Cô giáo Canada đã làm gì để được nhận giải thưởng 1 triệu USD?

Không ít lần, cô Maggie MacDonnell bước vào lớp và thấy những chiếc bàn bỏ trống. Học trò cô không bỏ học, các em đã chết, một số nghiện ma túy, số khác tự tử. Cô ám ảnh về tương lai tăm tối của các em.

Cô Maggie MacDonnell phải giảng dạy trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của vùng cực bắc - Ảnh chụp màn hình Times Educational Supplement

Cô Maggie MacDonnell và các học sinh của mình - Ảnh chụp Huffington Post

Cô giáo người Canada Maggie MacDonnell vừa được trao Giải thưởng Giáo viên toàn cầu ở Dubai hôm 19.3. Cô đã vượt qua 20.000 ứng viên viên từ 179 nước. Đây được ví là giải “Nobel Giáo dục”, do Quỹ Varkey ở Dubai khởi động cách đây 3 năm, theo The Guardian.

Giải thưởng trị giá 1 triệu USD nhằm ghi nhận những nỗ lực không mệt mỏi của cô MacDonnell nhằm thay đổi cuộc sống của học sinh tại cộng đồng Eskimo bản địa. Các em bị bủa vậy bởi ma túy, bạo lực, tự tử và mang thai vị thành niên. Cô MacDonnell đã sống hết mình vì thế hệ trẻ, nhận nhiều em làm con nuôi của mình.

Đương đầu với điều kiện khắc nghiệt

Suốt 6 năm qua, cô đã miệt mài giảng dạy tại Ikusik, một ngôi trường nhỏ bé ở vùng hẻo lánh Salluit của Canada. Ngôi làng ở đây có chưa đến 1.000 người, hầu hết là những người Eskimo bản địa. Vì thuộc Bắc cực nên điều kiện thời tiết cực kỳ khắc nghiệt. Đây cũng chính là một trong những khó khăn lớn nhất đối với giáo dục.

Nhiệt độ có lúc xuống mức âm 25 độ C. Ngoài thời tiết khắt nghiệt, ngôi làng hẻo lánh còn chứng kiến tỷ lệ sử dụng ma túy và tự tử cao. “Tôi đã chứng kiến 10 vụ tự tử chỉ trong 2 năm”, cô MacDonnell chia sẻ.

Những vấn đề chính trị kéo dài suốt nhiều thập niên đã đẩy nhiều gia đình vào tình trạng khó khăn. Rượu chè, ma túy, bạo lực tàn phá cộng đồng. Những người trẻ đã sinh ra trong điều kiện như thế. Tỷ lệ tự tử cao đến mức khiến chính phủ Canada phải tổ chức một cuộc họp khẩn để tìm giải pháp.

Khoảng 50% bé gái từng là nạn nhân của bạo lực gia đình. Tỷ lệ mang thai tuổi vị thành niên cũng thuộc loại cao nhất Canada.

Ở vùng Salluit, vì thiếu nhà cửa nên nhiều gia đình phải ở chung một nhà. Cả cộng đồng dân cư gần 1.000 người nhưng chỉ có vài người sở hữu nhà riêng.

Môi trường ở chung rất phức tạp. Nam sinh Larry, 19 tuổi, một trong những học sinh của cô MacDonnell, kể rằng cậu phải sống trong một căn nhà bốn phòng ngủ chung với 18 người. Nhiều khi cậu không dám về nhà vì sợ bị lây nghiện ma túy với những người ở chung. Thức ăn thì luôn thiếu thốn và hầu như ngày nào cũng có đánh nhau.

Nỗi ám ảnh làm nên điều kỳ diệu

Trước đây, cô MacDonnell sống ở tỉnh Nova Scotia (Canada) và chỉ mới dự 2 đám tang. Nhưng khi đến Salluit, một số học sinh của cô đã phải dự 40 đến 50 đám tang, thậm chí có em còn nhiều hơn. Chính cô MacDonnell cũng phải dự nhiều đám tang của học sinh.

“Trong đám tang, tôi rời nhà thờ để đưa thi thể các em ra nghĩa địa. Ký ức của tôi bắt đầu ám ảnh khi nhìn theo các thanh thiếu niên Canada. Các em đào hố chôn bạn học mình. Tôi đến trường vào ngày hôm sau và thấy một cái bàn trống trong lớp. Sự tĩnh lặng bao trùm cả lớp”, cô kể.

Quá nhiều nỗi đau, những vấn đề xã hội phủ bóng lên cộng đồng người ở vùng Bắc cực này. Cô MacDonnell quyết tâm thay đổi để mang lại tương lai tươi sáng hơn cho thế hệ trẻ vùng Salluit.

MacDonnell mở một chương trình dạy kỹ năng sống đặc biệt cho các cô gái trẻ. Hiệu quả mang lại là tỷ lệ nữ sinh đến trường tăng 500%. Cô cũng cố gắng thúc đẩy tỷ lệ học sinh đến trường bằng cách cho các em tham gia vào các bếp ăn cộng đồng.

Ngoài ra, học sinh cũng được tham dự các khóa đào tạo phòng chống tự tử, các nhóm đi bộ xuyên rừng quốc gia để tìm hiểu về quản lý môi trường. Không dừng lại ở đó, cô MacDonnell đã thành lập một trung tâm thể dục thể thao, nhận một số học sinh làm con nuôi.

“Nhiều em mang tiếng xấu vì gia đình các em bị mọi người kỳ thị là kẻ buôn bán ma túy. Có em còn từng có tiền án”, cô kể.

Những gì cô MacDonnell làm là cố gắng giúp thế hệ trẻ Salluit gắn kết với cộng đồng theo hướng tích cực nhất. Cô cũng dạy học trò nhiều kỹ năng sống quan trọng từ đánh răng đúng cách đến chuẩn bị bữa ăn sáng lành mạnh. Những kiến thức này rất có ích khi lập gia đình.

Lập gia đình là một trong những yếu tố giúp các em tiếp cận được với nhà ở xã hội, từ đó giúp mình và con cái tránh được môi trường bạo lực và ma túy.

Nhờ những nỗ lực của cô MacDonnell, nam sinh Larry hiện đang làm việc tại trung tâm thế thao và nộp đơn vào một trường đại học ở thành phố Montreal (Cabada). Nhiều bạn bè cậu cũng đang có tương lai tươi sáng hơn nhờ những nỗ lực của cô MacDonnell.

Những hành động của cô đã nhận được lời cám ơn và sự trân trọng của nhiều nhà lãnh đạo thế giới như Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Hoàng tử Harry của Vương quốc Anh và Thủ tướng Ý Paolo Gentiloni.

“Cô Maggie MacDonnell, tôi xin thay mặt cho mọi người dân Canada và mọi giáo viên ở đất nước này để chúc mừng cô được trao Giải thưởng giáo viên toàn cầu năm 2017”, Thủ tướng Canada Justin Trudeau gửi lời chúc mừng.

Ngọc Quý - Ngọc Quý

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/co-giao-canada-da-lam-gi-de-duoc-nhan-giai-thuong-1-trieu-usd-817882.html