Cô giáo 'trường Ams' bật mí phương pháp đổi mới trong tiết sinh hoạt lớp

Cô Phan Hồng Anh - Giáo viên Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam - chia sẻ một số biện pháp đổi mới trong tiết sinh hoạt lớp.

Học sinh biểu diễn thao tác nghề “Giáo viên” trong phương pháp trò chơi giáo dục

Học sinh biểu diễn thao tác nghề “Giáo viên” trong phương pháp trò chơi giáo dục

Phương pháp tranh biện: Đây là phương pháp tổ chức cho học sinh thảo luận, tranh luận dưới tư cách cá nhân, hoặc theo nhóm về những vấn đề có tính tranh luận cao, nội dung liên quan đến chủ đề sinh hoạt dưới sự điều hành của giáo viên chủ nhiệm.

Mục đích của của phương pháp này là rèn luyện các kĩ năng như: Kỹ năng tìm kiếm và xử lí thông tin, kĩ năng phản hồi, lắng nghe tích cực ý kiến người khác, kĩ năng suy nghĩ/tư duy phê phán…

Để thực hiện phương pháp này, giáo viên chủ nhiệm chia các nhóm, cho mỗi nhóm bốc thăm một (hoặc một vài) câu hỏi có tính tranh luận cao;

Các nhóm tiến hành thảo luận, kết quả thảo luận (hình thức tùy vào sự sáng tạo của học sinh) được ghi vào giấy A0 hoặc được trình bày trực tiếp;

Lần lượt các nhóm báo cáo kết quả thảo luận bằng các hình thức sáng tạo của nhóm mình, các nhóm khác lắng nghe và phát biểu ý kiến bổ sung. Cuối cùng giáo viên chủ nhiệm tổng kết, phát biểu ý kiến.

Ví dụ: Trong năm 2015 – 2016, tôi chủ nhiệm lớp 12 gồm 31 học sinh. Trong buổi sinh hoạt với chủ đề “Lựa chọn nghề nghiệp”, tôi đã chia lớp thành ba nhóm, và yêu cầu mỗi nhóm thảo luận 3 câu hỏi:

Thứ nhất là, lĩnh vực nghề hoặc nghề nào trong xã hội theo em là khó khăn nhất? Vì sao?

Thứ hai là, làm thế nào để tìm hiểu được nghề mà mình định lựa chọn?

Thứ ba là, em sẽ sắp xếp các ưu tiên: nguyện vọng của gia đình, sở thích của bản thân, năng khiếu của bản thân, thu nhập của nghề khi chọn lựa nghề nghiệp như thế nào? Tại sao?

Mỗi nhóm có 10 phút để cùng thảo luận và ghi kết quả lên giấy A0. Sau đó, mỗi nhóm cử đại diện trình bày đáp án 1 câu hỏi, các nhóm còn lại đánh dấu vào những ý trùng với nhóm đã trình bày, và sau đó bổ sung các ý chưa được nhắc tới. Tôi tổng hợp các ý kiến và kết luận.

Phương pháp trò chơi giáo dục: Đây là phương pháp trong đó một số thành viên trong lớp tham gia trò chơi theo hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm hoặc trọng tài là học sinh. Sau cuộc chơi, giáo viên chủ nhiệm hoặc trọng tài sẽ nhận xét kết quả, bổ sung kiến thức cho học sinh.

Mục đích của phương pháp này nhằm tạo sự hào hứng, tham gia tích cực của học sinh. Tùy vào hình thức trò chơi, học sinh sẽ có cơ hội nắm bắt thêm các tri thức xã hội, rèn luyện kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng hợp tác nhóm … cho học sinh.

Quy trình thực hiện phương pháp này như sau: Giáo viên chủ nhiệm yêu cầu lớp chuẩn bị những vật dụng cần thiết cho trò chơi trước đó. Sau đó, giáo viên chủ nhiệm hoặc trọng tài thông báo thể lệ trò chơi, và chia đội (nếu cần). Tiếp đến là tổ chức trò chơi và cuối cùng là nhận xét trò chơi.

Ví dụ: Trong năm học 2015 – 2016, tôi chủ nhiệm lớp 12. Trong buổi sinh hoạt với chủ đề “Tìm hiểu về các ngành nghề”, tôi đã cho học sinh tham gia trò chơi “Biểu diễn những thao tác của nghề mình ưa thích”. Dựa vào việc tổng hợp ý kiến đầu năm, tôi đã nắm được danh sách các nghề nghiệp học sinh quan tâm.

Trong tiết sinh hoạt, học sinh lên bốc thăm nghề và cần biểu hiện bằng hành động (có thể mời sự giúp đỡ của một số bạn học sinh khác) để các bạn đoán được nghề nghiệp mình đang biểu hiện. Sau mỗi nghề được trình diễn, tôi hoặc học sinh sẽ nhắc lại về đặc điểm, những yêu cầu của nghề đó.

Phương pháp làm việc nhóm: Đây là phương pháp trong đó giáo viên chủ nhiệm sắp xếp, chia nhóm (nếu cần thiết) và giao một hoặc một vài nhiệm vụ cho mỗi cá nhân/mỗi nhóm theo nguyện vọng, khả năng của mỗi học sinh.

Mục tiêu của phương pháp này là nhằm kích thích sự chủ động sáng tạo của học sinh, mọi học sinh đều được tham gia vào hoạt động. Tùy vào mỗi hình thức hoạt động mỗi nhóm lựa chọn, học sinh sẽ được “học” theo hình thức tích hợp liên môn (viết văn, thuyết trình, công nghệ thông tin, dàn dựng, biên đạo, mỹ thuật, âm nhạc …); được rèn luyện được các kĩ năng sống khác nhau.

Quy trình thực hiện như sau:

- Giáo viên chủ nhiệm thông báo yêu cầu, hướng dẫn học sinh chuẩn bị trước. Mỗi nhóm cần xác định mục tiêu, hình thức thực hiện,phân công nhiệm vụ. Tiến hành hoạt động của mỗi nhóm. Giáo viên chủ nhiệm nhận xét, tổng kết.

Ví dụ: Trong năm học 2015 – 2016, tôi chủ nhiệm lớp 12. Trong buổi sinh hoạt với chủ đề tháng 10 “Tìm hiểu luật hôn nhân và gia đình”, tôi đã chia 4 nhóm phân công cho các học sinh chuẩn bị thuyết trình theo bốn nội dung. Cụ thể: Tảo hôn; Sinh đẻ có kế hoạch; Việc kết hôn do nam, nữ tự nguyện quyết định, làm thế nào để biết có sự tự nguyện trong việc kết hôn? Vợ chồng có những nghĩa vụ và quyền lợi gì theo Luật Hôn nhân và gia đình.

Về hình thức thực hiện, học sinh được tùy ý sáng tạo, giáo viên chủ nhiệm gợi ý cho các học sinh thể hiện bằng hình thức: thuyết trình, dựng clip, dàn dựng tình huống, thi hiểu biết …

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/co-giao-truong-ams-bat-mi-phuong-phap-doi-moi-trong-tiet-sinh-hoat-lop-3215755-v.html