nghị đánh giá kết quả mô hình áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa theo hướng cánh đồng lớn ở Hà Nam.

Tổ chức sản xuất lúa theo cánh đồng lớn, cơ giới hóa đồng bộ cho thu nhập cao

Ông Nguyễn Xuân Dũng, PGĐ Trung tâm CGCN & KN cho biết: Bối cảnh sản xuất lúa và sản xuất lúa gạo vùng ĐBSH chịu tác động nhiều mặt như thu hồi đất nông nghiệp, ô nhiễm môi trường, chi phí ngày công lao động cao; hiệu quả và giá trị sản xuất lúa thấp dẫn tới thực trạng nông dân bỏ ruộng.

Tổ chức sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn đang trở thành “trào lưu” ở một số tỉnh phía Bắc như Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Bắc Giang... Lợi thế của khu vực ĐBSH là thâm canh lúa đặc sản kết hợp với đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, quy hoạch lại đồng ruộng, hoàn thiện hệ thống thủy lợi. Tuy nhiên, để xây dựng mô hình thành công, cần thiết lập những quan hệ sản xuất đặc thù.

Từ sự trợ giúp của một dự án khuyến nông Trung ương, xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, Hà Nam đã tạo nên một cánh đồng lớn sản xuất lúa rất đặc biệt, rộng 45ha tại hai thôn Lưu Giáo và Phúc Trung. Điểm độc đáo ở đây là toàn bộ cánh đồng không có bờ thửa, mặt ruộng phẳng lỳ, rất thuận lợi cho việc điều tiết nước, đưa máy xuống đồng làm đất, cấy lúa và thu hoạch.

Để chuẩn bị, cán bộ Trung tâm CGCN & KN đã hướng dẫn bà con ngâm, ủ giống và gieo mạ trong giá thể, sau đó các hộ sẽ chăm sóc. Thời vụ gieo cấy, chăm sóc bón phân, phun thuốc được chỉ đạo sâu sát và thực hiện nghiêm tới các nông hộ; gieo mạ tập trung; gieo 100% diện tích mạ nền cứng và cấy bằng máy HAMCO; thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp theo hợp đồng ký kết với HTX, thôn xóm và chủ máy; thu mua lúa VT-NA2 cho nông dân theo hợp đồng tiêu thụ nông sản với TCty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An.

Ông Nguyễn Văn Sâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tượng Lĩnh cho biết: Ruộng cấy máy có mật độ cấy 30 khóm/m2, còn thửa ruộng cấy tay có mật độ 40 khóm/m2. Tuy nhiên số bông hữu hiệu/khóm ở công thức cấy máy đạt cao hơn (bình quân 318 bông/m2, cá biệt có điểm đo được 386 bông/m2); còn cấy tay đo được 291 bông/m2.

Chỉ tiêu về số hạt chắc trên bông của ruộng cấy máy đạt được 132 hạt chắc/bông cao hơn so với ruộng cấy bằng tay nên năng suất lý thuyết và dự kiến năng suất thu được của ruộng cấy bằng máy đạt 73,9 tạ/ha (tương ứng 266kg/sào), cao hơn so với cấy bằng tay (13,6%).

Ông Sâm cho biết: Có thể khẳng định,việc cấy bằng máy làm cho cây lúa thẳng hàng, khả năng sử dụng ánh sáng và lưu thông trong ruộng tốt hơn trong cùng điều kiện sử dụng phân bón NPK chuyên dùng cho bón lót và bón thúc đã giúp cho ruộng phát triển cân đối, lá đứng thẳng không bị đổ do mưa giông trên địa bàn trong những ngày qua.

Bà Đào Thị Phượng, Trưởng thôn Lưu Giáo, người có thâm niên trồng lúa chia sẻ: Khi vào thời vụ cấy lúa, công lao động lên tới 350 - 400 ngàn đồng/ngày (một người chỉ cấy được 1 sào/ngày).

Tuy nhiên, nếu thuê máy cấy thì chi phí chỉ mất 110 ngàn đồng/sào. Mặt khác, chi phí thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp cũng rẻ hơn so với gặt lúa thủ công khoảng 60.000 đồng/sào. Như vậy, lợi nhuận trông thấy rõ rệt. Việc cấy thưa cũng giúp giảm thiểu dịch bệnh, bởi vậy bà con chỉ phun phòng 1 lần thuốc BVTV, đến lúc thu hoạch đồng lúa vẫn rất sạch bệnh.

Bà Nguyễn Thị Vang, PGĐ Sở NN-PTNT Hà Nam chia sẻ, tại mô hình ở xã Tượng Lĩnh, nhờ làm tốt dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa, sử dụng giống, vật tư nông nghiệp chất lượng tốt và hợp lý đã giúp nông dân tăng lợi nhuận thêm hơn 9 triệu đồng/ha. Trong thời gian tới, các địa phương cần có chính sách để nhân rộng mô hình này, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con.

Tuy nhiên, việc nhân rộng dịch vụ cấy máy cũng gặp một số trở ngại. Theo chị Ngô Thị Thủy (thôn Văn Bối, xã Nhật Tựu, huyện Kim Bảng), chủ cơ sở cung ứng dịch vụ cấy máy chia sẻ: “Nếu để nông dân tự ngâm ủ, gieo mạ để chúng tôi cấy thì rất khó khăn, bởi chất lượng mạ không đồng nhất. Bởi vậy, các địa phương cần hình thành các cơ sở chuyên sản xuất mạ khay.

Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ người dân mua máy cấy, bởi nếu đầu tư một số tiền lớn mà chỉ khai thác khấu hao trong một thời đoạn ngắn thì không ai mặn mà. Thực tế, toàn huyện Kim Bảng mới chỉ có 2 máy cấy (loại 8 hàng). Con số này là rất ít”.

ĐỒNG THÁI

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/co-gioi-hoa-dong-bo-san-xuat-lua-post194848.html