Cô giáo tiếng Anh kể về kỷ niệm nhớ đời khi học ngoại ngữ

Tốt nghiệp đại học, Moon bị choáng bởi sự khác biệt giữa tiếng Anh sách vở và tiếng Anh trong thực tế. Tuy nhiên, chìa khóa quan trọng nhất là ba chữ 'không bỏ cuộc'.

TIN LIÊN QUAN

Nếu chỉ học Tiếng Anh qua SGK khó mà giao tiếp thành thục!

3 thử thách trong học tiếng Anh

Vì sao bạn cứ mãi chật vật khi nghe tiếng Anh

Gặp người nước ngoài, thầy giáo tiếng Anh từng 'ngọng'

Cô Moon Nguyen là giáo viên dạy phát âm tại một trung tâm tiếng Anh ở Hà Nội, từng giảng dạy tại trường Trung học công lập Grand Rapids (Mỹ), sở hữu chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh cho người không bản ngữ (Teaching English as a Foreign Language) loại A được cấp bởi Bridge TEFL tại Mỹ. Dưới đây là chia sẻ của cô về những ngày đầu học tiếng Anh.

Cô giáo Moon Nguyen.

Có hai câu chuyện Moon muốn kể về việc không từ bỏ đã giúp ích Moon ra sao. Các bạn đọc và tự vấn xem nếu là bạn, bạn có làm như mình không nhé.

Câu chuyện thứ nhất: Hồi cấp 3

Năm mới vào cấp 3, Moon học ngữ pháp xuống khủng khiếp. Trên lớp học lại giáo trình tiếng Anh hệ 3 năm, thế là kiến thức vun đắp từ hồi cấp 2 rơi rụng hết.

Moon quyết định đi học thêm. Được bạn cũ giới thiệu, Moon tìm đến lớp học thầy Tâm. Ngày ấy Moon học thầy tại nhà riêng, lớp khoảng 20-30 bạn, học phí không nhớ nhưng hình như cũng 'chát'. Buổi đầu đi học thử, ấn tượng vài điều: thầy già (ngoài 70 tuổi), lớp toàn người giỏi (sốc nặng) và chữ thầy cực xấu.

Buổi đầu tiên vào lớp, Moon muốn ngất vì thầy lôi ra rất nhiều tài liệu chép tay và photo. Ôi chao, chữ thầy mình không dịch nổi. Hầu như buổi đầu, Moon không đọc nổi chữ nào thầy viết, toàn phải hỏi bạn bên cạnh.

Học sinh trong lớp cứ nhao nhao, câu hỏi nào của thầy cũng trả lời được tuốt. Mình sốc quá, bảo thế này không biết có theo nổi vì các bạn trong lớp học được gần 2 năm rồi, mình vào giữa, sẽ không theo kịp.

Sau buổi đầu về, mình nghĩ khá nhiều. Nếu quyết định đi học, nghĩa là phải đóng tiền cả tháng (học phí không rẻ, nhà lại nghèo). Thế mà cuối cùng mình quyết định đi tiếp. Vì mình nghĩ, bạn học được chẳng có lý do gì mình không làm được và mình tin sẽ làm được.

Những buổi sau nói chung không khá hơn là mấy, mình là đứa vào sau, chậm lụt nhất lớp, toàn làm bài sai, sai rất nhiều, và có lẽ là đứa duy nhất trong lớp không đọc nổi chữ của thầy. Phải mất một tháng, Moon mới quen.

Nhưng nhờ có thầy mà ngữ pháp của mình tiến bộ trông thấy, đi thi đại học sau này nhìn câu nào cũng thấy quen mà không thấy sợ. Cảm ơn thầy thật nhiều.

Câu chuyện thứ hai: Khi đi làm

Ngày mới ra trường, như đã trình bày ở trên, mình thuộc hàng tiếng Anh ù ù cạc cạc, nghe tiếng Anh như 'vịt nghe sấm'. Lúc đấy, đứa bạn bảo có vị trí trợ lý dự án nó không thèm apply, bảo mình xin thử coi, mình cũng mang hồ sơ đi phỏng vấn. Buổi phỏng vấn gặp ngay chị người Anh và anh Việt kiều người Mỹ, tất cả những gì họ yêu cầu là dịch xem chị người Anh nói gì.

Phải nói thật là suốt thời đại học, mình chỉ toàn vùi đầu vào mấy môn chuyên ngành, tiếng Anh hầu như bỏ bê. Run rủi sao, mình nghe ù ù cạc cạc, dịch một hồi họ cũng nhận vào làm. Hồi đấy mình đoán là cái chức trợ lý dự án chắc không ai thèm apply nên họ phỏng vấn rồi nhận mình vào luôn.

Buổi đầu tiên đi làm, nhiệm vụ là trợ lý cho một chị chuyên gia trị liệu ngôn ngữ người Hà Lan. Mình nghe chị ấy nói chả hiểu lắm, nhất là vào đúng buổi chị ấy đào tạo các chuyên gia Việt Nam khác, toàn từ mới chuyên ngành, hầu như mình không hiểu gì.

Mấy chị chuyên gia Việt Nam bực bội, còn dịch hộ luôn mình vài từ. Có chị còn quát 'không hiểu thuê người cái kiểu gì?'. Xấu hổ tới mức độn thổ. Và buồn nữa… Lại hát bài 'Ước gì' của Mỹ Tâm. Giá hồi sinh viên học cho tử tế hơn thì đâu ra nông nỗi.

Thế là mình sợ… và định xin thôi việc.

Nói vậy thôi, chứ mình khó bị khuất phục. Mình quyết định ở lại, vì biết nếu ở lại thì trình tiếng Anh lẹt đẹt của mình mới có ngày khấm khá hơn. Rồi mình lê la đến nói chuyện với chị chuyên gia trong giờ nghỉ, yêu cầu gặp trước buổi dịch workshop để làm việc trước về từ vựng, về nội dung. Vượt qua sự xấu hổ, mình cứ tiếp tục làm.

Cứ thế dần dà, mình khá hơn. Điều quan trọng là mình tự thừa nhận với chị chuyên gia là mình dốt, mình kém, mình nghe hiểu lõm bõm lắm, nhưng mình vẫn cố gắng. Thôi thì chị cố gắng giúp em, cho em nói chuyện với chị nhiều hơn. Và rồi đâu cũng vào đấy, mình đảm nhiệm tốt công việc của mình và việc huấn luyện chuyên gia cứ chạy vèo vèo.

Ngẫm lại, đó là hai trong số nhiều mốc lớn trong việc học tiếng Anh của mình. Nếu mình bỏ cuộc trong cả hai câu chuyện này, chắc không có Moon Nguyen bây giờ.

Theo Moon Nguyen/Vnexpress.net

Nguồn Tiin: http://tiin.vn/chuyen-muc/hoc/khong-bo-cuoc-kinh-nghiem-hoc-tieng-anh-cua-mot-giao-vien.html