Cô giáo tật nguyền ở vùng rốn bão Chanchu thủa ấy

Đó có lẽ là lớp học đặc biệt ở vùng đất này, nơi ngày ngày vẫn có một cô gái chỉ quanh quẩn bên giường, mở lớp học cho những đứa trẻ mồ côi cha sau cơn bão hoang tàn. Đó là lớp học bên giường vô cùng đặc biệt của cô giáo bại liệt Vương Thị Dung.

Xã Bình Minh (Thăng Bình, Quảng Nam) là nơi các đây mây năm từng nằm trong rốn bão Chanchu, cơn bão khủng khiếp ấy đã cướp đi sinh mạng và cuộc sống bình yên hạnh phúc của rất nhiều gia đình nơi đây. Trong một con hẻm nhỏ đầy cát trắng của miền biển Bình Minh này, có một thôn nhỏ mà trong đó cô gái tật nguyền vẫn ngày ngày vui sống, và làm tất cả những điều tốt đẹp cho cuộc đời trong khả năng của mình.

Hậu quả của cơn bão kinh hoàng năm ấy vẫn còn hiện rõ một một trên từng nóc nhà, trong từng gia đình nơi đây. Và trong gia đình của cô gái Vương Thị Dung (1991, thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam) cũng vậy. Ngôi nhà nhỏ nằm ẩn mình sau những lối đi đầy xương rồng vùng cát phía đông Thăng Bình rộn rã tiếng cười, tiếng học bài khi chúng tôi vào thăm.

Cách đây nhiều năm, sau một đêm ngủ dậy, cô gái đang ở cái tuổi đẹp nhất của cuộc đời bỗng dưng bị liệt toàn thân. Sau biết bao lần đi chạy chữa hết trong nam ngoài bắc nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm, cô đành chấp nhận sự thật và vươn lên bằng nghị lực tuyệt vời của mình để làm một bông hoa giữa đời thường. Từ một cô gái mới chỉ học đến lớp 11, năm nằm liệt bên giường bệnh, thân thể gần như khô lại. Một con người mà sự sống tưởng như không chạm tới nữa. Thế nhưng cô đã vượt lên số phận, với niềm lạc quan hiếm của một cô gái tật nguyền. Dù bị căn bệnh lạ cướp đi sức lực của đôi tay, đôi chân khiến tứ chi bị liệt phải nằm một chỗ nhưng Dung vẫn không đầu hàng số phận. Lúc nào nụ cười cũng nở trên gương mặt để dạy cho lũ trẻ trong làng cái chữ, dạy cả niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống này.

Lớp học bên giường của cô giáo Vương Thị Dung.

Lúc chúng tôi đến trò chuyện với Dung cũng là lúc lớp học của Dung đang trong giờ. Học sinh thì đủ các độ tuổi, đủ các khối lớp từ nhỏ đến lớn. Góc này hai ba em học trình độ tiểu học, góc kia là lớp sáu, góc khác nữa là lớp tám, thế nhưng tất cả đều tập trung cùng với cô giáo trong một góc ngôi nhà nghèo khó. Dung bảo: “Học sinh ở nơi khác được đến trường, được đi học thêm, được học nhiều kiến thức trong rất nhiều loại sách vở khác nhau. Còn những đứa trẻ ở đây thì tất cả đều nghèo khó lắm. có đứa chẳng mua nổi quyển vở, cây bút mà học nữa. nên em có gì cũng đều chia cho học sinh của mình hết. Thương tụi nhỏ nhà nghèo, em gọi về đây dạy cho chúng. Nói là dạy chứ thực ra em biết gì em chỉ cái đó thôi. Chúng cũng chịu khó nên đứa nào cũng học được hết!”, Dung nói cùng với một nụ cười mãn nguyện.

“Hồi nhỏ em ước mơ lớn lên làm cô giáo, muốn lắm nhưng chưa kịp làm. Thôi thì không được đứng trên bục giảng thì “nằm” trên “bục giảng” cũng được anh nhỉ?! Miễn là ước mơ của em được thực hiện thôi! Giờ em là cô giáo làng đấy nhé!” Dung cười, lũ trẻ cũng cười vì cái cách ví von rất giàu hình ảnh ấy. Lũ trẻ đến học ở nhà Dung bất kể lúc nào từ sáng, trưa, chiều và cả buổi tối cũng đến. Từ những học sinh lớp 10 hay lớp 1 cũng vậy. Dung lấy đó làm vui vì lũ trẻ đến mang theo biết bao câu chuyện bên ngoài, hay trong trường lớp nữa để kể cho Dung nghe mỗi lúc rảnh rỗi.

Những lúc không “nằm” để dạy học cho lũ trẻ, Dung lại tự tay làm hoa giấy, kết lại thành chùm, thành giỏ hoa tặng sinh nhật cho lũ trẻ trong làng, hay cho lớp mẫu giáo gần nhà để lũ trẻ cùng chơi. Những bông hoa giấy Dung làm vô cùng khéo léo, đẹp không thua gì hoa giả bán ngoài chợ. Dung bảo: “Cuộc sống cũng như những bông hoa anh nhỉ. Làm sao cống hiến cho đời vẻ đẹp thì mới đáng chứ!” nói rồi Dung lại cười, nụ cười lạc quan và đẹp khó tả của cô gái đang tuổi xuân thì.

Bà Trần Thị Đào, người đã nuôi lớn nhiều niềm hy vọng của Dung.

Bà Trần Thị Đào (60 tuổi, mẹ Dung) bảo, hồi ấy con gái bà mới có 17 tuổi đầu, cái tuổi đẹp nhất của một đời con gái, và còn biết bao ước mơ chưa thực hiện được. Có những lúc Dung nằm mấy ngày đêm liền mà không hề chợp mắt, bà cũng thức trắng cùng con. Thương con, bà Đào giấu con về bệnh tình, đi cầu cứu khắp nơi mong cứu chữa được cho đứa con gái, nhưng y khoa bất lực với căn bệnh này nên bà đành đưa con về vì không còn hy vọng.

Dung cho tôi đọc những bài thơ, những đoạn văn Dung viết cho riêng mình: “Tôi đã cố gắng hết sức mình chống chọi với bệnh tật và mong rằng sẽ có ngày, tôi chiến thắng bệnh tật. Nhưng tôi không thể chiến thắng được số phận nghiệt ngã của mình." Nhiều bài thơ, bài văn của Dung đã được gửi tới các báo, tạp chí như Thiếu niên tiền phong, Hoa học trò, Áo trắng…nhưng chắc chẳng ai biết rằng những bài viết ấy là cả một sự cố gắng không biết mệt mỏi của một cô gái bị liệt tứ chi nếu không được chứng kiến tận mắt.

Tôi định kết thúc bài viết này theo cách mình thường làm, nhưng thôi, bởi Dung có một đoạn viết ngắn, như một lời tri ân với cuộc đời của cô, rằng: “Dẫu trong niềm bất hạnh, nhưng tôi vẫn sẽ vươn lên như loài xương rồng trên triền cát trắng ở miền biển quê tôi. Tôi tự hào vì đã được sống với niềm tin và trí tuệ của một con người. Tôi sẽ không bao giờ từ bỏ hy vọng vào cuộc đời này, dẫu sinh ra không được mang một số phận bình an, may mắn như bao người khác... nhưng tôi vẫn sẽ ngẩng cao đầu để qua hết quãng thời gian được sống trên cuộc đời tuyệt vời này…”

Tiêu Dao

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/co-giao-tat-nguyen-o-vung-ron-bao-chanchu-thua-ay-193007/